Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Ban thường vụ Tỉnh uỷ Bạc Liêu tập trung khắc phục triệt để những hạn chế, khuyết điểm; thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên...
Ngày 22/9, tại Bạc Liêu, Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị thông qua dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, làm trưởng đoàn chủ trì Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có ông Phan Xuân Thuỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng Đoàn Kiểm tra 546 và các thành viên của Đoàn Kiểm tra 546.
Về phía tỉnh Bạc Liêu có ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu; bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Khai mạc Hội nghị, ông Phan Xuân Thuỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó trưởng Đoàn Kiểm tra 546 đã đọc Báo cáo dự thảo kết quả kiểm tra của Đoàn Kiểm tra 546 của Ban Bí thư Trung ương đối với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bạc Liêu.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã tham gia ý kiến, đóng góp, phân tích làm rõ thêm các nội dung của báo cáo cũng như các ưu điểm, hạn chế khuyết điểm mà Dự thảo báo cáo của Đoàn Kiểm tra 546 đã chỉ ra.
Nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân được giải quyết kịp thời
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Thực hiện Quyết định số 546-QĐNS/TW của Ban Bí thư về việc thành lập Đoàn Kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4; Quy định số 08; Quy định số 37; Kết luận số 21, Kế hoạch số 03 đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu, Đoàn Kiểm tra số 546 đã ban hành Kế hoạch kiểm tra và phối hợp chặt chẽ với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu thực hiện kế hoạch kiểm tra. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã chuẩn bị công phu, nghiêm túc Báo cáo tự kiểm tra; Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra, xác minh tại 5 tổ chức đảng trực thuộc và thu thập tài liệu, xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả kiểm tra.
Trong quá trình kiểm tra, Đoàn Kiểm tra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu và các cấp ủy được kiểm tra thực hiện nghiêm quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Kết quả kiểm tra và qua báo cáo kết quả tự kiểm tra thể hiện rõ kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4; Quy định số 08; Quy định số 37; Kết luận số 21, Kế hoạch số 03.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã thường xuyên bám sát lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hướng dẫn của các Ban Đảng Trung ương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4, Quy định số 08, Quy định 37, Kết luận 21 và Kế hoạch 03 đúng kế hoạch; sớm thể chế hoá, cụ thể hóa, xây dựng và chỉ đạo thực hiện chương trình hành động, kế hoạch thực hiện bằng những cách làm phù hợp với thực tiễn địa phương; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề vướng mắc, thống nhất lựa chọn giải pháp như tổ chức Hội nghị nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế của tỉnh, giải ngân vốn xây dựng cơ bản, giải phóng mặt bằng, phát triển kinh tế hợp tác,… thể hiện sự gương mẫu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện trách nhiệm nêu gương và tuân thủ quy định về những điều đảng viên không được làm, tạo động lực mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, nhưng Bạc Liệu vẫn đạt được những thành tựu quan trọng, đặc biệt là năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,05%, cao nhất vùng đồng bằng Sông Cửu Long; 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng của tỉnh đạt 7,45%, đứng thứ 3 khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là kết quả rất ấn tượng và đáng tự hào.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nhiều cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh luôn chú trọng đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, chú trọng hơn tính công khai, minh bạch, dân chủ, nêu cao ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân; nhận thức sâu sắc hơn về nguy cơ suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", về những điều đảng viên không được làm; ý thức rõ hơn trách nhiệm tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, nâng cao bản lĩnh. Việc nêu gương của các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và của các đồng chí cấp uỷ viên, cán bộ, đảng viên ngày càng trở thành tự giác, thường xuyên, có sức lan toả sâu rộng. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên được lãnh đạo, chỉ đạo nhận diện kịp thời, có các biện pháp mạnh mẽ, phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, từng bước đẩy lùi.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các tổ chức đảng trực thuộc ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Xác định đúng khâu đột phá trong công tác xây dựng Đảng và đề ra được nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện có hiệu quả. Tập trung chỉ đạo, rà soát, bổ sung ban hành Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các quy định có liên quan; tuân thủ nguyên tắc, Điều lệ Đảng. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và đạo đức được chú trọng; việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào thực chất với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo. Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế được chỉ đạo sâu sát và đạt được nhiều kết quả. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, đối thoại trực tiếp với nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp được quan tâm, nhiều vấn đề bức xúc của nhân dân được giải quyết kịp thời;…
Tập trung khắc phục triệt để những hạn chế, khuyết điểm
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý: Việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4; Quy định số 08, Quy định số 37, Kết luận số 21, Kế hoạch số 03 của Ban thường vụ Tỉnh uỷ Bạc Liêu tuy đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm mà trong báo cáo kết quả kiểm tra đã nêu.
