Thời điểm này, tại các chợ truyền thống tại TP HCM như chợ Bình Tây (quận 6), chợ An Đông (quận 5), chợ Tân Định (quận 1), Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp)… bánh kẹo, mứt, đồ khô, bia, nước giải khát khá đa dạng và phong phú. Thế nhưng, sức mua ở các chợ vẫn ở mức thấp và thị trường có phần ảm đạm.
22, 23 tháng Chạp rồi mà kinh doanh cứ đủng đỉnh như ngày thường, người bấm điện thoại, người xem phim hài - bà Trương Muội, tiểu thương chợ An Đông than thở. Theo tiểu thương các chợ đầu mối, ở thời điểm này của các năm trước là buôn bán tấp nập như đóng hàng, bốc vác, tính tiền đơn hàng. Năm nay ngồi trông ngóng từng người khách. Năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, sức mua giảm mạnh, doanh thu sụt giảm mạnh, vì vậy đa phần tiểu thương không dám nhập hàng nhiều.
Bà Nguyễn Thị Sáu, tiểu thương ngành hàng thực phẩm khô ở chợ Bình Tây cho biết, thông thường cuối năm, tiểu thương chuẩn bị nguồn hàng Tết vì thị trường tiêu thụ một lượng lớn. Tuy nhiên, giờ chỉ có đơn hàng nào nhiều và đặt tiền cọc trước thì tôi mới dám chuẩn bị để giao hàng. Phần còn lại chỉ bày bán lai rai cho khách vãng lai. Tết đến sát bên mà buôn bán ế ẩm quá sức, hy vọng có sự tăng trưởng trở lại trong 1 – 2 ngày giáp Tết.
Nhiều tiểu thương cho biết, dịch bệnh hoành hành khiến nhiều quầy sạp chịu không nổi đã đóng cửa, số còn lại cố bám trụ phần lớn là chủ sạp, không phải chịu phí thuê mặt bằng. “Như mới đây, có nhân viên ngân hàng gọi điện nói là có chương trình hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, tiểu thương với mức lãi suất vay thấp hơn trước khi có dịch là 4%. Điều kiện được vay, tiểu thương có phương án kinh doanh khả thi, chứng minh nguồn thu nhập để trả nợ và tài sản thế chấp. Nhưng với tình hình kinh doanh khó khăn trong thời gian qua thì làm sao chứng minh nguồn thu nhập để trả nợ”, bà Sáu chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ với chợ truyền thống, lượng khách tìm đến hệ thống mua sắm hiện đại cũng chưa nhiều. Nhân viên bán hàng ở một số siêu thị khẳng định, hiện nay lượng khách mua sắm Tết chưa nhiều. Do tâm lý lo sợ về dịch bệnh, người dân hạn chế trong việc đi lại, vui chơi giải trí, lượng khách đến các nơi công cộng ít, tình hình mãi lực giảm. Nhiều cửa hàng, siêu thị phải lên kế hoạch giảm giá để thu hút khách mua sắm.
Theo Sở Công thương TP HCM, trong tháng cận Tết nhằm kích cầu mua sắm tiêu dùng, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi. Trong đó, tập trung vào các mặt hàng Tết như nước, bánh kẹo, mứt, quần áo,… với giá không tăng (tương đương giá trị năm 2019) nhằm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Bởi vì, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, người tiêu dùng cũng đang phải “thắt lưng, buộc bụng”. Các hệ thống phân phối lớn như Satra, Saigon co.op, Big C, Aeon - Citimart tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá từ 4 - 49% cho hàng ngàn mặt hàng phục vụ Tết.
Như vậy, Tết này hàng hóa ê hề, không lo sốt giá, nhưng lại có nỗi lo khác, đó là mức tiêu thụ giảm.