Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Hữu Độ, nhận thức của giáo viên quyết định sự thành công của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, Bộ đặc biệt quan tâm tới chất lượng tập huấn giáo viên.
Tập huấn trực tiếp kết hợp trực tuyến
Tại hội nghị tập huấn báo cáo viên tham gia tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa (SGK) các lớp 4, 8, 11 bộ sách Cánh Diều diễn ra ngày 25/5, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, thực hiện quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các nhà xuất bản có SGK đã được các địa phương lựa chọn, phối hợp tổ chức tập huấn cho các báo cáo viên. Đội ngũ này được tuyển chọn từ các chuyên gia, nhà khoa học, những người trực tiếp tham gia biên soạn chương trình, các chủ biên SGK...
Sau khi tập huấn, các chuyên gia được mời về các địa phương để tập huấn trực tiếp cho giáo viên của địa phương mình, tuy vậy việc đi lại cả 63 tỉnh, thành là khó khăn trong khi số lượng tác giả không nhiều. Vì vậy, giải pháp là có thể tập huấn trực tiếp tại một số tỉnh, kết hợp trực tuyến cùng với các tỉnh bạn. Tuy nhiên, nếu chỉ nghe một chiều thì tính chất tập huấn chưa thật đảm bảo yêu cầu nên đội ngũ giáo viên cốt cán sẽ tổ chức thực hành tại các nhà trường, để được nghe những giáo viên F1 từ những thầy cô là chuyên gia trong lĩnh vực này để giải đáp, sau đó những giáo viên cốt cán sẽ về tổ chức, hướng dẫn thực hành tham gia viết giáo án, chạy thử theo định hướng phương pháp và kiểm tra, đánh giá…
Trong điều kiện hiện nay, giáo viên được tiếp cận công nghệ thông tin, SGK được đưa lên mạng nên giáo viên dù chưa tiếp cận bản giấy cũng có thể tham khảo bản điện tử. Các địa phương cũng có thể in ra bản giấy để tạo điều kiện cho thầy cô tham khảo trong quá trình tập huấn giáo viên và một thời gian ngắn nữa giáo viên sẽ được nhận SGK khi chính thức sách được phát hành.
Ưu tiên nội dung tập huấn theo mong muốn của giáo viên
ThS Đào Xuân Phương Trang - chủ biên SGK Tiếng Anh 3 (bộ sách Cánh diều) cho biết, với kinh nghiệm trong việc biên soạn, xây dựng và triển khai chương trình giảng dạy tiếng Anh, việc tập huấn cho giáo viên để đạt hiệu quả cao nhất cần có sự tìm hiểu kỹ cũng như trao đổi với ban chuyên môn trước và trong quá trình tập huấn. Bởi ở mỗi địa phương, giáo viên lại có mong muốn tìm hiểu thêm về phương pháp dạy học, có nơi lại quan tâm tới đánh giá… nên báo cáo viên cần căn cứ trên nội dung từng địa phương quan tâm để ưu tiên tập huấn về phần đó bên cạnh các nội dung cơ bản cần đạt được.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cho biết, đây là năm thứ 4 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên nhiều thầy cô cũng đã quen, đã trực tiếp triển khai dạy học theo chương trình mới. Tuy nhiên, khi tập huấn giáo viên vẫn cần nhấn mạnh lại những điểm cơ bản trong việc đổi mới chương trình khác với chương trình hiện hành ra sao, phương pháp dạy học tích cực cũng như đổi mới kiểm tra đánh giá…
“Mỗi SGK có cách thể hiện khác nhau, một số ý kiến, trong đó có cả giáo viên vẫn đang cho rằng, vì có nhiều bộ SGK cho một môn học nên khó trong việc dạy học, khó cho học sinh khi thi cử hay chuyển trường… Tuy nhiên, thực tế cần hiểu rõ vai trò của SGK và chương trình. Ví dụ, cùng dạy về truyện ngụ ngôn nhưng mỗi SGK lại chọn một ngữ liệu khác nhau. Từ đó, giáo viên hướng dẫn cho học sinh hiểu không chỉ về ý nghĩa của truyện đó mà hiểu rằng phía sau mỗi truyện ngụ ngôn, tác giả đều gửi gắm một thông điệp. Hay môn Vật lý, để dạy một nội dung, có SGK chọn cách vẽ biểu đồ, sách khác lại viết thành bài thì sẽ dẫn đến hình thành năng lực khác nhau cho học sinh” - ông Thành nhấn mạnh và cho rằng trong quá trình tập huấn giáo viên, các báo cáo viên cần giúp giáo viên hiểu rõ nội dung này để tập huấn đúng, trúng và đạt hiệu quả cao nhất.
Từ phía các đơn vị xuất bản, đại diện Công ty Đầu tư xuất bản – Thiết bị giáo dục Việt Nam cho biết thời gian tới, các đơn vị liên kết sẽ phối hợp chặt chẽ với đội ngũ báo cáo viên, các sở GDĐT hoàn thiện tài liệu, xếp thời khóa biểu và triển khai tập huấn giáo viên trên tinh thần quán triệt, vận dụng các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, góp phần thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, Bộ GDĐT đang rất tích cực cùng với các nhà xuất bản với quan điểm không để học sinh thiếu sách trước ngày khai giảng năm học mới.