Chuyển đổi du lịch xanh hiện được xem là một trong những nội dung quan trọng của phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp ngành du lịch cho biết, bài toán về chi phí cho chuyển đổi xanh vẫn là điểm nghẽn lớn.
Phải xanh hóa để hút khách
Tại diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững 2024 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Cục Du lịch quốc gia tổ chức mới đây, TS Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định, trong số những lĩnh vực như y tế, năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải… du lịch nên là ngành kinh tế thực hiện sớm chuyển đổi xanh.
Theo ông Thành, du lịch là ngành trực tiếp phục vụ con người, là dịch vụ cao nhất, tinh hoa trong các dịch vụ phục vụ cho con người, do vậy đòi hỏi “xanh” về trách nhiệm, cũng như phải “xanh” trong tương tác. Và không chỉ mang tới trải nghiệm cá nhân cao, du lịch xanh còn là câu chuyện của cạnh tranh quốc gia, hình ảnh quốc gia.
Còn ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nêu quan điểm, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Mọi sự thay đổi của xã hội, của tự nhiên đều tác động đến du lịch và ngược lại. Bên cạnh đó, chính du lịch cũng góp phần tác động lại mức độ bền vững của cảnh quan thiên nhiên môi trường xã hội. Do vậy, việc chuyển đổi xanh trong du lịch và nền kinh tế có sự tương tác qua lại chặt chẽ. Nếu không thực hiện du lịch xanh, chúng ta sẽ lạc hậu.
Ông Bình cho biết, đặt chân tới Việt Nam, nhiều du khách quốc tế đã hỏi ngay chỗ nào là xanh và yêu cầu tới điểm đến xanh. Bây giờ đi du lịch thì an toàn là yếu tố quan trọng số 1 chứ không chỉ có nhu cầu hưởng thụ và cái đẹp.
Trong khi đó, ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện UNDP (Chương trình phát triển của Liên hợp quốc) tại Việt Nam chia sẻ, du lịch Việt Nam đạt được những thành công này phần lớn là nhờ vào việc sở hữu những vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Trong bối cảnh ngành du lịch thế giới tăng cường xu hướng trải nghiệm gắn bó, gần gũi với thiên nhiên, văn hóa bản địa thì yêu cầu về một ngành du lịch xanh là yếu tố tiên quyết để hút khách du lịch quốc tế.
Ông Patrick nhấn mạnh chuyển đổi xanh để phát triển bền vững là điều tất yếu. Chuyển đổi xanh trong du lịch sẽ giúp bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao đời sống cho những cộng đồng phụ thuộc vào du lịch và góp phần tăng trưởng kinh tế. Du lịch xanh Việt Nam cần tập trung vào 4 vấn đề: Quy hoạch xanh; Quản lý điểm đến hiệu quả; Du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp; Du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.
Nhận diện những thách thức
Theo TS Võ Trí Thành, lộ trình chuyển đổi xanh của ngành du lịch đang được triển khai chậm hơn nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác.
Ở góc độ kinh doanh, bà Đoàn Ngọc Bích, đến từ Công ty Xuất nhập khẩu cafe Tám Trình ở Lâm Đồng, có khu du lịch dịch vụ trải nghiệm cafe tại Lâm Hà cho biết, bản thân và doanh nghiệp (DN) chưa biết phải làm như thế nào để chuyển đổi sang mô hình xanh, do vướng ở nhiều khâu. “Bài toán phát triển bền vững cần thời gian dài, vậy DN lấy chi phí ở đâu để cả DN lớn, nhỏ có thể chuyển đổi mô hình sang xanh, rồi được công nhận là khu du lịch xanh?”- bà Bích băn khoăn.
Còn CEO Nguyễn Thanh Nam đến từ Vietsolutions, nhà cung cấp giải pháp khách sạn toàn diện, nêu ý kiến: Trở ngại lớn nhất của chuyển đổi xanh là chi phí, đặc biệt trong giai đoạn du lịch Việt Nam đang nỗ lực phục hồi hậu Covid -19. Vị này đưa ra phép tính: Trong chuyển đổi không rác thải nhựa, thì có việc khách sạn không dùng chai mỹ phẩm dung tích nhỏ do mỗi phòng sẽ có khoảng 4 chai mỹ phẩm/ngày. Như vậy, tính trung bình 1 khách sạn khoảng 100 phòng sẽ thải ra 400 chai/ngày. Nhưng bài toán đặt ra là từ chai nhỏ sang chai lớn thì phải mua chai lớn kèm giá treo gắn lên tường. Vậy chi phí mỗi phòng khoảng 1 triệu đồng/phòng, chi phí cho 100 phòng là 100 triệu đồng. Vậy DN kinh doanh khách sạn làm thế nào để có chi phí chuyển đổi không rác thải nhựa? Ông Nam bày tỏ mong muốn ở góc độ cơ quan quản lý du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ có chương trình, cách thức để giúp DN gỡ khó khăn về thu xếp tài chính.
Theo đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, với sự ủng hộ và hỗ trợ của UNDP, Hiệp hội đã xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí “Công nhận DN du lịch không rác thải nhựa” dành cho cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, điểm đến du lịch, lữ hành. Đây là tiêu chí để chấm điểm và xếp hạng các DN không sử dụng rác thải nhựa. Tuy rằng nó chỉ là một phần của xanh nhưng nó là chỉ số đo đếm được.
Ngoài Bộ tiêu chí Công nhận DN du lịch không rác thải nhựa, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng hoàn thành xây dựng ứng dụng không rác thải nhựa là công cụ để quản lý rác thải nhựa du lịch. Sau giai đoạn xây dựng tiêu chí và ứng dụng, từ tháng 6 năm nay, Hiệp hội bắt đầu giai đoạn triển khai ban hành Bộ tiêu chí và áp dụng cho toàn bộ DN của Hiệp hội, tổ chức đánh giá và xếp hạng các điểm đến, DN.