Hàng ngàn bệnh nhân ung thư có thể phát hiện bệnh sớm 3 tháng nhờ 1 xét nghiệm chỉ khoảng 30.000 đồng.
Đây là chỉ dấu mới đầu tiên của bệnh ung thư được nhận diện.
Lượng tiểu cầu tăng từng được xem là có tiềm năng chẩn đoán ung thư nhưng chưa có một nghiên cứu nào xem xét về vấn đề này.
Các nhà khoa học trường ĐH Y Exeter (Anh) đã phân tích dữ liệu từ gần 50.000 người từ 40 tuổi trở lên đã từng được chỉ định xét nghiệm máu. Trong đó 31.000 người có lượng tiểu cầu tăng và 8.000 người có lượng tiểu cầu bình thường. Bệnh nhân được chọn ngẫu nhiên từ cơ sở dữ liệu quốc gia.
Kết quả nghiên cứu đăng tải trên tạp chí General Practice cho thấy, trong vòng 1 năm thử máu, 11,6% nam giới và 6,2% nữ giới có lượng tiểu cầu nguyên phát tăng có chẩn đoán ung thư 1 năm sau đó. Và tỉ lệ này tăng lên 18,1% ở nam giới và 10,1% ở nữ giới nếu có xét nghiệm tiểu cầu nguyên phát cao lần 2 trong vòng 6 tháng.
Trong đó, 1/3 là bệnh nhân bị ung thư phổi hay ung thư đại trực tràng còn ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt ít hơn.
Như vậy, những bệnh nhân có lượng tiểu cầu trong máu cao có nhiều khả năng sẽ mắc ung thư hơn những người có lượng tiểu cầu bình thường.
Theo đó, các nhà nghiên cứu cho rằng các bác sĩ cần thực hiện thêm các xét nghiệm tầm soát ung thư nếu thấy tiểu cầu trong máu cao. Bởi có nhiều nguyên nhân khiến cho lượng tiểu cầu tăng cao và trong nhiều trường hợp không phải là do ung thư.
Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Sarah Bailey, cho biết: “Chúng tôi biết rằng chẩn đoán sớm là chìa khóa để cứu sống bệnh nhân ung thư. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy một số lượng đáng kể bệnh nhân có thể chẩn đoán sớm ung thư trước 3 tháng nếu tiểu cầu tăng cao. Điều này đồng nghĩa với việc bệnh nhân có cơ hội sống sót tốt hơn”.
GS Willie Hamilton, ĐH Y Exeter, nói thêm: “Nước Anh đang đi chậm hơn các quốc gia khác trong chẩn đoán sớm ung thư” và chỉ trong năm 2014, đã có 163.000 người chết vì căn bệnh này.