Những ngày này, không khí Tết đã rộn ràng mọi nẻo đường. Người mua người bán, người đi lại tấp nập. Không chỉ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn, mà tại các làng quê, Xuân đã đến rất gần. Cùng sự tất bật thì gương mặt mỗi người cũng thêm nhiều nét vui vì không gian đã ngập tràn sắc Xuân.
Xuân về trên các nẻo đường.
Đua nhau sắm Tết
Khoảng thời gian giáp Tết cũng chính là lúc mà người ta thấy rõ nhất sức sản xuất của các doanh nghiệp (DN), tạo sự lưu chuyển hàng hóa linh hoạt hơn, liên kết cung - cầu tốt hơn. Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, các hội chợ hàng hóa Tết liên tiếp được tổ chức nhằm phục vụ nhu cầu của người dân.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019 tăng mạnh so với năm 2018 nhờ tăng trưởng kinh tế cao. Chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú nhận định rằng Tết 2019, nhu cầu hàng hóa tăng khoảng 10 - 20%. Đặc biệt, cơ cấu tiêu dùng của người dân cũng được nâng cao.
Dạo quanh thị trường vào những ngày này dễ dàng nhận thấy các siêu thị trưng bày hàng hóa hết sức đa dạng, hàng loạt các chương trình khuyến mãi được các hãng bán lẻ tung ra. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, trong mùa Tết 2019, tổng lượng hàng hóa cung cấp ra thị trường đạt trên 46.000 tỷ đồng, trong đó ở TP Hà Nội là 28.500 tỷ đồng, TP HCM là 18.400 tỷ đồng, tăng trưởng 10 - 15% so với cùng kỳ Tết Mậu Tuất 2018.
Những ngày giáp Tết, không khí mua sắm Tết hối hả và rộn ràng. Nhiều người cho rằng, xu hướng mua sắm hàng hóa ngày Tết cao là nhờ thưởng Tết năm nay có nhỉnh hơn năm ngoái. TS Lê Đăng Doanh nhận định, Tết năm nay được dự báo là một cái Tết phong phú, người dân chi tiêu cao hơn so với năm ngoái. Tiêu dùng sẽ tăng tích cực, đó là tín hiệu tốt đối với người làm công ăn lương, đặc biệt là đối với công nhân và nông dân.
Tới thời điểm này, phần lớn các DN đã tính toán xong số tiền thưởng Tết. Mới đây nhất, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TP HCM đã công bố thông tin mức thưởng cao nhất năm nay trên địa bàn thành phố là 1,17 tỷ đồng/người thuộc về một DN ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng - bảo hiểm. Lãnh đạo nhiều DN tư nhân cũng khẳng định nỗ lực hết mình để không xảy ra tình trạng “phú quý giật lùi”.
Theo TS Lê Đăng Doanh, tăng trưởng kinh tế năm qua ở mức khá cao nên người nghèo, đối tượng chính sách xã hội sẽ được trợ cấp tốt hơn vào các dịp lễ Tết; thu nhập bình quân của người nông dân nhờ vậy cũng tăng so với trước đây, đời sống của người dân cũng được cải thiện.
Năm nay, người dân đi mua sắm cũng không phải lo tình trạng “cạn tiền” trong máy ATM. Ngay từ trước Tết, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua thẻ phải vừa tăng cường chất lượng dịch vụ, đồng thời đảm bảo tình hình an ninh, an toàn trong hoạt động ATM dịp cuối năm. Theo đó, các tổ chức phải chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể về tiền mặt, tiếp quỹ, nhân sự, bảo trì, bảo dưỡng… nhằm đảm bảo mạng lưới ATM hoạt động hiệu quả, an toàn và thông suốt.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước lưu ý đến việc phải giám sát mức tồn quỹ ATM tại các khu vực tập trung nhiều công nhân, như khu chế xuất, khu công nghiệp bằng việc rà soát, nắm bắt các thời điểm, các địa bàn thường xảy ra quá tải.
Người dân đổ xô đi mua sắm ngày cận Tết.
Đường phố “chật như nêm”
Cũng do người đi sắm sửa dịp Tết, người đón xe về quê mà trong những ngày này, lượng phương tiện, người tham gia giao thông tăng đột biến, khiến tình trạng ùn tắc cục bộ xảy ra trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội, TP HCM.
Hàng ngày, mặc dù không phải giờ cao điểm nhưng các tuyến đường Hà Nội như Giải phóng, Trường Chinh, Tây Sơn, Chùa Bộc, Nguyễn Trãi, Cầu Bươu, Láng, Khâm Thiên, Giải Phóng, Minh Khai, Lê Văn Lương, Tố Hữu và xung quanh các Bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, Nước Ngầm… xảy ra ùn tắc do lượng người đi lại quá đông.
Ghi nhận tại tuyến đường Phạm Văn Đồng, khu vực từ ngã tư Cổ Nhuế đến ngã tư đường Tân Xuân (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) đang thi công đường trên cao nên mặt đường bị thu hẹp, cộng với phương tiện giao thông từ các tỉnh đổ về Hà Nội rất đông làm gia tăng ùn tắc.
