Ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã và đang nỗ lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất để nâng cao lợi thế cạnh tranh. Những kết quả ban đầu đã đưa AI trở thành một trong những công nghệ cốt lõi giúp DN nâng cao năng suất, tối ưu hóa quy trình và tạo ra những bước đột phá trong sản xuất.
Xu thế tất yếu
Chia sẻ tọa đàm “Ứng dụng AI trong sản xuất: Động lực đổi mới và phát triển” tổ chức ngày 31/3, ông Trần Mạnh Hà - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa khẳng định, ứng dụng AI là xu thế tất yếu và chắc chắn sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Từ góc độ DN, ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho rằng, muốn ứng dụng AI vào sản xuất, trước hết phải có dữ liệu. “Tại Rạng Đông, chúng tôi xây dựng nền tảng kiến trúc hợp nhất trên nền tảng thông tin mở để máy móc có thể trao đổi dữ liệu. Trên cơ sở đó, dữ liệu được truyền giữa các cụm máy, dây chuyền sản xuất để hình thành hệ thống điều hành, hỗ trợ vận hành sản xuất” - ông Kết cho biết, đồng thời thêm rằng, đối với hệ thống máy móc mới, việc này không quá phức tạp, nhưng với máy móc cũ, làm thế nào để chúng có thể giao tiếp đặt ra nhiều thách thức. Cần giải quyết các bài toán mô phỏng, xây dựng mô hình thuật toán riêng cho từng block máy, dây chuyền hay khối máy móc. Mỗi khối máy có thể coi như một "hộp đen" và phải phân tích thuật toán xử lý bên trong dựa trên đầu vào và đầu ra.
Theo ông Kết, với một DN sản xuất, đây là bài toán phức tạp. Cách tốt nhất là kết hợp với các trung tâm tri thức bên ngoài như Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Điện tử, FPT... Trên cơ sở những tri thức tinh hoa đó, sẽ xây dựng mô hình thuật toán để mô phỏng lại hệ thống máy móc cũ, kết nối với thiết bị mới, tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh.
Từ phía đơn vị hỗ trợ DN, ông Hồ Minh Thắng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Triển khai AI - FPT Smart Cloud cho biết, trong quá trình tư vấn và triển khai cho nhiều DN đa ngành, chúng tôi nhận thấy một số rào cản đang hạn chế quá trình chuyển đổi số và ứng dụng AI. Thứ nhất, vấn đề nguồn lực. Không phải DN nào cũng có đủ nguồn lực và hiểu biết về công nghệ AI để ứng dụng. Thứ hai, chi phí ban đầu cao. Nếu đầu tư AI có chi phí lớn hơn cả các hệ thống chuyển đổi số trước đây mà chưa thấy rõ giá trị mang lại, DN sẽ băn khoăn có nên bắt đầu hay không. Đây là một rào cản lớn. Thứ ba, dữ liệu. Để AI hiệu quả, dữ liệu phải chính xác, chất lượng cao và đủ lớn.
Gỡ rào cản và thúc đẩy ứng dụng AI
Về xu hướng ứng dụng AI trong ngành sản xuất tại Việt Nam hiện nay, ông Hồ Minh Thắng cho rằng: "Mức độ ứng dụng AI của các DN Việt Nam, đặc biệt những năm gần đây khi ChatGPT và các công nghệ mới liên tục thay đổi, đã tăng lên đáng kể với sự tham gia của nhiều ngành nghề hơn, các DN đa ngành bắt đầu tham gia nhiều hơn".
Theo ông Thắng, để giảm thiểu các rào cản này và thúc đẩy ứng dụng AI, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực. Không chỉ đội ngũ kỹ thuật AI mà cả nhân sự trong DN để nâng cao nhận thức về ứng dụng AI. Ngoài ra, có thể hợp tác với trường đại học, DN khác để chia sẻ nguồn lực.
Tại tọa đàm, ông Hoàng Ninh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết: Năm 2025, Bộ Công thương sẽ triển khai hàng loạt giải pháp nhằm đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ mới và AI trong hoạt động nội bộ Bộ Công thương. Bộ cũng đang chủ động mời các DN hàng đầu như: SIEMENS, Samsung, Toyota… tổ chức hội nghị tập huấn, khóa đào tạo cho DN trong ngành, nhằm tăng cường nguồn nhân lực; đẩy mạnh khuyến khích DN trong ngành ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là AI trong sản xuất.
Theo ông Hoàng Ninh, việc ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó có AI, tại Việt Nam thời gian tới phụ thuộc vào 5 yếu tố: Sản phẩm AI cần đáp ứng được yêu cầu về tự động hóa thông minh; AI phải hỗ trợ hiệu quả trong việc phân tích dữ liệu lớn; AI có thể giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu suất và giảm lãng phí; quản trị sản xuất thông minh là một trong những ứng dụng quan trọng của AI, giúp DN vận hành hiệu quả hơn và AI cần được ứng dụng vào phát triển sản phẩm thông minh, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn.
Trong khi đó, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa Trần Mạnh Hà cho rằng, thời gian tới, cần tập trung vào 3 vấn đề chính. Thứ nhất, cần tích cực đào tạo nguồn nhân lực về AI. Đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy ứng dụng và phát triển công nghệ trong các ngành công nghiệp. Thứ hai, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng AI. Thứ ba, do Viện tập trung phát triển các sản phẩm gắn liền với ngành công nghiệp, Nhà nước cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến nhà máy và ứng dụng AI. Các chuẩn mực này sẽ là căn cứ để các đơn vị triển khai và áp dụng ngay vào thực tế. Hiện nay, tiêu chuẩn về AI và chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất vẫn còn hạn chế, do đó cần có hướng dẫn cụ thể để các DN và viện nghiên cứu có thể thực hiện hiệu quả.