Ngày 1/7, UBND tỉnh Bình Định đã có công văn gửi Thủ tướng và Bộ NN&PTNT báo cáo kết quả thẩm định 18 tàu vỏ thép hư hỏng và công tác chỉ đạo khắc phục; kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng của bộ phối hợp với Công an tỉnh Bình Định để điều tra, xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cơ sở đóng tàu có hành vi gian lận trong thực hiện hợp đồng với ngư dân.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Xung quanh vụ việc này, Đại Đoàn Kết ghi nhận ý kiến của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước; Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trương Minh Hoàng và bà Bùi Thị An- nguyên Đại biểu Quốc hội.
Ngày 1/7, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết, UBND tỉnh này đã có công văn gửi Thủ tướng và Bộ NN&PTNT báo cáo kết quả thẩm định 18 tàu vỏ thép hư hỏng và công tác chỉ đạo khắc phục. Đáng lưu ý, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng của bộ phối hợp với Công an tỉnh Bình Định để điều tra, xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cơ sở đóng tàu có hành vi gian lận trong thực hiện hợp đồng với ngư dân.
Kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm tàu cá - Tổng cục Thủy sản kiểm định chất lượng các tàu sau khi đã được các công ty đóng tàu sửa chữa, khắc phục; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách gia hạn nợ, kéo dài thời gian ân hạn đối với các chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng phải nằm bờ.
Trước đó, từ tháng 5/2017, thông tin về 14 tàu vỏ thép do Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu đóng và 5 chiếc do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng, ngư dân tỉnh Bình Định mới đưa vào khai thác đã hư hỏng nặng về máy, gỉ sét vỏ tàu, khiến hầu hết các tàu này nằm bờ dài ngày ngay trong mùa đánh bắt, gây thiệt hại nặng cho ngư dân- đã khiến dư luận bức xúc.
Tới thời điểm này, số tàu đóng xong đi vào hoạt động là 666 tàu, gồm 297 tàu vỏ thép, 347 tàu vỏ gỗ, 22 tàu composite. Trong đó, 539 tàu công suất từ 800CV trở lên. |
Từ đó tới nay, nhiều động thái đã diễn ra, kể cả việc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương 2 lần không tham dự cuộc họp liên quan do UBND tỉnh Bình Định tổ chức, khiến dư luận càng bất bình. Trước thái độ bất hợp tác giải quyết hậu quả của Cty TNHH Đại Nguyên Dương cũng như thực tế những gì các chủ tàu đang phải chịu đựng, trong cuộc họp ngày 26/6, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Trần Châu đã đề nghị Chủ tịch UBND các huyện có tàu vỏ thép hư hỏng hướng dẫn ngư dân khởi kiện; đồng thời đề nghị Công an tỉnh này báo cáo Bộ Công an để khởi tố.
Cho tới ngày 27/6, Cty TNHH Đại Nguyên Dương có công văn gửi Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết sẽ sửa chữa tàu hư hỏng, với điều kiện chủ tàu đưa tàu ra Nam Định. Tuy nhiên điều đó đã không được chấp nhận.
Chiều 30/6, tại một cuộc họp do tỉnh Bình Định tổ chức, lãnh đạo Cty Nam Triệu và Đại Nguyên Dương đã ký biên bản cam kết với các chủ tàu thống nhất sửa chữa, thay thế máy móc, thiết bị trong hai tháng 7 và 8/2017, mọi chi phí do 2 Cty chi trả.
Xung quanh vụ việc này, Đại Đoàn Kết ghi nhận một số ý kiến.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Coi thường lợi ích quốc gia là tội lớn
Nghị định 67 là để hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu lớn, đặc biệt là tàu vỏ thép vững chắc để ra biển, không chỉ là vấn đề đảm bảo an toàn lúc đi biển, khi có biến động về thời tiết, quan trọng hơn nữa là để đảm bảo an toàn cho ngư dân khi tàu nước ngoài xua đuổi, đâm va tàu cá của ngư dân. Chủ trương này không chỉ thuần túy về vấn đề kinh tế biển, đặc biệt vấn đề an toàn cho Biển Đông, vì trên lãnh hải của chúng ta an toàn nhất thiết phải có lực lượng của ngư dân hoạt động rất mạnh trên khu vực Trường Sa, Hoàng Sa.
Đây là vấn đề kinh tế và quốc phòng. Những ngư dân này hoạt động thường xuyên ở đó, là tai mắt cho các cán bộ chiến sĩ ở các đảo biết được tình hình trên biển, để kịp thời ứng phó. Cho nên, Chính phủ đã đặt ra một chủ trương lớn như vậy với khoản ngân sách cho vay rất lớn. Đây là quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước kiên quyết bảo vệ vùng biển của chúng ta.
