Sau khi đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa..., chiều tối 22/7, bão Wipha (bão số 3) đã suy yếu thành áp thấp. Do chủ động phòng tránh nên trước và trong cơn bão, nhiều địa phương đã giảm thiểu được thiệt hại, nhưng ảnh hưởng của bão Wipha vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ cao với một số nơi.
Ngập sâu tại nhiều nơi
Ghi nhận của PV Báo Đại đoàn kết, đến chiều tối 22/7, tại Ninh Bình, trời vẫn mưa to kèm gió mạnh do ảnh hưởng của bão Wipha. Tại xã Phát Diệm, nhiều tuyến đường, khu dân cư, vùng trũng bị ngập sâu từ 30 - 50 cm, nước tràn vào nhà dân. Chị Trương Thị Lành (trú phố Phát Diệm Tây) cho biết: “Do trận mưa kéo dài, nước đã ngập đến phòng khách, khiến gia đình tôi phải di chuyển một số đồ đạc lên vị trí cao hơn”, chị Lành nói. Tương tự, tại các xã như Hải Thịnh, Hải Tiến, Nam Điền... nhiều tuyến đường, ngõ xóm và vườn cây của người dân cũng bị ngập trong nước, có nơi ngập sâu hơn 50cm. Cùng với đó, một số điểm trường như THPT Kim Sơn A, Trường tiểu học Kim Đông... cũng bị ngập nặng.
Tại một số phường như Hoa Lư, xã Minh Thái, Cồn Thoi, Định Hóa, nhiều tấm tôn bị gió thổi bay, cây xanh đổ ngổn ngang, trong đó có trường hợp cây đổ đè trúng ô tô đang đậu, gây hư hỏng nghiêm trọng. Ông Hoàng Trọng Lễ, Bí thư Đảng uỷ xã Kim Đông cho biết, do là xã ven biển, mưa bão đã ảnh hưởng đến hầu hết diện tích quảng canh, một phần diện tích nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn xã, ước tính vào khoảng 1.500 ha.
Do đã lường trước diễn biến của bão, tại phường Nam Định (tỉnh Ninh Bình), chính quyền đặc biệt chú trọng việc di dời người dân sinh sống trong những căn nhà yếu, khu tập thể cũ, xuống cấp. Theo ông Phạm Hồng Thái, Chủ tịch UBND phường Nam Định, qua rà soát, trên địa bàn phường có gần 1.200 nhân khẩu (462 hộ) đang sống trong những ngôi nhà yếu, chung cư cũ thuộc diện phải di dời, đặc biệt là những người sống ở 2 khu chung cư 181 và 207 đường Hoàng Văn Thụ (xây dựng từ những năm 1970, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng). Sau khi di dời người dân, các khu chung cư cũ, căn hộ xuống cấp được công an phường Nam Định niêm phong, dựng cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng trực gác 24/24h nhằm bảo đảm an ninh, an toàn.
Được chính quyền địa phương kịp thời hỗ trợ di dời, đảm bảo được tránh trú bão an toàn người dân sinh sống ở các khu tập thể cũ trên địa bàn phường Nam Định thể hiện sự yên tâm. Tuy nhiên, theo bà Lưu Thị Hòa (Khu tập thể 181 Hoàng Văn Thụ), người dân rất mong muốn chính quyền địa phương có phương án cải tạo, nâng cấp hoặc bố trí nơi ở mới giúp người dân được an cư lâu dài.
Còn tại Hưng Yên, do nhận định chính xác việc bão có thể đổ bộ vào một số nơi trên địa bàn tỉnh, ngày 22/7, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh đã chủ động cho công nhân nghỉ làm để bảo đảm an toàn và hỗ trợ công tác phòng, chống bão tại gia đình, địa phương. Đồng thời duy trì lực lượng trực ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; chủ động dự trữ vật tư, thiết bị(nguồn điện dự phòng, bao cát, đèn pin, bạt che, nước uống, thuốc men, thiết bị cứu hộ…) sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp. Trước đó, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh đã thực hiện gia cố nhà xưởng, trạm điện, hệ thống thoát nước, di dời vật tư, chằng chống cây xanh, dừng hoạt động thi công, bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Các nhà thầu thi công các công trình dự án trong các Khu công nghiệp cũng đã tạm dừng thi công. Đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3 tại KCN Dệt may Phố Nối, KCN Thăng Long II và KCN Sạch, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các KCN, doanh nghiệp trong công tác chuẩn bị, ứng phó với bão. Đồng thời yêu cầu các KCN, doanh nghiêp không chủ quan, lơ là, tiếp tục bố trí nhân sự thường trực 24/24h để theo dõi diễn biến của bão và xử lý các sự cố ban đầu.
