Tây Ban Nha có thể dùng Hiến pháp ngăn Catalan độc lập

Khánh Duy 09/10/2017 07:25

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy hôm 8/10 tuyên bố ông sẽ không loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh của Hiến pháp để tước đoạt quyền tự trị của Catalonia nếu như khu vực này đơn phương tuyên bố độc lập; trong bối cảnh chục nghìn người tuần hành trên đường phố để kêu gọi đối thoại.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. (Nguồn: Reuters).

Khu vực trù phú ở Đông Bắc Tây Ban Nha, Catalonia, đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý hôm 1-10 vừa qua nhằm kêu gọi độc lập, bất chấp việc Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha đã kết luận rằng đó là hành động vi hiến.

Tính đến nay, Thủ tướng Rajoy vẫn đang cân nhắc về việc sử dụng Điều 155 của Hiến pháp, trong đó cho phép ông giải tán chính quyền khu vực và kêu gọi một cuộc bầu cử mới ở Catalonia.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ El Pais, ông Rajoy khi được hỏi về điều này đã trả lời rằng: "Tôi không loại trừ bất kỳ khả năng nào trong khuôn khổ luật pháp... Sẽ không cần thiết phải đưa ra những giải pháp cực đoan, nhưng để việc tách độc lập không xảy ra, mọi thứ sẽ được thay đổi".

Trước đó, trong hôm 7/10, hàng chục nghìn người dân trên khắp Tây Ban Nha đổ ra tuần hành trên đường phố, trong lúc mà xứ Catalan đang chuẩn bị tuyên bố tách ra khỏi phần còn lại của đất nước này. Nhiều người mang trang phục màu trắng và kêu gọi hai bên đối thoại để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Chính quyền tự trị xứ Catalan nói rằng khoảng 90% số cử tri đi bỏ phiếu đã ủng hộ độc lập khỏi Tây Ban Nha. Chính quyền Madrid cho rằng cuộc trưng cầu này là phi pháp, chiếu theo Hiến pháp công bố năm 1978 của Tây Ban Nha.

Bất ổn chính trị đã chia rẽ sâu sắc Tây Ban Nha, khiến cho nhiều ngân hàng và công ty lớn của nước này di dời trụ sở của họ khỏi Catalonia và ảnh hưởng tới lòng tin thị trường trong nền kinh tế Tây Ban Nha. Sự việc còn khiến Ủy ban châu Âu (EC) tỏ rõ sự quan ngại, kêu gọi chính quyền Madrid và Catalonia tìm ra một giải pháp chính trị.

Hiện nay, Thủ tướng Rajoy đã loại bỏ khả năng viện tới sự giúp đỡ của nhà trung gian hòa giải nước ngoài để giải quyết khủng hoảng, và nói rằng vấn đề này sẽ không làm nảy sinh một cuộc bầu cử sớm trên toàn quốc.

Tuần hành hòa bình

Trong phong trào tuần hành được kêu gọi trên khắp 50 thành phố của Tây Ban Nha trong hôm 7/10, hàng nghìn người đã vận đồ màu trắng và mang theo các biểu ngữ kêu gọi hòa bình, đối thoại giữa các nhà lãnh đạo.

Ở thành phố Barcelona, những người biểu tình giơ cao biểu ngữ "Hãy cùng nói chuyện", trong khi nhiều người bang biểu ngữ chỉ trích các lãnh đạo chính trị vì không tìm ra một giải pháp ngoại giao.

"Sự việc này đang gây ra sự rạn nứt xã hội ở Catalonia và nó cần phải được giải quyết bằng đối thoại chứ không phải bằng chủ nghĩa đơn phương" - Jose Manuel Garcia, 61 tuổi, một nhà kinh tế học tham gia cuộc tuần hành, cho hay.

Trong khi lãnh đạo xứ Catalan, ông Carles Puigdemont tuyên bố cởi mở với trung gian hòa giải, thì Thủ tướng Rajoy đã yêu cầu ông Puigdemont từ bỏ chiến dịch vận động độc lập trước khi các vòng đàm phán được tổ chức.

Ở thủ đô Madrid, hàng nghìn người đã đổ ra đường tuần hành dưới lá quốc kỳ, cùng hát và hô vang khẩu hiệu "Catalonia muôn năm".

"Tôi đến đây bởi cảm thấy mình là một công dân của Tây Ban Nha, và điều đã xảy ra khiến bản thân tôi rất buồn" - Rosa Borras, 47 tuổi, một nhân viên về hưu tham gia cuộc tuần hành ở trung tâm Madrid, nói.

EU quan ngại

Chính phủ của ông Rajoy đã triển khai hàng nghìn cảnh sát quốc gia tới ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý, dẫn tới các vụ đụng độ giữa cử tri cố gắng đi vào các điểm bỏ phiếu. Trong cuộc phỏng vấn với tờ El Pais, ông Rajoy nói rằng 4.000 cảnh sát được triển khai tới khu vực này sẽ giữ nguyên vị trí cho đến khi cuộc khủng hoảng chấm dứt.

Vụ bạo lực xảy ra trong cuộc trưng cầu đã vấp phải làn sóng chỉ trích rộng lớn và buộc chính phủ Tây Ban Nha phải đưa ra lời xin lỗi trong hôm thứ Sáu tuần trước, dù cho căng thẳng vẫn tiếp tục gia tăng sau khi Nghị viện Catalan lên kế hoạch bỏ phiếu về việc đơn phương tuyên bố độc lập vào hôm thứ Ba tới.

Cuộc khủng hoảng còn gây nên tình trạng quan ngại giữa các đối tác thuộc Liên minh châu Âu (EU) của Tây Ban Nha. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thảo luận cùng Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker về vấn đề này, Reuters dẫn lời một quan chức EU cho hay.

Ngoài ra, mối quan ngại về khủng hoảng ở Tây Ban Nha cũng lan rộng khắp nhiều nước thuộc EU, chủ yếu quan ngại là về ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tế Tây Ban Nha, nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Eurozone.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tây Ban Nha có thể dùng Hiến pháp ngăn Catalan độc lập