Thế nên vụ việc xảy ra có thể nói là rất đau lòng. Những doanh nghiệp đóng tàu này đã lợi dụng chính sách làm gian dối, gây hậu quả rất lớn. Chủ trương lớn vừa hỗ trợ dân, vừa bảo vệ chủ quyền lãnh hải mà lại làm ăn như vậy là không thể chấp nhận được.
Ở góc độ khác, các đơn vị chức năng đã thiếu trách nhiệm trong việc giám sát thi công. Một công trình lớn thì phải có giám sát thi công. Hợp đồng giữa người dân với cơ sở đóng tàu là hợp đồng dân sự nhưng thiếu hẳn điều khoản giám sát việc thi công.
Đây là bài học cho chính quyền địa phương, cần phải tăng cường trách nhiệm trong việc hướng dẫn và tham gia với người dân trong việc này. Vấn đề xác định rõ trách nhiệm với các cơ quan ngành, chính quyền địa phương để gắn trách nhiệm vào trong thực hiện chính sách lớn của Đảng và Nhà nước là điều cần bổ sung trong các chính sách.
Đây không chỉ là vấn đề kinh tế, phạt hành chính mà thuộc về hình sự vì gây hậu quả nghiêm trọng, gây mất an toàn về an toàn quốc gia, an ninh trên biển. Tôi đề nghị, sai phải sửa, phải làm đúng hợp đồng đảm bảo chất lượng, những thiệt hại về kinh tế phải đền bù rõ ràng. Cơ quan luật pháp phải căn cứ vào Luật Hình sự xử lý mức cao nhất đủ sức răn đe để những người tham lam, bất chấp lợi ích của quốc gia phải nhận tội tương xứng.
Bà Bùi Thị An.
Nguyên ĐBQH Bùi Thị An: Bài học đắt giá nhất là mất lòng tin
Chủ trương của Đảng, Nhà nước ta rất tốt, hỗ trợ ngư dân đóng tàu vươn khơi, để làm kinh tế, còn thêm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền.Thế nhưng, tàu hư hỏng quá nhiều, rõ ràng doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách để trục lợi làm vấy bẩn chủ trương cao đẹp đó.
Theo tôi, phải làm rõ trách nhiệm, sai quy cách thép, máy, rõ thế phải xử lý thật nghiêm để răn đe người khác. Thói quen gian dối, làm ăn chộp giật đã trở thành phổ biến và gây nguy hại cho đất nước. Sự gian dối trong thực hiện Nghị định 67 nguy hiểm vô cùng, không chỉ ở góc độ kinh tế, tàu hỏng nằm bờ dân ôm nợ không ra khơi được; nhưng mặt khác là ảnh hưởng đến tính mạng của ngư dân.
Cứ nhìn cảnh mỗi khi tàu ra khơi, vợ tiễn chồng, mẹ tiễn con, vợ con ngóng chờ nhiều khi trong vô vọng mới thấy ngư dân khổ thế nào. Tính mạng ngư dân là chuyện lớn, chủ quyền biển đảo là chuyện lớn. Khi đã rõ trách nhiệm rồi phải truy cứu trách nhiệm hình sự, phải xử lý, không có chuyện khắc phục, đền bù là xong.
Tới thời điểm này, các tỉnh đã phê duyệt 1.948 chủ tàu đủ điều kiện được vay vốn, trong đó: chủ tàu đủ điều kiện đóng mới là 1.510 tàu trong đó tàu vật liệu vỏ thép 619 tàu, vỏ composite 149 tàu, vỏ gỗ 742 tàu; nâng cấp 438 tàu. Trong số 1.948 chủ tàu đã được phê duyệt đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng với 981 chủ tàu, số tiền cam kết cho vay là 9.710 tỷ đồng, đã giải ngân là 8.783 tỷ đồng. Đến ngày 31/5, số tàu đóng xong đi vào hoạt động là 666 tàu, trong đó theo nghề: có 622 tàu khai thác và 44 tàu dịch vụ hậu cần (theo vật liệu vỏ: thép 297 tàu, gỗ 347 tàu, composite 22 tàu; theo công suất từ 800CV trở lên là 539 chiếc). |
Thông tin của tổ thẩm định vừa công bố cho thấy rõ những sai phạm các bên liên quan đến 18 tàu vỏ thép bị hư hỏng. Chất lượng thép không đảm bảo là vấn đề lớn nhất cần phải làm rõ, không chỉ với những tàu vỏ thép của Bình Định mà gần 300 tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 cũng cần phải rà soát lại.