Mưa lớn, nhiều thủy điện và hồ chứa xả lũ
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, ngành thủy lợi và các địa phương ở Nghệ An tập trung cao độ cho công tác vận hành, điều tiết hồ chứa, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du trong mùa mưa lũ.
Từ 16 giờ chiều ngày 22/7, Thủy điện Bản Vẽ, hồ thủy điện lớn nhất Bắc Trung Bộ, thuộc xã Yên Na (tỉnh Nghệ An) - sẽ vận hành cắt giảm lũ cho hạ du. Dự kiến, thủy điện Bản Vẽ sẽ xả với tổng lưu lượng từ 300 m³/s đến 1.600 m³/s. Thông tin này được ông Tạ Hữu Hùng - Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ xác nhận với PV Báo Đại đoàn kết. Ông Hùng cũng cho biết, đơn vị vừa nhận được lệnh vận hành cắt giảm lũ cho vùng hạ du từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Nghệ An. “Từ 16h ngày 22/7, Thủy điện Bản Vẽ sẽ mở cửa tràn, tổng lưu lượng xả (gồm xả qua tổ máy phát điện và qua tràn) từ 300 m³/s đến 1.600 m³/s và có thể thay đổi tùy theo lưu lượng nước về hồ. Công ty Thủy điện Bản Vẽ cũng đã thông báo cho các xã vùng hạ du chủ động các phương án đảm bảo an toàn” - ông Hùng thông tin.
Tại hồ Sông Sào - đơn vị quản lý hồ đã lên kế hoạch xả tràn 1 cửa với lưu lượng dưới 100 m³/s từ sáng 22/7 nhằm giảm áp lực nước trong hồ. Ông Hoàng Trần Lâm - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thủy lợi Phủ Quỳ, đơn vị quản lý hồ Sông Sào cho biết: “Hiện các thiết bị đóng mở cống của hồ đều được điện khí hóa, giúp quá trình vận hành thuận lợi và chính xác hơn. Đơn vị luôn duy trì đội ngũ 7 công nhân thường trực để kiểm tra máy móc, theo dõi mực nước và tình trạng công trình”. Cũng trong chiều 22/7, nhiều nhà máy thủy điện khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng tiến hành xả nước, gồm: Thủy điện Nhạn Hạc (xã Quế Phong, huyện Quế Phong cũ), Thủy điện Khe Bố (xã Tam Quang, huyện Tương Dương cũ).
Không lơ là, chủ quan sau khi bão đi qua
Mặc dù bão Wipha đã đi qua Quảng Ninh và Hải Phòng, không gây thiệt hại nặng nề, song kể từ bão Yagi hai địa phương này vẫn luôn quán triệt cảnh giác cao độ, không lơ là với hoàn lưu sau bão.
Để chủ động ứng phó với bão số 3, Hải Phòng đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống thiên tai ở mức cao nhất. Thành phố đã thành lập nhóm Zalo với 114 Chủ tịch xã, phường, đặc khu và lãnh đạo kịp thời triển khai công tác phòng, chống thiên tai. Mọi chỉ đạo, điều hành được chuyển tải nhanh chóng, thông suốt.
Trong ngày 22/7, do ảnh hưởng của bão số 3, đặc khu Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đặc khu Cát Hải có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Ở khu vực Hải Phòng có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến từ 100-350mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố cùng lực lượng công an duy trì nghiêm chế độ trực, tổ chức kiểm tra thường xuyên với lực lượng tham gia ứng phó trên 34.000 người. Ngoài ra, 3.300 cán bộ, chiến sĩ cơ động của Công an thành phố cùng 251 phương tiện các loại sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu. Công tác di dời người dân tại các khu vực nguy hiểm đã triển khai khẩn trương. Đến sáng 22/7, Hải Phòng đã di dời 4.994 /6.359 người sinh sống tại 97 chung cư cũ trên địa bàn. Tại các khu vực trũng thấp, 11.233 người được di dời đến nơi an toàn. Tại các các khu vực sạt lở, chính quyền địa phương đã lập hàng rào, lắp biển cảnh báo và di dời 861 người về nhà người thân, trụ sở UBND xã, phường, trường học.
Sau bão, ông Lê Minh Quang - Giám Sở Y tế TP Hải Phòng cho biết, ngành y tế đã chuẩn bị phương án xử lý môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là sốt xuất huyết trong và sau bão.
Ngay trong ngày 22/7, 200 cán bộ, người dân tại đặc khu Cát Hải phối hợp các chiến sĩ của Bộ Chỉ huy quân sự TP Hải Phòng tập trung gia cố tuyến đê biển ở thôn Đình, xã Hoàng Châu (cũ). Ông Đào Minh Đông - Chủ tịch UBND đặc khu Bạch Long Vĩ cho biết: Với sự chuẩn bị sẵn sàng của chính quyền và người dân theo phương châm "4 tại chỗ", cơn bão không gây thiệt hại đáng kể. Ngay trong sáng 22/7, đơn vị đã tổ chức kiểm tra, xử lý kịp thời các cây xanh bị gãy, đổ.
