Kinh tế

Tạo thêm sức hút vốn đầu tư nước ngoài

THANH GIANG 09/07/2024 12:02

Mặc dù được đánh giá cao về điều kiện phát triển kinh tế, song thời gian gần đây thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào TPHCM giảm.

anh-bai-duoi(1).jpg
TPHCM tìm giải pháp thu hút FDI vào các khu công nghiệp. Nguồn: NHM.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố thu hút được khoảng 1,121 tỷ USD, giảm 19,5% so với cùng kỳ. Trong đó, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 597 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 192,65 triệu USD. Đồng thời, TPHCM cũng chấp thuận cho 1.015 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp (DN) trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 821,34 triệu USD, giảm 6,7% về số trường hợp nhưng tăng 16,8% về vốn so với cùng kỳ. Trong khi đó, báo cáo thường niên FDI năm 2023, TPHCM là địa phương dẫn đầu về thu hút FDI với tổng vốn đăng ký là 5,85 tỷ USD.

Để thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư, TPHCM đang có chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, thu hút các dự án đổi mới sáng tạo, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch, công nghệ vi mạch tích hợp bán dẫn, có quy mô từ 3.000 tỷ đồng - 5.000 tỷ đồng trở lên. Tận dụng Nghị quyết 98, TPHCM sẽ ưu đãi 150% chi phí nghiên cứu và phát triển để khấu trừ về thuế, ưu tiên về thủ tục hải quan, thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, nhìn nhận về thu hút vốn FDI của thành phố, TS Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho rằng, về xu hướng, sức hấp dẫn FDI có tăng nhưng không hấp thụ được thành công các dòng vốn cụ thể.

Theo ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, 6 tháng đầu năm 2024, tổng vốn DN đầu tư trong khu đạt 270 tỷ USD, chiếm 49,6% kế hoạch năm. Đáng lưu ý, một số DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giải ngân dự án chậm lại. Có DN được cấp phép từ 1,5 - 2 năm đến nay giải ngân vẫn rất thấp. Trong bối cảnh thu hút vốn đầu tư mới sụt giảm, thành phố có thể phân cấp, ủy quyền thêm cho Hepza để chủ động hỗ trợ nhà đầu tư ở một số lĩnh vực.

Còn theo ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao TPHCM (SHPT) thì một trong những cách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư là tiếp tục nâng cấp hạ tầng. Nhờ lợi thế được tái lập cơ chế một cửa tại chỗ, SHPT có kế hoạch cấp phép cho 13 dự án xây dựng cơ bản năm nay. SHPT xác định năm 2024 là tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc ở các dự án trong khu để nâng cao giải ngân.

Theo nhận định của giới chuyên gia, Nghị quyết 98 của Quốc hội trao cho TPHCM với những cơ chế đặc thù góp phần cải thiện môi trường đầu tư và tăng tính hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư. Về vấn đề thủ tục hành chính, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp cùng các bên liên quan rà soát, đề xuất các giải pháp đột phá để nâng hạng chỉ số cải cách hành chính thành phố. Mục tiêu, TPHCM phải xếp hạng thứ 5 cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Để làm được điều này cần tập trung xây dựng nền tảng số cho công tác hành chính. Ông Mãi yêu cầu từ nay đến cuối năm, bộ máy hành chính từ UBND TPHCM đến xã/phường/thị trấn phải thông suốt một hệ thống. Phấn đấu đến cuối năm 2025, ít nhất 70% thủ tục hành chính được giải quyết trên không gian mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tạo thêm sức hút vốn đầu tư nước ngoài