Chỉ còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Càng về cuối năm, hoạt động mua-bán các loại pháo càng sôi động. Trong đó, mạng xã hội trở thành chợ pháo được các đối tượng rao bán công khai.
Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, cứ đến dịp gần Tết Nguyên đán, tình trạng mua bán, vận chuyển pháo nổ lại diễn ra phức tạp. Đáng chú ý, có cả trường hợp học sinh rủ nhau làm pháo tự chế để bán kiếm tiền tiêu Tết.
Mạng xã hội trở thành chợ đen
Cũng như nhiều loại hàng hóa khác, mạng xã hội Facebook đang trở thành chợ đen, nơi mà các đối tượng mua và bán pháo nổ trái phép dễ dàng giao dịch. Những ngày này, không khó để mua các loại pháo nổ trên một số hội, nhóm kín, thậm chí nhóm công khai trên mạng xã hội Facebook.
Theo tìm hiểu, nhóm công khai “Pháo hoa Tết 2022” được admin tạo ra từ tháng 6/2020, và được thay đổi, cập nhật tên theo năm. Lần đổi tên gần nhất là tháng 11/2021. Tồn tại công khai hơn 1 năm qua, nhóm này hiện có gần 38.000 thành viên với nhiều tài khoản facebook cá nhân thường xuyên đăng quảng cáo, bán các loại pháo nổ hoặc tìm mua pháo để chơi Tết.
Nhiều trang đăng bán hàng, kèm cả số điện thoại công khai. Có nội dung đăng thu hút hàng trăm lượt bình luận, thậm chí có đơn hàng mua với số lượng lớn, không cần đặt cọc.
Trong vai một người mua hàng, phóng viên liên hệ với người có tên tài khoản Facebook là Nguyễn M. Người này cho số điện thoại, kết bạn và giao dịch qua zalo.
Theo lời quảng cáo của anh M.: “Bên em mới về lô pháo phục vụ anh em chơi Tết. Pháo đủ các loại: Pháo hoa dàn 38-48. Pháo trứng, pháo bi to nhỏ em đều có”.
Để thuyết phục khách hàng, anh M. còn gửi nhiều video các loại sản phẩm. Anh M. cũng cho hay, khách mua hàng không cần cọc, khi nào nhận hàng thì mới phải thanh toán tiền.
Theo các chủ tài khoản facebook chào bán pháo, các loại pháo chủ yếu là hàng Trung Quốc và Thái Lan. Đáng chú ý, có đối tượng còn công khai cách thức lấy hàng trái phép.
Tài khoản Một Hai B. chia sẻ: “Facebook bán pháo được 3 năm nay rồi, nick này chỉ online trước Tết 1 tháng để bán hàng thôi. Năm nay, em có lấy được ít pháo Trung Quốc đi bằng đường thuyền vượt biên nên hàng em có cọc 30% qua ATM và gửi theo xe khách khu vực Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Hà Nội, Vĩnh Phúc”.
Người này cũng chia sẻ lý do gửi được xe khách đi các tỉnh vì “có quan hệ với lái xe”. Khách muốn mua hàng inbox trực tiếp với chủ tài khoản. Ngoài ra, người này cũng tìm mối sỉ hợp tác lâu dài mỗi năm, trước dịp Tết một tháng.
Hậu quả khôn lường từ pháo tự chế
Không chỉ mua-bán, vận chuyển trái phép pháo nổ mà có cả trường hợp học sinh rủ nhau chế tạo phảo để mang bán kiếm tiền tiêu Tết.
Cách đây ít ngày, Công an huyện Anh Sơn (tỉnh Nghệ An) đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhóm thiếu niên có ý đồ tự chế pháo nổ để bán kiếm lời trong dịp tết. Nhóm đối tượng này đã tàng trữ một lượng thuốc nổ khá nhiều để tự chế pháo nổ.
Tại thời điểm kiểm tra nhà các đối tượng trong nhóm này, lực lượng chức năng đã thu giữ 20 quả pháo tự chế và nhiều chất bột và dụng cụ khác để chế tạo pháo nổ. Qua làm việc, các đối tượng khai nhận đã xem các clip chế tạo pháo nổ ở trên mạng internet, sau đó đặt mua các tiền chất về và làm theo hướng dẫn để chế tạo pháo nổ nhằm mục đích sử dụng và bán kiếm lời trong dịp Tết.
Có thể thấy, nguyên nhân của những vụ làm và buôn bán pháo tự chế cũng bắt nguồn từ các video clip dạy làm pháo trên mạng. Trên kênh Youtube, người truy cập chỉ cần gõ từ khóa “cách làm pháo hoa”, ngay lập tức xuất hiện hàng loạt các clip dạy cách làm pháo hoa không nổ và pháo hoa nổ, pháo diêm tự chế. Các clip chia sẻ từ cách thức làm thuốc nổ pháo đến cách làm pháo, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Hầu hết các clip này đều không gắn nhãn giới hạn độ tuổi.
Không chỉ dừng ở các video hướng dẫn, thuốc nổ, chất để tự chế pháo nổ cũng được bán công khai trên các hội, nhóm trên mạng xã hội.
Dù đã được cảnh báo nhiều, nhưng các vụ việc, tai nạn liên quan tới pháo tự chế vẫn liên tục gia tăng, để lại nhiều hậu quả khôn lường, đặc biệt vào thời điểm cận Tết. Đáng nói, người bị tai nạn thường là học sinh, sinh viên-độ tuổi hiếu kỳ, thích tìm tòi, khám phá nhưng lại thiếu hiểu biết, thiếu sự quan tâm, giám sát của gia đình và xã hội.