Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan và các địa phương tập trung nguồn lực bố trí vốn cho từng dự án cụ thể theo thứ tự ưu tiên.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: Quốc Anh.
Phát biểu tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ Kỳ họp thứ 2 đến Kỳ họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được 270 câu hỏi của cử tri. Bộ đã có văn bản trả lời đến từng đại biểu Quốc hội có chất vấn; một số chất vấn mà Bộ mới nhận được sẽ tiếp tục được trả lời bằng văn bản trong vài ngày tới.
Trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn nhận được nhiều ý kiến động viên, khuyến khích cũng như những góp ý về những việc làm được và những việc chưa làm được của Bộ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ luôn nhận thức sâu sắc rằng đây là một dịp tốt để báo cáo những việc đã làm được, giải trình thêm và làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm; được lắng nghe và tiếp thu ý kiến tâm huyết, những ý kiến, ý tưởng mới và sâu sắc của các vị đại biểu Quốc hội. Đồng thời, thấy được thêm trách nhiệm của cá nhân và đơn vị trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, lĩnh vực kế hoạch và đầu tư có một vị trí quan trọng trong nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh áp lực ngày càng lớn về nhu cầu nguồn lực để thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, ngành kế hoạch và đầu tư còn nhiều việc phải nỗ lực với tinh thần đổi mới và tích cực hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và cử tri của cả nước.
Mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả tích cực trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Vì vậy đòi hỏi Bộ phải tăng cường trách nhiệm hơn nữa trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tham mưu những giải pháp vừa căn cơ, dài hạn vừa cấp bách trong ngắn hạn.
Kiến tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định
Đánh giá nguồn lực của dân cư, doanh nghiệp, khu vực đầu tư nước ngoài trong xã hội còn nhiều dư địa để huy động, tuy đã có nhiều giải pháp nhưng hiệu quả chưa cao, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục theo hướng kiến tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và tạo niềm tin để người dân và doanh nghiệp sẵn sàng bỏ vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tham gia phát triển hạ tầng v.v... Trong đó, nguồn lực nhà nước giữ vai trò định hướng, dẫn dắt, lan tỏa, thu hút, huy động các nguồn lực của dân cư, doanh nghiệp là nguồn lực chủ yếu, nguồn lực của nước ngoài là bổ sung quan trọng đối với đầu tư phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ, đầu tư công đã có nhiều cải thiện, nhất là trong công tác xây dựng thể chế pháp luật, Chỉ thị số 1792/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ và Luật đầu tư công năm 2015 đã giúp tăng cường quản lý chặt chẽ hơn, khắc phục cơ bản được những tồn tại hàng chục năm, như đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản, ứng trước vốn kế hoạch nhưng chưa có nguồn hoàn trả v.v...
Tuy nhiên, việc chuyển hướng sang quản lý chặt chẽ hơn cũng không tránh khỏi nảy sinh nhiều vấn đề, khó khăn về quy trình, về thủ tục, về nhu cầu không đáp ứng được đủ vốn và sự co kéo trong bố trí vốn, phân bổ vốn không tập trung, giao vốn chậm, nhiều lần v.v... đòi hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tập trung tháo gỡ, giải quyết trong thời gian tới.
Cùng với đó, nguồn vốn đầu tư công ngày càng hạn hẹp và có xu hướng giảm dần trong tổng đầu tư toàn xã hội và trong chi tiêu ngân sách. Do vậy, vấn đề mấu chốt quan trọng nhất phải tập trung quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn công. Giải được bài toán cân đối về cơ cấu vùng, miền, ngành, lĩnh vực, mục tiêu ưu tiên vừa quản lý chặt chẽ nhưng cũng phải thuận lợi để triển khai thực hiện nhanh hiệu quả, trong đó có áp dụng công nghệ thông tin và quản lý, đảm bảo công khai, minh bạch và hạn chế tối đa sự thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.
Ngoài ra, các dự án trọng điểm của quốc gia đều là những dự án lớn, có sự đóng góp đáng kể vào tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế, trong đó các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước có vai trò và sức lan tỏa rất lớn sẽ huy động được sự tham gia đáng kể nguồn vốn ngoài ngân sách. Cho nên việc tăng cường trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan tại thời điểm này là vừa để tìm cách xử lý, tháo gỡ khó khăn, vừa xây dựng giải pháp để các dự án sớm triển khai đi vào hoạt động hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: VGP.
Phát triển kinh tế tư nhân
Về các nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tích cực triển khai Luật Đầu tư công. Việc lập, phân bổ vốn đầu tư công đã từng bước đi vào nền nếp, bảo đảm chặt chẽ, triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cả về số dự án, số vốn dự án và số vốn giải ngân. Tăng tổng đầu tư vốn toàn xã hội, thay đổi cơ cấu vốn đầu tư theo hướng giảm tỷ trọng đầu tư từ NSNN…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, qua ý kiến của ĐBQH chất vấn và tranh luận cho thấy, trách nhiệm của Bộ trưởng trong lĩnh vực này còn nhiều điểm cần phải quan tâm, chỉ đạo như: Phân bổ vốn đầu tư trung hạn còn chậm, vốn đã thấp so với nhu cầu nhưng tiến độ giải ngân vốn cũng chậm, “có tiền mà chưa chi được”. Nhiều quy định, thủ tục đầu tư còn bất cập, chậm nghiên cứu sửa đổi. Tình trạng đầu tư còn dàn trải, chưa sát với thực tế đã gây lãng phí, kém hiệu quả đã tồn tại nhiều năm nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu ý kiến của ĐBQH chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp đã đề ra, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong đó, tập trung thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công. Rà soát các quy định về đầu tư công để kịp thời đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để đầu tư công theo hướng bảo đảm đơn giản hóa các thủ tục, lập thẩm định phê duyệt đầu tư công, tránh chồng chéo mâu thuẫn.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tăng cường trách nhiệm trong quản lý đầu tư công. Tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan và các địa phương tập trung nguồn lực bố trí vốn cho từng dự án cụ thể theo thứ tự ưu tiên. Bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, tránh tình trạng kéo dài, đội vốn đầu tư, gây thất thoát lãng phí.
Trong năm 2017 ban hành các giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước; xây dựng lại kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020. Có chính sách đẩy mạnh đầu tư cho vùng kinh tế khó khăn, miền núi, hải đảo, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số, vùng chịu nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu và ưu tiên nguồn vốn để thực hiện các chính sách hỗ trợ người có công.
Tiếp tục mở rộng các hình thức đầu tư để mở rộng huy động vốn từ khu vực tư nhân, vốn nước ngoài; sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ, các chương trình mục tiêu quốc gia.