Cùng với khèn và đàn môi, kèn lá được coi là “linh hồn” trong đời sống tinh thần của người Mông. Âm thanh của kèn lá được dùng để bày tỏ nỗi lòng, tình cảm của con người đối với thiên nhiên, với con người và tình yêu đôi lứa.
Kèn lá là loại nhạc cụ dễ tìm nhất, không mất thời gian chế tác. Người thổi kèn lá thường chọn loại lá hơi mềm, tương đối dai, mép lá trơn. Có nhiều cách thổi kèn lá nhưng thường sử dụng theo hai cách. Một là ngậm ngang chiếc lá ở giữa hai môi, dùng môi để giữ và kết hợp giữa việc sử dụng lưỡi và hơi đẩy ra qua kẽ hở của môi. Hai là dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái ở hai bàn tay để giữ hai đầu của lá sau khi đã ngậm ở môi, dùng lưỡi kết hợp với môi đẩy hơi tạo ra âm thanh. Khi thổi, lá dùng làm kèn được gập đôi lại ở phần mép lá mỏng hơn và ngậm vào môi, dùng hơi điều chỉnh âm thanh cao thấp, trầm bổng theo âm điệu của bài hát.
Điều đặc biệt là kèn lá không tạo được âm điệu trầm, thấp, âm thanh của nó bao giờ cũng lảnh lót và cao vút. Vì vậy, kèn lá được ví như tiếng chim hót của núi rừng đại ngàn và thường được sử dụng trong những dịp như cưới hỏi, các lễ hội. Đặc biệt, trong những ngày Tết, tiếng kèn lá lảnh lót vút lên khi là điệu nhạc, khi lại giống tiếng chim hót khiến cho không gian như tràn ngập niềm vui.
Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Mông, kèn lá có thể thay cho lời gọi nhau mà không cần dùng đến tiếng nói. Người thổi kèn lá để ngầm hỏi xem có ai ở bên đồi gần đó không, vì nếu có thì người ở bên quả đồi gần đó cũng sẽ tìm một chiếc lá để thổi trả lời. Thay cho những lời hẹn hò, các chàng trai, cô gái cũng có thể dùng kèn lá để cùng tâm tình, trò truyện trong những đêm hẹn hò. Vì thế, họ gửi gắm biết bao tâm tư, tình cảm đến người mình yêu mến qua tiếng kèn và rồi đáp lại tiếng kèn yêu thương ấy.
Chỉ với một chiếc lá nhưng bằng sự khéo léo của người thổi, tiếng kèn thể hiện tài năng của người thổi kèn. Người Mông thổi kèn lá bất kỳ nơi đâu và bất kỳ thời điểm nào, trong lúc đợi nhau xuống chợ, trong các buổi giao lưu, gặp gỡ. Tiếng kèn lá còn là nét văn hóa trữ tình độc đáo trên những vùng đất rẻo cao với giờ giải lao khi người Mông lên nương lao động sản xuất hay những đêm dưới ánh trăng.
Ngày nay, dù có nhiều nét văn hóa mới mẻ khác, thế nhưng đồng bào dân tộc Mông ở Cao Bằng vẫn lưu giữ, bảo tồn và phát huy nhạc cụ kèn lá như một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Họ luôn tự hào giới thiệu tới bạn bè gần xa về nghệ thuật thổi kèn lá tại các hội xuân, chương trình giao lưu văn nghệ… Tiếng kèn lá chính là phương tiện để người Mông bày tỏ nỗi lòng trước thiên nhiên, con người, cuộc sống và từ lâu trở thành nét đẹp trong văn hóa của cộng đồng dân tộc Mông.