Khi CPTPP và EVFTA có hiệu lực, cơ hội đối với ngành dệt may Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, để được hưởng những lợi ích từ các FTA này, các DN ngành dệt may sẽ phải vượt không ít rào cản, đơn cử như rào cản về nguyên tắc xuất xứ trong CPTPP. Nhận định này được đưa ra tại Hội nghị Hội thảo “Hiệp định CPTPP, EVFTA - Những tác động đối với ngành dệt may Việt Nam” do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tổ chức sáng 18/7.
Nhiều thách thức đang đặt ra với ngành dệt may.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang trong giai đoạn ký kết, chuẩn bị ký kết và đàm phán. Có thể khẳng định, dệt may là lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất từ các FTA này. Trong các nước khu vực CPTPP, thị phần dệt may Việt Nam còn rất nhỏ. Riêng với Mexico và Canada, Việt Nam chưa từng có FTA. Đây là 2 thị trường lớn ở khu vực Bắc Mỹ và cũng được đánh giá là rất tiềm năng cho ngành dệt may nước nhà.
Mặc dù có nhiều cơ hội ở phía trước, song theo ông Hải, khó khăn về quy tắc xuất xứ vẫn đang là “rào cản” lâu nay của các DN Việt Nam. Ngoài ra, theo đánh giá của Bộ Công thương, thời gian tới, ngành dệt may cũng được dự báo sẽ phải đối diện với hàng loạt khó khăn như: Chi phí đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng như lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, chi phí điện, nước; tình hình nguyên phụ liệu biến động khi giá bông có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu bông tăng cao tại Pakistan, Bangladesh và Việt Nam...
Đặc biệt, xung đột thương mại Mỹ - Trung cũng có những tác động không nhỏ đến sự phát triển của ngành này. Dù chiến tranh giữa hai nền kinh tế đang khiến Mỹ tăng thuế nhập khẩu với hàng dệt may Trung Quốc, tạo cơ hội tốt cho các DN Việt Nam tăng thị phần sang Hoa Kỳ, song thực tế, nguy cơ chúng ta phải nhập siêu các loại nguyên liệu từ Trung Quốc cũng rất lớn.
Bởi, khi Mỹ áp thuế cao lên các sản phẩm của Trung Quốc, nguy cơ hàng Trung Quốc quay đầu tìm thị trường khác để “đổ bộ” là hoàn toàn có thể. Trong khi từ trước đến nay, thị trường Việt Nam vẫn luôn là điểm nóng nhập khẩu hàng Trung Quốc thì đây tiếp tục là cơ hội để hàng hóa Trung Quốc thâm nhập vào Việt Nam, đẩy nguy cơ nhập siêu từ nước này lên cao.
Để có thể vượt qua những rào cản này, giới chuyên gia cho rằng, các DN Việt Nam cần thay đổi phương thức sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là con đường buộc phải đi của tất cả các ngành kinh tế trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ hiện nay, không riêng gì ngành dệt may.
Một yếu tố rất quan trọng đó là các DN phải chuyển dịch sản xuất, phải làm từ thiết kế, nguyên liệu trong nước thì mới lấy được lợi ích hiệu quả của các FTA này.
Đồng thời, phải xây dựng chuỗi liên kết hợp tác và triển khai hiệu quả các dự án, đầu tư bài bản. Bên cạnh đó, DN phải chú trọng đầu tư công nghệ và phải có chiến lược để có thể đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn của thời đại kinh tế số.
Tại Hội thảo, nêu lên những cơ hội cũng như thách thức đối với ngành dệt may trước các FTA, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công thương) cho rằng, để đón cơ hội và vượt qua những thách thức đó, DN dệt may chủ động hơn nữa trong nắm bắt thời cơ, thuận lợi từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu, đồng thời để ứng phó với những diễn biến bất thường của thị trường, trước hết là xu hướng bảo hộ. Yếu tố điển hình mà ông Hải lưu ý các DN phải đáp ứng được chính là vấn đề quy tắc xuất xứ.
“Chính phủ đã nỗ lực đàm phán các FTA song lợi ích lại là của DN. Nếu DN không nỗ lực và chủ động tận dụng được các lợi ích đó thì các FTA sẽ trở nên vô nghĩa”- ông Hải nói.