Mới đây, giới chức Colombia đã công bố loạt hình ảnh về một trong những xác tàu đắm “giá trị nhất thế giới” San Jose, mang theo 200 tấn kho báu ước tính lên tới 17 tỷ USD.
Theo Bussiness Insider, đó là một tàu chiến galleon 64 khẩu pháo với thủy thủ đoàn khoảng 600 người, chở theo ít nhất 200 tấn kho báu bao gồm tiền vàng, bạc và ngọc lục bảo, trị giá ước tính lên đến 17 tỷ USD.
Tàu San José chứa kho báu bị đánh cắp và chìm ngoài khơi bờ biển Cartagena (Colombia) vào năm 1708. Hơn 300 năm sau, đến năm 2015, người ta mới xác định được vị trí của nó.
Trước đó vào năm 2015, Hải quân Colombia dưới sự giám sát của Bộ văn hóa nước này, đã tìm thấy tàu ở độ sâu gần 950 m ngoài khơi bờ biển Caribe của nước này, trong tình trạng chưa từng bị con người can thiệp và tiến hành 4 đợt lặn thăm dò bằng phương tiện không người lái điều khiển từ xa.
Việc nghiên cứu xác tàu đã dẫn tới việc phát hiện thêm 2 con tàu đắm gần đó, có từ những năm 1800, tuy không phải là một phát hiện tầm cỡ như San Jose galleon nhưng vẫn là những kho báu hàng hải có giá trị cao. Tuy nhiên, vị trí chính xác của tàu San Jose chưa được tiết lộ.
Phát biểu về di sản, Tổng thống Colombia Ivan Duque cho biết, hiện trường cùng với xác các con tàu được giữ nguyên trạng và được bảo vệ cho tới khi được trục vớt.
"Chúng tôi đã tìm thấy 2 con tàu khác: trong đó, một tàu từ thời thuộc địa và một con tàu khác, theo quan điểm phân tích sơ bộ, tương ứng với thời kỳ Cộng hòa trong lịch sử Colombia (khoảng những năm 1800)", tờ thời báo Heritage Daily dẫn lời Tổng thống Colombia Iván Duque trong cuộc họp báo diễn ra hôm 6/6.
"Mục tiêu của chúng tôi là khôi phục nó và có cơ chế tài chính bền vững cho các hoạt động khai thác trong tương lai. Bằng cách này, chúng tôi bảo vệ kho báu, quyền thừa kế của San Jose", ông Duque nói thêm.
Tàu San Jose galleon thuộc sở hữu của Hoàng gia Tây Ban Nha khi nó bị Hải quân Anh đánh chìm ngoài khơi Cartagena, Colombia vào năm 1708. Khi đó chỉ một vài trong số 600 thủy thủ đoàn sống sót.
Các nhà chức trách cho biết, video và hình ảnh - công bố trên truyền thông - được ghi lại bằng thiết bị hiện đại vận hành từ xa với độ sâu khoảng 1.000 m để khám phá các ngóc ngách của xác tàu.
Theo The Ecomomist, "tàu ma" San Jose đã trở thành tâm điểm của một cuộc chiến pháp lý phức tạp. Colombia đã tuyên bố xác nhận quyền sở hữu đối với xác "tàu ma" và kho báu chứa trong nó, theo Luật Di sản văn hóa chìm năm 2013 của nước này, quy định các hiện vật được tìm thấy trong vùng biển Colombia thuộc về nhà nước.
Tuy nhiên, Tây Ban Nha cũng tuyên bố chủ quyền, cho hay con tàu là của họ và viện dẫn công ước của UNESCO về di sản văn hóa dưới nước.
Vấn đề càng phức tạp khi nhiều đồ đạc có giá trị trên tàu có khả năng bị cướp từ các nước Nam Mỹ. Các nước này có thể kiện để đòi quyền lợi.