Tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới dự kiến tiếp tục khó khăn. Để tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi và phát triển của doanh nghiệp (DN) Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI )đề xuất cần tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh; tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho DN...
Đó là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn tạo không gian mới cho doanh nghiệp do VCCI tổ chức ngày 19/7.
Tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI nêu quan điểm, DN vẫn còn đối diện nhiều khó khăn trước mắt. Do đó, cần có giải pháp kịp thời hỗ trợ một số ngành đang phục hồi mạnh mẽ như du lịch, dịch vụ hiện đang thiếu hụt nhân lực. Xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt, đẩy mạnh chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong khi đó, theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện nay cải cách thể chế là vấn đề quan trọng. Có 4 thách thức trong cắt giảm chi phí tuân thủ như chi phí từ quy định hiện hành, chi phí quy định mới sẽ ban hành, chi phí từ chính sách toàn cầu, chính sách quyết liệt của các quốc gia trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo ông Hiếu, trong ngắn hạn, cần tập trung kiểm soát việc ban hành quy định mới làm gia tăng chi phí cho DN, không ban hành nếu chưa cấp bách. Nếu buộc phải ban hành cần tính đến khó khăn của DN để có lộ trình áp dụng hợp lý. Chính phủ cũng cần có những hỗ trợ trước mắt cho doanh nghiệp…
Về lâu dài, cần có cơ chế thường xuyên, bền vững, sớm có những giải pháp mới, có tính đột phá để tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các DN.
Để thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cho DN, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, đầu tiên cần nâng cao chất lượng tư vấn, nhận thức cho DN để chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới. Cần mở rộng không gian hơn nữa cho các mô hình kinh tế mới trên tinh thần sớm nhất có thể, bền vững nhất có thể. Cần các quy định, chính sách cụ thể hơn đối với kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm,… trong khi bản thân các mô hình này còn tương đối mới và thiếu khá nhiều thông tin, số liệu để thực hiện đánh giá tác động chính sách một cách bài bản.
Cùng với đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho DN. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế tăng cường huy động và sử dụng nguồn lực để tạo động lực cho người dân yên tâm bỏ vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho DN cần được thực hiện sớm, phát huy tác dụng sớm, bởi đối với DN nguồn vốn lúc này là vô cùng quan trọng.
Còn ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN thì cho rằng, hiện nay, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng không chỉ những khó khăn từ nội tại mà còn có những khó khăn chung của toàn thế giới. Các nền kinh tế lớn trên thế giới đang có xu hướng chững lại, thậm chí suy thoái. Do đó, cần khẩn trương tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, khơi thông nguồn lực và các thủ tục đầu tư, triển khai dự án đầu tư công; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục đầu tư kinh doanh; hỗ trợ tái cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...