Hay như trục đường Xã Đàn - Tây Sơn - Tôn Đức Thắng cũng rơi vào tình trạng kẹt cứng, nhất là vào giờ cao điểm. Tại các tuyến đường Nguyễn Trãi - Mộ Lao - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám đi đường Láng trong những ngày này các phương tiện đi lại luôn “chật như nêm”, lưu thông rất khó khăn. Cụ thể, trên tuyến đường Nguyễn Trãi, dòng xe cộ ken cứng từ đường Nguyễn Khuyến ra tới Ngã Tư Sở.
Để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông dịp Tết Nguyên đán, Công an TP Hà Nội đã quyết định tăng cường 24 tổ cảnh sát cơ động với quân số gần 50 cán bộ, chiến sĩ tham gia phân làn giao thông từ ngày 15/1 đến hết ngày 15/2. Để giải quyết các nút thắt giao thông, trước Tết Nguyên đán, Sở GTVT Hà Nội cũng tiến hành xén dải phân cách giữa đường và vỉa hè để mở rộng 4 tuyến đường nhằm giải quyết ùn tắc giao thông với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Đó là các tuyến đường như Phạm Hùng, đoạn từ nút giao Trần Duy Hưng - Khuất Duy Tiến đến nút giao Mai Dịch; đường Khuất Duy Tiến, đoạn từ nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi đến nút giao Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng; đường Nghiêm Xuân Yên - Nguyễn Xiển, đoạn từ Cầu Dậu đến nút giao Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi; đường vành đai 2 đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở.
Tại TP HCM, những ngày này khu vực trung tâm thành phố cũng có mật độ xe rất cao do người dân có nhu cầu đi lại, mua sắm và là nơi có các chợ hoa Tết. Sở GTVT TP HCM cho biết, đơn vị đã tăng cường lực lượng thanh tra, quản lý, giám sát địa bàn (các khu quản lý giao thông đô thị) phối hợp các quận, huyện giải quyết tình trạng kẹt xe trong những ngày cao điểm trước Tết. Nhân sự theo dõi qua hệ thống 762 camera ở Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn cũng được bổ sung để kịp thời phát hiện các sự cố.
Sở GTVT TP HCM đã yêu cầu các chủ đầu tư tạm ngưng thi công công trình từ 28/1 (23 tháng Chạp) đến 12/2 (8 tháng Giêng), tái lập toàn bộ các đoạn đường và trả lại nguyên trạng. Đối với 69 vị trí được phép thi công dịp Tết Nguyên đán, chủ đầu tư phải thu dọn tối đa kích thước rào chắn chiếm dụng mặt đường, bố trí người điều tiết giao thông qua khu vực.
Ngoài ra, để phục vụ lịch chạy tàu của Ga Sài Gòn, từ ngày 23/1 đến hết ngày 22/2, đường Trần Văn Đang (đoạn từ Hoàng Sa đến Cách Mạng Tháng Tám) cấm ô tô lưu thông từ 16h đến 20h. Lộ trình thay thế: Đường Hoàng Sa - đường Rạch Bùng Binh - đường Cách Mạng Tháng Tám.
* EVN đảm bảo cung cấp điện phục vụ dịp Tết Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, để đảm bảo cung cấp điện phục vụ nhân dân cả nước đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã lập phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia trong dịp Tết Nguyên đán, trong đó phương án đảm bảo huy động các tổ máy phát điện và vận hành hệ thống, đồng thời sẵn sàng các giải pháp ứng phó tình trạng phụ tải thấp hơn ngày thường khoảng 20% đến 30% dẫn tới điện áp tăng cao. Bổ sung thêm lực lượng tuần tra dọc tuyến đường dây; tích cực phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tuyên truyền ngăn ngừa vi phạm hành lang an toàn tuyến đường dây. M.P. * Tết cho người có hoàn cảnh khó khăn Ngày 30/1, Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TP HCM cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán Trung tâm sẽ phối hợp thực hiện nhiều chương trình chăm lo Tết cho người nghèo. Cụ thể, chương trình “Nghĩa tình biên giới 2019” tại Xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước; chương trình tặng quà Tết cho trẻ em nghèo hiếu học và các gia đình khó khăn tại UBND xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TPHCM; chương trình chăm lo Tết cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại cơ sở xã hội tại Trung tâm Bảo trợ Trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, quận Bình Thạnh, TPHCM; chương trình “Xuân yêu thương” dành cho bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Nhi đồng 2, Quận 1, TP HCM. Quốc Định * Tự ý bắn pháo hoa có thể bị phạt tới 10 triệu đồng Theo Bộ Công an, người nào mua pháo hoa về bắn trong đêm Giao thừa Tết Nguyên đán sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi mua, bán pháo trái phép theo quy định tại Nghị định số 167/2013 với mức tiền từ 5-10 triệu đồng. Cụ thể, đối với trường hợp cá nhân mua pháo hoa về bắn trong đêm Giao thừa thì sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi mua, bán pháo trái phép theo quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 167/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình với mức phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng và hành vi sử dụng các loại pháo mà không được phép quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 10 với mức phạt từ 1-2 triệu đồng. PV |