Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc dự kiến sẽ được các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua tại Kỳ họp lần thứ 5 này.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Quang Vinh.
Mặc dù có một số điểm còn ý kiến khác nhau, một số điểm còn phải chỉnh sửa, trong cuộc trao đổi với Đại Đoàn Kết vào chiều 8/6, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) khẳng định, cùng với các Luật khác, Dự thảo Luật này khi được thông qua sẽ góp phần hoàn chỉnh khung pháp lý, thể chế kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tạo đột phá thực sự cho phát triển.
Đề cập rõ hơn nội dung thể chế vượt trội
PV: Thưa ông, Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã được đưa ra trình Quốc hội từ kỳ họp trước và dự kiến sẽ được các đại biểu bấm nút thông qua tại Kỳ họp thứ 5 này. Đây là vấn đề nhân dân rất quan tâm. Ông đánh giá thế nào về Dự thảo Luật này, nhất là việc mạnh dạn xây dựng một thể chế đột phá, tạo động lực phát triển cho 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt?
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực: Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc trình kỳ họp thứ 5 này được chuẩn bị khá công phu. Tiếp thu ý kiến ĐBQH kỳ trước, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật đã chỉnh sửa, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, xin ý kiến các cơ quan, các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của địa phương 3 tỉnh.
Cùng với đó Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo, các cơ quan của Quốc hội đã thẩm định. Qua thảo luận và lấy ý kiến đã sáng rõ nhiều nội dung, nhất là về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, mục đích, tên gọi, kết cấu của Luật, đối tượng áp dụng…
Tại kỳ họp các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi, thẳng thắn đề cập đến những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau như quy hoạch đặc khu sử dụng một hay nhiều quy hoạch, kết nối vùng, về cơ chế, chính sách đặc biệt về đầu tư kinh doanh, về ngành nghề ưu tiên ở đặc khu, thời hạn sử dụng đất 20-30 năm miễn tiền sử dụng đất hay ngân sách và ưu đãi đầu tư... Các ý kiến tập trung phân tích đặc khu cần một cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội hay cần một thể chế vượt trội? Nhiều ý kiến đánh giá là cần cả hai, muốn trở thành đặc khu phải có cơ chế ưu đãi, nhưng việc ưu đãi về thuế, miễn giảm tiền sử dụng đất cần tính toán kỹ, được gì và mất gì khi hình thành đặc khu để có mức ưu đãi hợp lý. Điều mà nhà đầu tư chiến lược quan tâm vào đặc khu là một thể chế vượt trội, tạo nên môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn những nơi khác.
Cá nhân tôi cho rằng, Dự thảo lần này đã đề cập rõ hơn nội dung thể chế vượt trội, với cơ cấu chính quyền đặc khu tinh, gọn, minh bạch, chế độ tiền lương để hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chủ tịch UBND đặc khu được phân 76 quyền cụ thể, có những quyền thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn, thậm chí của Thủ tướng Chính phủ. Những nội dung này chưa có tiền lệ, khác với Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành, nhưng rất cần thiết. Tuy nhiên, một số điểm quy định cụ thể về tư pháp, áp dụng luật pháp khi xảy ra tranh chấp, xung đột pháp luật cần rõ hơn.
Không có chuyện đất đặc khu “ rơi” vào tay nhà đầu tư ngoại quốc
Dự thảo Luật có nội dung cho thuê đất gần cả thế kỷ ở các vị trí đắc địa và nhạy cảm như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc khiến nhiều người quan ngại về vấn đề chính trị, an ninhquốc phòng khi cho rằng đất đặc khu “rơi” vào tay các nhà đầu tư ngoại quốc. Một số cử tri và dư luận cho rằng những đại biểu dân cử hôm nay làm gì có quyền để quyết chuyện “đại sự” cho 2-3 thế hệ sau, trong hàng chục năm ấy, ai vẫn còn sống để tính chuyện đúng - sai, để chịu trách nhiệm, ông suy nghĩ gì về điều này?
