Nhằm “tiếp sức” cho đồng bào DTTS phát triển sản xuất, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động các nguồn lực và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết liệt triển khai đồng bộ các dự án, Tiểu Dự án thành phần của Chương trình. Đến nay, hạ tầng nông thôn đã được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn có nhiều chuyển biến đáng kể. Theo đó, trong năm 2024, tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu xây dựng 766 căn nhà cho hộ nghèo, giải quyết thiếu nước sinh hoạt, đất ở và hỗ trợ chuyển đổi nghề, góp phần giúp đồng bào DTTS ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế bền vững.
Thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc hỗ trợ nhà ở cho người dân. Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến ngày 19/9/2024, toàn tỉnh đã có 1.162 hộ dân được phê duyệt hỗ trợ với tổng số vốn hơn 70 tỷ đồng, bao gồm 46,48 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, 15,272 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, 672 triệu đồng từ ngân sách địa phương và 8,42 tỷ đồng từ các nguồn huy động khác. Ngoài việc hỗ trợ nhà ở, Dự án 1 cũng chú trọng đến việc hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các hộ dân, đặc biệt là những hộ không có hoặc thiếu đất sản xuất. Đến thời điểm hiện tại, đã có 853 hộ dân nhận được hỗ trợ với tổng số tiền là 8,53 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân được 4,994 tỷ đồng. Điều này góp phần quan trọng trong việc giúp các hộ dân tự chủ hơn trong phát triển kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế, sau hơn 3 năm triển khai, Dự án 1 đã mang lại những thành tựu rõ nét. Tình trạng nhà ở tạm bợ, dột nát đã cơ bản được giải quyết, đồng thời các hộ dân thiếu nước sinh hoạt cũng đã được hỗ trợ để tiếp cận nước hợp vệ sinh. Những hộ thiếu đất sản xuất có nhu cầu chuyển đổi nghề đã được hỗ trợ kịp thời, giúp họ mua sắm máy móc và công cụ sản xuất nông nghiệp. Kết quả là đời sống của đồng bào DTTS trong tỉnh ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, góp phần vào sự phát triển bền vững của vùng miền núi Thừa Thiên Huế.