Tăng trưởng kinh tế 6,7%: Khó khả thi

Nhật Minh 11/05/2016 13:35

Nhận định này được nhóm chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra tại buổi công bố Báo cáo Thường niên kinh tế Việt Nam 2016 do VEPR phối hợp với Đại sứ quán Australia tại Hà Nội tổ chức sáng 10/5. Bên cạnh đó, nhóm chuyên gia cũng đưa ra dự báo, trong năm 2016, lạm phát sẽ có nguy cơ cao trở lại, không loại trừ sẽ vượt qua mức mục tiêu 5% mà Chính phủ đề ra.

Tăng trưởng kinh tế 6,7%: Khó khả thi

Tăng trưởng kinh tế khó đạt mức 6,7% trong năm nay.

Riêng với vấn đề giá dầu , báo cáo của VEPR cho biết, giá dầu chỉ cần giảm 1 USD thì nguồn thu sẽ giảm trung bình khoảng 2.100 tỷ đồng. Tuy vậy, cơ chế thương mại của Việt Nam hiện tại lại là giá hàng càng giảm, càng khai thác để bán ra nhiều để bù đắp. Điều này khiến nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ ngày càng bất ổn định.

Với chủ đề “Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng”, đây là lần thứ 8 báo cáo thường niên được đưa ra với những nhận định và dự báo các kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2016 -2020.

Theo TS.Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Chủ biên của Báo cáo) trong năm 2015, Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao là nhờ động lực từ khu vực sản xuất công nghiệp cũng như mặt bằng giá thấp. Tuy nhiên, sang năm 2016, mốc tăng trưởng 6,5% -7% như kỳ vọng của Chính phủ là rất khó. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát có thể sẽ lớn hơn do chính sách tiền tệ được nới lỏng và việc điều chỉnh giá các dịch vụ công. Đặc biệt, giá dịch vụ y tế, giáo dục sẽ được điều chỉnh tăng đáng kể trong năm 2016, cùng với xu thế đi lên của giá hàng hóa thế giới và tổng cầu tăng lên khi nền kinh tế phục hồi sẽ gây áp lực đáng kể lên mặt bằng giá.

“Tăng trưởng năm 2016 của Việt Nam sẽ ở mức 6% cho kịch bản thấp và ở mức 6,5% cho những điều kiện thuận lợi hơn. Và để có thể đạt được mức tăng trưởng trên 6,5%, phải dựa vào nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ mới nhằm mang lại hiệu ứng kích thích mạnh mẽ tâm lý người tiêu dùng và tạo niềm tin cho nhà đầu tư” – Báo cáo của VEPR nêu quan điểm.

“Do mặt bằng giá trong năm nay có thể sẽ có những diễn biến phức tạp đến từ nhiều yếu tố ngoại sinh như thị trường thế giới, biến đổi khí hậu, gây xáo trộn về thị trường lương thực và nội sinh như khả năng kiểm soát cung tiền của Ngân hàng Nhà nước, biến động của tổng cầu, không loại trừ việc lạm phát 2016 sẽ vượt qua mức mục tiêu 5% của Chính phủ” – nhóm thực hiện báo cáo nêu lên nhận định.

Lo ngại rằng những thuận lợi của năm 2015 sẽ không còn, điều này sẽ tác động đến sự phát triển kinh tế của năm 2016, TS. Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra cảnh báo, cơ quan quản lý cần có những bước đi thận trọng. Với những kịch bản được báo cáo thường niên của VEPR dự báo, trên cơ sở thực tế, các chuyên gia lưu ý, cần quay trở lại ưu tiên cao nhất cho các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô khi tăng trưởng kinh tế đã hồi phục.

Báo cáo nêu rõ, Trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng về vốn vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng hình thành nên tốc độ tăng trưởng sản lượng chung của nền kinh tế, đặc biệt khi nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có đủ tiềm năng để bứt phá nhờ việc tham gia các hiệp định thương mại tự do kiểu mới như TPP, EVFTA hay AEC. Bởi vậy, báo cáo của VEPR khuyến nghị, cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ các rào cản là định hướng chính sách quan trọng nhất để thu hút, phát huy tối đa tác dụng của dòng vốn.

“Trong ngắn hạn, Chính phủ cần có quyết tâm cao nhất để giữ kỷ luật tài khóa, giảm chi ngân sách trong bối cảnh các nguồn thu ngân sách chủ yếu đang suy giảm.Về trung dài hạn, cần hướng tới nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế như tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ các rào cản; củng cố khả năng tạo lập chính sách, phát triển chiến lược cơ sở hạ tầng...” – Nhóm chuyên gia thực hiện bản báo cáo khuyến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng trưởng kinh tế 6,7%: Khó khả thi