Tàu giã cào tận diệt hải sản gần bờ

NGUYỄN QUÝ 30/09/2023 07:05

Gần đây, vùng biển Quảng Ninh liên tiếp xuất hiện tàu giã cào khai thác hải sản gần bờ. Thực trạng này không chỉ làm cho nguồn hải sản cạn kiệt, mà còn xảy ra tình trạng xung đột trên ngư trường gây mất an ninh, trật tự tại địa phương.

Một chiếc tàu giã cào đang cào nhám tại khu vực hòn Miều, huyện Hải Hà.

Khai thác theo kiểu tận diệt

Trung tuần tháng 9, chúng tôi có mặt tại vùng biển huyện Hải Hà và TP Móng Cái, vùng ven bờ có nguồn lợi thủy sản phong phú bậc nhất Quảng Ninh. T. - một “cựu” ngư phủ ở xã Quảng Minh (huyện Hải Hà) đón chúng tôi bằng chiếc tàu gỗ cũ.

Chỉ cho tôi cách nhận diện một chiếc tàu giã cào, T. nổ máy tàu hướng về phía cảng Ghềnh Võ, thuộc xã Quảng Điền (huyện Hải Hà). Đây là nơi neo đậu của hàng trăm phương tiện đánh bắt và xuồng làm dịch vụ vận chuyển khách. Đếm sơ qua, T. đã phát hiện có 8 chiếc tàu giã cào đang neo đậu tại đây, cùng nhiều tàu có sử dụng ngư cụ cấm khác để khai thác như: Tàu pha xúc, cang cang, te xiệc, chã ván…

Tàu giã cào được hàn một bộ khung sắt phía đuôi, chiếc ròng rọc được treo trên thanh ngang để thả hoặc kéo dây lưới. Bộ cào được thiết kế như chiếc bừa trên ruộng, nhưng lưỡi sắt dày hơn. Sau cào là túi lưới, có chiều dài từ 500 - 1.500m, mắt lưới dày từ 5 - 10cm và có nhiều lớp để “quét” hải sản từ tầng đáy đến mặt nước. Bộ kích điện được dòng xuống phía trước mũi cào. Khi hải sản bị mắc xung điện, chúng không thể bơi xa, chiếc cào khi đó làm nhiệm vụ đuổi hải sản từ tầng đáy ngoi lên, rồi bị cuốn vào túi lưới.

“Đang đợt cao điểm của tỉnh Quảng Ninh về chống đánh bắt trái phép, nên các tàu này chỉ hoạt động về đêm. Cứ nằm đây chờ, chỉ khoảng 1 tiếng nữa chúng sẽ nhổ neo, mình sẽ bám theo tới điểm chúng hoạt động”, T. nói.

Những năm gần đây, tình trạng tàu giã cào ngoại tỉnh xuất hiện ngày càng dày đặc trên vùng biển Quảng Ninh. Theo quy định, các tàu này chỉ được khai thác ở vùng lộng, cách bờ 24 hải lý trở ra. Thế nhưng, phớt lờ quy định, tàu giã cào hầu hết khai thác gần bờ, thậm chí cách bờ chưa đến 5km. Hải Hà, Móng Cái, Cô Tô là các vùng biển được tàu giã cào lựa chọn đánh bắt nhiều nhất, bởi các khu vực này có nhiều chương bãi, lạch nước, là nơi trú ngụ của nhiều loài hải sản có giá trị như: tôm, ghẹ, mực, bề bề, cá….

Với thực trạng trên, Thượng tá Đỗ Thái Bình Vương - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quảng Đức xác nhận: Đội tàu giã cào xuất hiện từ lâu trên vùng biển Quảng Ninh. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các xã ven biển, cùng các lực lượng khác kiểm tra, bắt giữ các tàu có hành vi khai thác trái phép. Tuy nhiên, thủ đoạn của các tàu này ngày càng tinh vi. Có khi chúng tôi bắt được tại chỗ, các đối tượng liền chặt lưới thả xuống biển, nhằm xóa dấu vết…

Đối mặt “nhám tặc”

Gần 11h khuya, sự yên tĩnh tại khu vực hòn Miều, thuộc xã đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà) bị phá vỡ bởi tiếng máy nổ xình xịch. Tiếng máy gầm gào to hơn khi tàu thực hiện công việc cày xới đáy biển. Hơn chục con tàu quần thảo trong bán kính chỉ khoảng 2km2.

Nhận định: Đây là đội tàu cào nhám đến từ Hải Phòng, được “bảo kê” bởi một nhóm người đứng ra thu mua, rồi bán cho chủ hàng miền Trung, cung cấp cho các cơ sở nuôi tôm hùm.

Trước đây, ngư dân Quảng Ninh không để ý đến con nhám, bởi đó là 1 loại sò nhỏ, thường sống dưới lớp bùn cát. Từ hơn 10 năm trước, nghề cào nhám đã xuất hiện ở các vùng biển Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, sau bị các địa phương này cấm khai thác vì hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Từ năm 2022, những con tàu cào nhám tìm đến vùng biển Quảng Ninh.

Ông Đỗ Đình Minh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, cho biết: “Nhám” là 1 loại sò có tên khoa học là Gafrarium, tên thường gọi là Sò còm cọp. Sò còm cọp cũng là loài thức ăn ưa thích cho một số loài thủy sản nuôi như cua, tôm hùm. Vì vậy, trong những năm gần đây, cùng với việc phát triển nghề nuôi tôm hùm, nghề cào nhám, sò còm cọp cũng phát triển theo nhằm đáp ứng nguồn thức ăn cho các trang trại nuôi.

12h đêm, tàu của chúng tôi áp sát được một con tàu đang kéo lưới. Sau một hồi quan sát, chúng tôi thấy nhám được bốc lên tàu, đóng vào các bao tải khoảng 30kg. Cứ khoảng 10 phút, thuyền viên trên tàu cào nhám lại thực hiện kéo lưới 1 lần. “Thời điểm hiện tại, các chủ hàng thu mua 120.000 - 140.000 đồng/bao nhám. Mỗi tàu làm 5 - 7 tiếng/ca, gặp vựa cũng kiếm được khoảng 15 - 20 triệu đồng”, T. cho biết.

Ngoài khu vực hòn Miều, địa bàn khai thác của “nhám tặc” trải dài tới vùng biển Móng Cái. Đi tới đâu, lưỡi cào của tàu lại xới tung bùn cát, làm mất môi trường sinh sản, sinh trưởng của các loài hải sản, ấu trùng bị hủy diệt, hệ sinh thái đáy biển bị phá vỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tàu giã cào tận diệt hải sản gần bờ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO