Nhóm các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu y khoa Garvan (Australia) vừa công bố nghiên cứu về chiến lược điều chỉnh vaccine nhằm ngăn ngừa sự phát triển của các biến thể virus SARS-CoV-2 mới.
Hướng tới “siêu vaccine”
Mục tiêu rất rõ ràng của nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu y khoa Garvan là phát triển loại “siêu vaccine “ngăn ngừa được tất cả biến thể virus gây bệnh Covid-19 trong tương lai. Trong khi đó, Công ty Dược phẩm Shionogi (Nhật Bản) cho biết sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine ngừa Covid-19 ở một số quốc gia châu Á ngay trong tháng 11 này.
Giám đốc điều hành Shionogi - ông Isao Teshirogi cho biết, các cuộc thử nghiệm sẽ kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của vaccine Shionogi so với vaccine của các hãng Pfizer, Moderna và AstraZeneca đang lưu hành. Phát biểu trên tờ Nikkei Asia, ông Teshirogi cho biết, vaccine của Shionogi dùng công nghệ protein tái tổ hợp, tương tự công nghệ mà các hãng dược lớn như Novavax, Sanofi và GSK sử dụng. Nhà sản xuất cũng sẽ đánh giá mức độ an toàn nếu vaccine được sử dụng làm liều tăng cường. Shionogi hy vọng “siêu vaccine” sẽ được phê duyệt và bắt đầu được cung cấp tại Nhật Bản vào tháng 3/2022.
Bước tiến của Pfizer
Trong một nỗ lực tìm kiếm thuốc điều trị Covid-19, mới đây Hãng dược Pfizer (Mỹ) đã công bố thuốc trị Covid-19 dạng viên của họ đạt hiệu quả 89% trong việc giảm tỉ lệ nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ cao. Tuyên bố của Pfizer cho biết thử nghiệm lâm sàng của họ được thực hiện trên 1.219 người trưởng thành chưa tiêm vaccine Covid-19, với thời gian điều trị là 5 ngày.
Thuốc có tên gọi Paxlovid, liên kết với một enzyme gọi là protease để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 tự sao chép. Theo Pfizer, chỉ 0,8% bệnh nhân điều trị bằng thuốc Paxlovid trong vòng 3 ngày kể từ khi nhiễm virus phải nhập viện và không có ai tử vong, trong khi 7% bệnh nhân sử dụng giả dược phải nhập viện hoặc tử vong. Pfizer cũng đang thử nghiệm sử dụng Paxlovid làm thuốc phòng ngừa, tức là người chưa mắc Covid-19 có thể uống để tránh mắc bệnh.
Đại diện của Pfizer cho biết, họ sẽ sớm nộp kết quả cho cơ quan quản lý y tế Mỹ để được phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Công ty hy vọng sản xuất hơn 180.000 vỉ Paxlovid vào cuối năm nay và ít nhất 50 triệu vỉ vào cuối năm 2022.
Hiện cũng có một số loại thuốc được dùng điều trị Covid-19, như Remdesivir của Công ty Gilead Sciences được dùng để điều trị cho bệnh nhân trong bệnh viện; còn thuốc Steroid Dexamethasone chi phí thấp, hiệu quả cao thường chỉ được tiêm cho bệnh nhân Covid-19 nặng.
Hy vọng mới đến từ nước Anh
Đáng kể nhất ở thời điểm này là việc Chính phủ Anh đã đưa thuốc điều trị Covid-19 vào sử dụng, chỉ cần uống 2 viên mỗi ngày. Như vậy, bệnh nhân cao tuổi, người có sức khỏe yếu có thể uống thuốc tại nhà mà không cần nhập viện điều trị. Cơ quan quản lý dược phẩm của Vương quốc Anh (MHRA) cho biết, gần 500.000 liều Molnupiravir, loại thuốc viên có thể uống 2 lần mỗi ngày tại nhà, sẽ được giao đến các cơ sở từ giữa tháng 11 này (trước đó đã được dùng hạn chế từ ngày 4/11). Giáo sư Peter Horby cho biết quyết định của MHRA rất đáng hoan nghênh và là bước ngoặt trong việc đẩy lùi đại dịch.
Bộ trưởng Y tế Anh, Sajid Javid, cho biết quyết định này là một dấu mốc lịch sử trong cuộc chiến chống Covid-19, điều đó cũng cho thấy Anh hiện là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt một loại thuốc kháng virus có thể uống tại nhà cho bệnh nhân Covid-19.
Thực tế cho thấy, Molnupiravir cản trở khả năng sao chép của virus, khiến virus ít nhân lên để đạt đến mức đủ cao trong hệ hô hấp, gây ra bệnh nặng. Thuốc có hiệu quả nhất khi được sử dụng trong giai đoạn đầu mắc bệnh. MHRA khuyến cáo sử dụng thuốc này càng sớm càng tốt sau khi xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và dùng trong vòng 5 ngày kể từ khi các triệu chứng xuất hiện.
“Lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19”
Theo Tiến sĩ Anthony Fauci - cố vấn y tế chính của Tổng thống Mỹ Joe Biden, việc xác định viên thuốc uống chống lại Covid-19 là “một tin rất tốt”, tuy nhiên ông cũng khuyến cáo người dân Mỹ thận trọng cho đến khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) xem xét các dữ liệu. Tuy nhiên, con số chỉ 7,3% những người được sử dụng Molnupiravir phải nhập viện và cũng chưa có trường hợp nào tử vong quả là điều rất tốt lành. Không giống như hầu hết các vaccine Covid-19 nhắm mục tiêu vào sự tăng đột biến protein bên ngoài virus, thuốc này nhắm mục tiêu vào một loại enzym mà virus sử dụng để tạo ra các bản sao của chính nó.
Giới khoa học cho rằng, một phương pháp điều trị kháng virus cho những người không được tiêm chủng, hoặc những người kém đáp ứng với miễn dịch sau khi tiêm vaccine, là một công cụ rất quan trọng giúp chấm dứt đại dịch này. Và đó chính là thuốc đặc trị.
Theo Giáo sư Penny Ward (Đại học King’s College London, Anh) thì thuốc uống chống Covid-19 được ví như lực lượng đặc nhiệm chống virus, “sát cánh cùng những loại vaccine đã có”. Còn Giáo sư Peter Horby - chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Đại học Oxford, cho rằng một loại thuốc kháng virus an toàn, giá cả phải chăng và hiệu quả sẽ là bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Mà Molnupiravir đã cho thấy rất nhiều hứa hẹn.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng cảnh báo châu Âu một lần nữa sẽ là tâm điểm dịch Covid-19 khi các ca bệnh tăng cao trên khắp châu lục. Người đứng đầu WHO tại khu vực châu Âu - Hans Kluge, cho rằng châu lục này có thể chứng kiến thêm nửa triệu trường hợp tử vong vì Covid-19 trong vài tháng tới mà việc tiêm không đủ vaccine là nguyên nhân chính. Được biết, tỉ lệ tiêm chủng đã chậm lại trên toàn châu lục trong những tháng gần đây.