Mừng tuổi đầu năm được xem là nét văn hóa đặc sắc trong Tết Nguyên đán. Mặc dù cách đón Tết xưa và nay đã có ít nhiều thay đổi, nhưng tục lệ lì xì như lời chúc may mắn và hạnh phúc đầu năm thì vẫn được lưu giữ theo thời gian.
Nguồn gốc của phong tục lì xì
Có lẽ, điều mong đợi nhất của mọi người, đặc biệt là các em nhỏ trong những ngày đầu xuân năm mới là những bao lì xì đỏ may mắn. Dù là Tết nay hay Tết xưa, tục lệ này vẫn luôn được gìn giữ và thực sự trở thành một nét đẹp trong văn hóa của người Việt.
Tục lệ lì xì hay mừng tuổi đầu năm mới của người Việt Nam đã có từ thời xa xưa, được du nhập từ Trung Quốc. Tương truyền rằng, cứ vào đêm giao thừa sẽ có một con yêu quái xuất hiện, thích xoa đầu những đứa trẻ đang ngủ ngon giấc, làm chúng bị sốt cao hoặc trở nên ngớ ngẩn. Vì thế, cha mẹ phải thức cả đêm để canh không cho yêu quái làm hại con mình.
Một lần, 8 vị tiên đi ngang, thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm cạnh mấy đứa trẻ. Cha mẹ chúng đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Không ngờ, khi con yêu quái đến, những đồng tiền lóe lên khiến nó sợ hãi bỏ chạy.
Câu chuyện nhanh chóng lan truyền khắp nhân gian. Từ đó, mỗi lần Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những phong bao màu đỏ tặng trẻ con, để trẻ chóng lớn và khỏe mạnh. Hành động đó chính là lì xì, hay còn gọi là mừng tuổi đầu năm mới.
Phong bao lì xì mang nhiều ý nghĩa sâu xa và tốt đẹp. Phong bao tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua, để tránh dẫn đến những xích mích không đáng có. Màu đỏ của bao lì xì là màu của sự như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm; màu của niềm hy vọng và sự may mắn. Người được nhận lì xì luôn tin rằng, những phong bao lì xì này sẽ đem lại hạnh phúc và tài lộc trong suốt cả năm.
Số tiền trong mỗi bao lì xì dù ít hay nhiều đều được coi là món quà tinh thần trong dịp đầu năm mới, biểu trưng cho một năm mới tốt đẹp và sung túc. Ý nghĩa của mỗi chiếc bao lì xì không nằm ở số lượng mà chính là ở những thông điệp mà nó muốn gửi gắm tới người được nhận.
Lì xì xưa và nay
Trước đây, mừng tuổi đầu năm chỉ đơn giản là những tờ tiền màu đỏ hay những đồng xu được đưa trực tiếp cho người nhận. Lì xì đầu năm mang ý nghĩa lấy may, kèm theo lời chúc làm ăn phát đạt, tấn tới, học hành giỏi giang, ngoan ngoãn. Còn con cháu biếu ông bà, cha mẹ là để chúc sức khỏe và trường thọ.
Sau này, những phong bao lì xì màu đỏ, chữ vàng đã trở thành “huyền thoại”. Phong bao màu đỏ thắm, xinh xắn chính là biểu tượng của lời chúc may mắn và hạnh phúc đầu năm. Với người Châu Á, màu đỏ là một trong những màu cát tường nhất trong những lễ hội. Nhiều người cho rằng, người cho đi hay nhận được càng nhiều bao lì xì thì càng phát tài, phát lộc.
Lì xì ngày xưa chỉ đơn thuần là cầu chúc may mắn, phát tài. Còn ngày nay, lì xì đôi khi còn mang tính chất ngoại giao. Không chỉ là những phong bao lì xì đỏ may mắn mà kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc và cả mệnh giá lì xì cũng phong phú hơn rất nhiều.
Với sự phát triển của kinh tế hiện nay, người ta không còn sử dụng tiền xu, tiền hào và cũng ít sử dụng tiền lẻ để mừng tuổi. Thay vào đó là những đồng bạc xanh, đồng bạc đỏ, thậm chí là những đồng đô la mệnh giá cao.
Có khi người trong gia đình mừng tuổi nhau thì ít nhưng mừng tuổi sếp, người thân của sếp thì nhiều. Đáng buồn hơn, suy nghĩ thực dụng của người lớn đã thấm sang con trẻ. Chúng bắt đầu có sự so bì, người này mừng tuổi ít, người kia mừng tuổi nhiều.
Tết đến, trẻ nhỏ không còn ngây thơ đem những đồng tiền mừng tuổi để nuôi heo đất, mà chúng đã chuẩn bị sẵn tâm lý “thu hoạch”, “kiếm chác” vào dịp tết. Chúng học cha mẹ, đánh giá con người tỉ lệ thuận với số tiền mà họ mừng tuổi. Theo chúng, người mừng tuổi nhiều chắc chắn là người “sống đẹp”, đáng quý; người mừng tuổi ít là người keo kiệt, đáng khinh.
Để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, các bậc phụ huynh nên dạy trẻ biết trân quý ý nghĩa thực của phong tục này, chứ không phải giá trị vật chất trong những bao lì xì.
Cách đón tết xưa và tết nay của người Việt đã có ít nhiều thay đổi, nhưng lì xì vẫn luôn là thứ được mong chờ nhất với trẻ nhỏ và là một nét văn hoá ý nghĩa không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến xuân về.