Trong vụ việc nói trên, có nhiều thành phần liên quan, từ cơ sở đóng tàu, cơ quan đăng kiểm, ngân hàng và chủ tàu. Vụ việc này rất cần Bộ Công an vào cuộc để điều tra, khởi tố. Theo luật mà làm. Lúc này cũng là cơ hội để kiểm tra toàn diện những nội dung về đóng tàu cá theo Nghị định 67, điều chỉnh những khúc mắc, mới mong chính sách này tiếp tục triển khai tốt được.
Những con tàu mang giá trị lớn về mặt vật chất, tinh thần. Đó là nỗi đau rất lớn không chỉ với người dân mà còn của Chính phủ. Nên theo tôi cần rà soát lại toàn bộ xem khâu nào có vấn đề thì phải xử lý. Rất nhiều bài học được rút ra trong chuyện này. Bài học đắt giá nhất ở đây là mất lòng tin.
Ông Trương Minh Hoàng.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trương Minh Hoàng: Phải truy cứu trách nhiệm hình sự
Cá nhân tôi rất bức xúc trước vụ việc các tàu vỏ sắt ở Bình Định đã bị các công ty tự ý thay thép vỏ tàu chất lượng tồi. Theo tôi cần xem lại trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị tham gia cùng người dân làm chủ dự án này hay quản lý quá trình đầu tư, các doanh nghiệp từ khâu hợp đồng.
Một phương tiện kiếm sống của người dân đến 20 tỉ đồng, có khi là tài sản của cả dòng tộc, tập thể xóm, ấp, cả đời mới gom góp được nguồn tiền như vậy. Thế nhưng, vì lý do hám lợi, hám tiền của ai đó mà các doanh nghiệp các đơn vị, nhà cung cấp làm gian dối, tôi cho rằng việc này không thể đổ thừa bất cứ một lý do gì cả.
Tôi nghe bà con chia sẻ, khi ra khơi đánh bắt cho dù ở vị trí không xa bờ thì khi máy móc hư hỏng, chỉ riêng việc thuê mướn để kéo tàu về đã tốn kém cả trăm triệu. Còn nếu bà con đánh bắt ngoài khơi dài ngày, có sản lượng rồi mà tàu bị hư hỏng dọc đường thì tổn thất còn lớn và nặng nề hơn. Tôi cho rằng cách thức làm ăn như thế này cần phải lên án mạnh mẽ.
Phải sớm làm rõ trách nhiệm trong vụ việc này. Thậm chí, các ngành chức năng vào cuộc, xem xét nếu có liên quan đến vi phạm hình sự thì xử lý nghiêm, đem lại sự công bằng cho người dân, đặc biệt những ngư dân thuộc nhóm yếu thế. Nếu thấy có dấu hiệu vi phạm hình sự thì chuyển sang cơ quan chức năng để xử lý đến nơi, đến chốn.
Ngày 30/6, Bộ NN&PTNT đã có báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao liên quan đến chất lượng tàu cá đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản tới Thủ tướng Chính phủ. Được biết, ngoài 18 tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định đã xảy ra sự cố, hư hỏng còn có 2/5 tàu vỏ thép tỉnh Phú Yên cũng bị hư hỏng; Tỉnh Thanh Hóa có 18/23 tàu vỏ thép được đóng mới đưa vào hoạt động bị trục trặc về máy phát điện, cần cẩu, tời, hầm bảo quản. Chủ tàu đã phối hợp với cơ sở đóng tàu khắc phục sửa chữa, đa số tàu đã hoạt động bình thường, hiện còn hai tàu đang còn đậu ở cảng để sửa chữa máy phát điện. Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng cho biết, các tỉnh khác có tàu vỏ sắt đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đang tiến hành kiểm tra, rà soát. Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Tổng cục Thủy sản chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm tàu cá có báo cáo về việc giám sát đóng mới tàu cá vỏ thép trong toàn quốc và báo cáo giải trình việc giám sát đóng mới tàu cá của tỉnh Bình Định; nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm tập thể lãnh đạo, đăng kiểm viên có liên quan trong việc giám sát đóng mới tàu cá, đăng kiểm tàu cá bị hư hỏng. Tạm đình chỉ công tác các đăng kiểm viên có liên quan, kiểm điểm trách nhiệm và chờ có kết luận chính thức để xử lý theo quy định. |