Thực tế cho thấy, thanh thiếu niên khi tiếp xúc với những nội dung tình dục độc hại thường lựa chọn việc im lặng và cho qua thay vì lên tiếng tìm kiếm sự hỗ trợ bởi các em vẫn còn tâm lý e ngại.
Trẻ ngại chia sẻ khi bị quấy rối
Theo báo cáo của UNICEF, tính tới tháng 8/2022, có tới 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 có sử dụng Internet và con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi. Điều này cho thấy mức độ tham gia các hoạt động trên không gian mạng của trẻ em ở Việt Nam rất lớn, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 vừa qua.
Tuy nhiên theo Báo cáo “Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam” của mạng lưới toàn cầu về chấm dứt tình trạng bóc lột tình dục trẻ em (ECPAT), Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) năm 2022 cũng chỉ ra rằng, có tới 23% trẻ độ tuổi 12-17 sử dụng Internet tham gia khảo sát cho biết, các em đã vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng trong năm qua, 5% từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn, 1% trẻ em bị chia sẻ hình ảnh nhạy cảm khi chưa có sự đồng ý, 2% bị yêu cầu trò chuyện về tình dục. Phần lớn những trẻ từng bị xâm hại tình dục trên mạng không tiết lộ việc bị bóc lột và xâm hại với bất kỳ ai hoặc chỉ kể với một người bạn. Lý do được cho là, phần lớn trẻ ngại cởi mở về chủ đề nhạy cảm này.
TS Hoàng Tú Anh – Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP) nhận định, hầu hết các trường hợp trẻ em tiếp cận các trang web, hình ảnh, video về tình dục do lỗi đánh máy trong quá trình tìm kiếm và vô tình bị dẫn tới trang không định tìm, hoặc bị dụ dỗ bấm vào các đường link không an toàn. Bên cạnh đó, những hình ảnh, từ ngữ gợi dục... ngày càng xuất hiện phổ biến trong các sản phẩm văn hóa hướng đến giới trẻ như video ca nhạc, phim… Các thông tin truyền thông về tình dục hầu hết mang tính tiêu cực, trong khi các thông điệp tình dục lành mạnh lại rất thiếu.
Tạo lá chắn cho trẻ
Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng năm 2018. Tháng 6/2021, lần đầu tiên Việt Nam đã ban hành một chương trình cấp quốc gia riêng về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025." Chương trình này không chỉ tập trung vào vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, mà còn mong muốn thúc đẩy phát triển các sản phẩm, ứng dụng, công cụ, để giúp trẻ em truy cập, khai thác nguồn tài nguyên trực tuyến một hiệu quả và an toàn.
Theo bà Hoàng Thu Giang - Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin - Truyền thông, các ứng dụng, nền tảng, mạng xã hội đã có rất nhiều công cụ để có thể giúp người dùng kiểm soát những nội dung độc hại, mất an toàn khi sử dụng internet. Theo đó người dùng có thể tìm đến các kênh như Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, cơ quan công an các cấp, hoặc gọi hotline 113, mạng lưới ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng… Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp ứng phó, việc nâng cao nhận thức, giáo dục kỹ năng về sử dụng mạng an toàn là cách bảo vệ hoàn hảo nhất.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động nhằm tăng cường vai trò của gia đình, cha mẹ và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn; Tăng cường xây dựng các ứng dụng, trò chơi lành mạnh, thu hút sự tham gia của trẻ em tìm hiểu những kiến thức, kỹ năng bổ ích trên môi trường mạng; Hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” - bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.
Theo báo cáo từ Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (111), trong năm 2022, tổng đài đã tiếp nhận gần 400.000 cuộc gọi đến, với gần 28.000 cuộc được lập hồ sơ và hơn 1.500 ca can thiệp hỗ trợ. Trong đó có 419 ca báo cáo liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (398 ca tư vấn và 21 ca can thiệp liên quan đến các kênh, link, clip xấu, độc hại với trẻ em). Cục Trẻ em đã 21 lần can thiệp xử lý những trường hợp như vậy để bảo vệ trẻ em trong môi trường không gian mạng.