Ngày 30-6, tại Hà Nội diễn ra hội thảo Diễn biến giá cả, thị thường 6 tháng đầu năm 2015, do Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực (Nguồn: baclieu online)
Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 tăng 0,55% so với tháng 12-2014 và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Đây đều là các mức tăng thấp nhất của chỉ số CPI trong tháng 6 kể từ năm 2001 đến nay.
Theo TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) từ mức 6,5% trở lên thì cần phải giảm được lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay. Với mức lãi suất cho vay trung bình trên thị trường khoảng 8,5%, trong khi lạm phát chỉ ở mức 1%, mức lãi suất cho vay thực dương là 7,5%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP. Các tính toán cho thấy, nếu lãi suất cho vay thực (lãi suất cho vay sau khi trừ đi lạm phát) tăng thêm 1%, tỷ lệ đầu tư/GDP sẽ giảm khoảng 0,76 điểm phần trăm. Ngoài ra, cần hướng dòng tiền vào trái phiếu. Khi dòng tiền chảy vào trái phiếu, áp lực lên tỷ giá sẽ giảm bớt, cơ hội giảm lãi suất sẽ rộng mở, việc phát hành trái phiếu chính phủ sẽ dễ dàng hơn, tín dụng sẽ tăng trưởng cao hơn và việc xử lý nợ xấu sẽ thuận lợi hơn.
Còn theo ông Trần Kim Chung- Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm 2015 vẫn sẽ đối diện với nhiều khó khăn. Các chính sách mới được thông qua bắt đầu từ 1-7 nhưng có thực sự đi vào cuộc sống hay không là điều cần đặc biệt quan tâm. Cuối cùng, cùng với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, việc thoái vốn của các doanh nghiệp trong nước đang nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó có việc liệu vốn nhà nước có bị lạm dụng không…
Do vậy, có 3 kịch bản cho nền kinh tế có thể được xem xét. Kịch bản thứ nhất là nền kinh tế có tất cả những yếu tố như trong 6 tháng đầu năm. Đó là kinh tế quốc tế thuận lợi, nguồn vốn vận hành vào; các doanh nghiệp trong nước trỗi dậy; các thị trường hoạt động thuận lợi…Tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,1% đến 6,2% thậm chí cao hơn. Lạm phát được đẩy lùi và các chỉ số kinh tế vĩ mô tốt. Thị trường vốn hoạt động tốt; thị trường bất động sản khởi sắc. Khả năng này được kì vọng nhất nhưng khó nhất. Kịch bản thứ hai khi đó nền kinh tế sẽ vận hành tiệm tiến. Mức tăng trưởng chỉ dao động quanh mức 6%. Lạm phát có thể tăng cao hơn mức 6 tháng đầu năm. Kịch bản 3, các chỉ số sẽ thấp hơn 6%..
Còn thông tin tại cuộc họp báo chiều 30-6 của Bộ Tài chính, con số được đưa ra là: 6 tháng đầu năm chi đầu tư phát triển đạt 86,6 nghìn tỷ đồng; bằng 44,4% dự toán; tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2014. Chi trả nợ và viện trợ đạt 75,95 nghìn tỷ đồng; bằng 50,6% dự toán; tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2014, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết. Chi phát triển sự nghiệp kinh tế xã hội đạt 378 nghìn tỷ đồng; bằng 49,3% dự toán; tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2014.