Dù Hải Phòng chưa ghi nhận thiệt hại về người và tài sản do bão, tuy nhiên, ông Lê Ngọc Châu - Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu cấp ủy, chính quyền tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm việc chăm sóc cho người dân các khu vực tránh trú, tạm lánh được tốt nhất. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các địa phương tổ chức ứng trực 24/24 giờ cho đến khi kết thúc cơn bão.
Tại Quảng Ninh, thời điểm chịu ảnh hưởng mạnh nhất của bão số 3, các khu vực ven biển tại Quảng Ninh có gió phổ biến cấp 7 - 8, giật cấp 10. Riêng đặc khu Cô Tô gió cấp 9, giật cấp 11. Đây cũng là nơi đầu tiên bị mất điện trên diện rộng, gây khó khăn lớn cho công tác ứng phó bão trong đêm. Song không chờ bão đến mới vận hành phương án dự phòng, lực lượng chức năng đã triển khai ngay phương án chạy máy phát điện tại các địa điểm trọng yếu như trạm y tế, các điểm sơ tán...
Trong quá trình kiểm tra các đơn vị đang trực bão, Chủ tịch UBND đặc khu Cô Tô Nguyễn Danh Hà đề nghị các đơn vị tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở vật chất trong điều kiện khó khăn khi không có điện. Cùng với đó, ông Hà cũng động viên người dân tại các khu vực sơ tán đoàn kết, đồng lòng, nghiêm túc chấp hành các quy định để đảm bảo an toàn cho tính mạng.
Cùng với Cô Tô, tại các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh, chính quyền và các lực lượng chức năng duy trì chế độ trực 24/24, đảm bảo xử lý kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống.
Linh hoạt, chuyển trọng tâm chỉ đạo kịp thời, để ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai
Sáng 22/7, khi bão số 3 bắt đầu đổ bộ vào đất liền ven biển các tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác Trung ương kiểm tra công tác phòng, chống bão tại một số điểm xung yếu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gồm công trình kè chống sạt lở hai bên cầu Vạn Hà, cống Ngọc Quang (xã Xuân Lập) và hồ thuỷ lợi Cửa Đạt.
Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tại các điểm kiểm tra, Phó Thủ tướng cho biết, theo thông tin được cập nhật liên tục, sau khi đổ bộ vào đất liền, bão số 3 đã giảm cấp gió và sức giật. Trọng tâm ứng phó lúc này phải chuyển sang vấn đề mưa lớn - nhất là mưa lớn kéo dài, có thể tiếp diễn trong hôm nay và ngày mai. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến các khu vực hồ, đập, hồ chứa, nhất là các hồ lớn. Đây là nơi tiềm ẩn nguy cơ sự cố khi lượng mưa vượt ngưỡng.
Bên cạnh đó, các vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét cũng phải được rà soát kỹ lưỡng. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá trực tiếp kiểm tra, phân công kiểm soát những khu vực trọng điểm có thể xảy ra tình huống nguy hiểm.
Phó Thủ tướng lưu ý, tỉnh Thanh Hóa cần chủ động, linh hoạt, chuyển trọng tâm chỉ đạo kịp thời, để ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai, nhất là khi Thanh Hóa và Bắc Nghệ An được xác định là những địa bàn trọng điểm về mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3, cần đặc biệt quan tâm theo dõi, cập nhật diễn biến để chỉ đạo kịp thời.
Không nên chủ quan khi tâm bão chuyển xuống phía Nam
Tuy tâm bão số 3 đã dịch chuyển xuống phía Nam, nhưng ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lưu ý: Điều này không có nghĩa các tỉnh phía Bắc hay Thủ đô Hà Nội sẽ hết mưa. Mưa ở phía Bắc sẽ diễn ra gián đoạn nhưng vẫn cần phải hết sức đề phòng, không nên chủ quan. Hoàn lưu của bão số 3 sẽ tiếp tục gây mưa cho khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong đó tập trung 2 khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, với lượng mưa khoảng 150-300mm, cục bộ có thể cao hơn.
Tại Hà Nội, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Bắc Bộ, từ ngày 22/7 đến ngày 23/7, TP Hà Nội có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa khu vực phía Bắc thành phố phổ biến 40-70 mm, có nơi trên 100 mm. Trung tâm thành phố, khu vực phía Tây và phía Nam thành phố phổ biến 60-120 mm, có nơi trên 180 mm.