- Đúng là phải cân nhắc,suy nghĩ kỹ vấn đề này. An ninh, quốc phòng của đặc khu phải được quan tâm, đã và đang được quan tâm vì việc phát triển đặc khu nằm trong chiến lược chung về phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh của đất nước là sức mạnh tổng hợp. Không phát triển những nơi này thành đặc khu thì vẫn chỉ là những vùng đất tiềm năng, chưa biến tiềm năng thành hiện thực nâng cao khả năng bảo vệ Tổ quốc. Đặc khu phải là nơi được bảo đảm về quốc phòng, an ninh, bảo đảm sự ổn định lâu dài để phát triển, cũng như đất nước muốn phát triển phải có môi trường hòa bình, ổn định lâu dài.
ĐBQH thực hiện nhiệm vụ của nhân dân giao theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, thời gian qua đã nêu cao trách nhiệm tìm hiểu và nêu ra những ý kiến để Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền làm rõ, điều chỉnh những vấn đề bất cập.Tổ quốc, đất nước ta có được như ngày nay là của cha ông ta từ ngàn đời nay biết đoàn kết, chung tay xây dựng và bảo vệ. Thế hệ đi trước không những phải có trách nhiệm với thế hệ sau mà phải nghĩ đến muôn đời con cháu.
Việc cho thuê đất có thời hạn để làm kinh tế cả thế giới đã và đang làm, ở nước ta luật pháp cũng đã quy định cho thuê đất thời gian tối đa 70 năm, đâu phải chỉ riêng ở đặc khu. Tuy nhiên thời gian thuê đất 99 năm, thời gian miễn giảm tiền thuê đất 30 năm cần phải tính toán lại.
Mặt khác thẩm quyền quyết định cho thuê đất cũng rất chặt chẽ, do Thủ tướng quyết định sau khi xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền. Trong Dự thảo Luật không phân biệt nhà đầu tư tiềm năng trong nước hay nước ngoài, nên những suy nghĩ để đất đặc khu “rơi” vào tay nhà đầu tư ngoại quốc là không đúng.
Chờ nghiên cứu sẽ nhỡ cơ hội phát triển
Vậy theo ông, làm thế nào để Luật đi vào đời sống, nhất là phải được nhân dân đón nhận khi phù hợp với những nguyện vọng chính đáng của nhân dân? Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thể hiện như thế nào trong quá trình quan trọng này?
- Đây là Dự thảo Luật lần đầu tiên được xây dựng, rất phức tạp. Vì vậy, cần thiết phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, cẩn trọng cho việc xây dựng và vận hành các đặc khu hành chính- kinh tế, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ trên cơ sở rút kinh nghiệm của các quốc gia đi trước để mô hình này thật sự phát huy hiệu quả, góp phần tích cực tạo sức vươn lên mạnh mẽ của kinh tế đất nước.
Tuy nhiên cũng không thể cầu toàn, việc nghiên cứu cũng đã lâu, nay không thể cứ chờ nghiên cứu sẽ lại nhỡ cơ hội phát triển. Vì thế Luật phải được ban hành. Đồng thời với việc ban hành Luật, tôi được biết trong qúa trình xây dựng Luật, Chính phủ cũng đã xây dựng Đề án để thực hiện khi Luật được Quốc hội thông qua. Như vậy việc chuẩn bị cũng đã được cân nhắc kỹ.
Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã lắng nghe nhiều ý kiến góp ý Dự thảo Luật. Cụ thể ngày 24/4/2018, Ban Thường trực UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự án luật này. Tham dự Hội nghị có các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, đại diện lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận, đại diện các Hội đồng tư vấn của UBTƯ MTTQ Việt Nam, các chuyên gia, luật gia, nhà khoa học, đại diện Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và đại diện Ban Soạn thảo Dự án Luật. Ý kiến phản biện đã được gửi tới Quốc hội, được tổng hợp trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình tại kỳ họp lần này.
Tôi tin tưởng rằng, mặc dù có một số điểm còn ý kiến khác nhau, một số điểm còn phải chỉnh sửa nhưng Quốc hội sẽ sáng suốt thông qua Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong kỳ họp này. Cùng với các Luật về đầu tư, kinh doanh, doanh nghiệp, Luật này sẽ góp phần hoàn chỉnh khung pháp lý,thể chế kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và huy động hiệu quả hơn các nguồn lực trong và ngoài nước, tạo đột phá thực sự cho phát triển.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tiếp tục tuyên truyền nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật đồng thời theo dõi, giám sát việc thực hiện, lắng nghe ý kiến nhân dân phát hiện những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện, góp phần đưa pháp luật đi vào cuộc sống.
Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!