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các đồng chí nghiêm túc rút kinh nghiệm, tập trung khắc phục triệt để những hạn chế, khuyết điểm. Để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4, Quy định số 08, Quy định số 37, Kết luận số 21, Kế hoạch số 03 trong thời gian tới, Đoàn kiểm tra đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4, Quy định số 08, Quy định 37, Kết luận 21 và Kế hoạch 03 và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất trong toàn đảng bộ và sự đồng thuận, lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành đồng bộ, kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả cao các nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4, Kết luận 21 đã xác định, đặc biệt là nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Kết luận 21 mới bổ sung là: “Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới theo đúng tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương;… để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền.
Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình. Chú trọng tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị nhằm quán triệt sâu sắc nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 4, Kết luận 21, các quy định của Đảng về nêu gương và những điều đảng viên không được làm; tiếp tục đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05, kết luận 01 của Bộ Chính trị, chuyên đề toàn khóa, đặc biệt là cần phải quán triệt, tập trung làm tốt 3 nội dung: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên, gắn việc học và làm theo Bác với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đề cao tinh thần tự giác hành động của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý; các cấp ủy, tổ chức đảng phải sâu sát và kịp thời nhận diện, có giải pháp cụ thể đấu tranh với biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với từng nhóm đối tượng cán bộ, đảng viên theo địa bàn, lĩnh vực công tác
Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên cơ sở bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy; đẩy mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 các cấp; phát huy vai trò, trách nhiệm và sự chủ động, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và sự tích cực tham gia của quần chúng nhân dân; tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng, các cơ quan, đơn vị; có hình thức quản lý phù hợp đối với việc lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân của cán bộ, đảng viên trên internet, mạng xã hội.
Ba là, tiếp tục đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ tỉnh đến cơ sở, hướng đến định hình, hoàn thiện phương pháp, phong cách, lề lối làm việc hiện đại, chú trọng “xây dựng và thực hiện phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, trọng dân, gần dân, hiểu dân, vì dân, bám sát thực tiễn, cầu thị, học hỏi, nói đi đôi với làm” theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chú trọng xây dựng văn hóa Đảng, nhất là xây dựng chuẩn mực văn hoá trong lãnh đạo, quản lý, chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên; tăng cường lắng nghe, trao đổi giữa cấp ủy, tổ chức đảng với đảng viên và giữa cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên với cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới, nhất là ở cơ sở.
Bốn là, tiếp tục rà soát nghiên cứu, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, cụ thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Quy định 08, Quy định 37, Kết luận 21 và Kế hoạch 03; tập trung rà soát, sửa đổi, ban hành mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực phấn đấu, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ, quản lý cán bộ; xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ đối với các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực phù hợp với thực tiễn.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; tập trung kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những lĩnh vực, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; giải quyết dứt điểm những vụ việc vi phạm còn tồn đọng, những vấn đề phát sinh mới gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề gắn với thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4, Kết luận số 21-KL/TW, tập trung giám sát cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; có lời nói, việc làm, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để ngăn chặn từ xa, giải quyết từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Chỉ đạo ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý, kỷ luật nghiêm minh đối với cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay tại cơ sở, chi bộ, không để kéo dài hoặc “đùn đẩy” lên cấp trên. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ vi phạm. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở.
Sáu là, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, của hội đồng nhân dân các cấp; giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí và nhân dân. Chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện, đạo đức, lối sống và nêu gương của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên. Người đứng đầu cấp ủy, chỉnh quyền các cấp thực hiện nghiêm quy định tiếp dân của Đảng, Nhà nước, kịp thời chỉ đạo giải quyết các vấn đề nhân dân phản ánh, bức xúc.
Ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu đã nghiêm túc tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trưởng đoàn Kiểm tra và các đại biểu tham dự Hội nghị. Ông Lữ Văn Hùng cho biết Ban Thường vụ Tỉnh uỷ sẽ quyết tâm, nỗ lực, đoàn kết để đạt được những kết quả tốt hơn.
Được biết, từ ngày 26 đến 30/8, Đoàn Kiểm tra 546 của Ban Bí thư đã tổ chức kiểm tra một số đơn vị, tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Bạc Liêu gồm: Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh; Công an tỉnh, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, thành phố Bạc Liêu và huyện Phước Long. Thời gian kiểm tra từ ngày 26 đến 30/8 về việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; việc thực hiện Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) quy định trách nhiệm, nêu gương của cán bộ, đảng viên; thực hiện Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Kế hoạch 03 của Bộ Chính trị về thực hiện Kết luận 21.