Kinh tế

Thách thức từ các FTA

Khanh Lê 16/07/2024 09:20

Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa, song cũng đặt ra những thách thức buộc các doanh nghiệp phải thích ứng nếu muốn giữ vững thị trường.

anhtren(1).jpg
Doanh nghiệp cần chủ động thích ứng với những quy chuẩn, yêu cầu mới nếu muốn vững chân tại thị trường xuất khẩu. Ảnh: Quang Vinh.

Chịu nhiều bất lợi khi xuất khẩu

Thực tế cho thấy, các hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu tận dụng được ưu đãi thuế quan; thúc đẩy mạnh mẽ việc thu hút dòng vốn đầu tư, xây dựng chuỗi cung ứng và xa hơn là tạo động lực cho sự cải cách, đổi mới trong chính DN. Tuy vậy, các FTA cũng đặt ra nhiều áp lực đòi hỏi DN phải có chiến lược, phương án thay đổi quy trình sản xuất, nhập nguyên liệu, "xanh hóa" nhanh chóng để hoạt động giao thương không bị ngưng trệ; đồng thời tìm kiếm được nhiều cơ hội mới trên các thị trường mới.

Theo luật sư Châu Việt Bắc – Phó tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), trong các vụ tranh chấp thương mại nhiều DN Việt Nam đang chịu những bất lợi vì các sơ xuất ngay từ khâu đàm phán và giao kết hợp đồng.

Ở góc độ DN, ông Vũ Quang Huy - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần TEKCOM chia sẻ, hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ đang có tín hiệu tích cực khi nhu cầu thị trường phục hồi. Tuy nhiên, DN vẫn đang đối mặt những thách thức về tiêu chí bền vững mà các thị trường xuất nhập khẩu đặt ra như: Quy định chống phá rừng của EU, các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành gỗ của Mỹ, mục tiêu Net-zero. Ngoài ra, một số quốc gia nhập khẩu đưa ra rào cản phi thuế quan để hạn chế hàng hoá nhập khẩu. Thêm vào đó, một số rủi ro bẫy ngoại thương về lừa đảo thương mại, hợp đồng không rõ ràng, rủi ro về thanh toán và vận chuyển, rủi ro pháp lý và tuân thủ... cũng chực chờ.

“Để phòng ngừa rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, DN cần thẩm định kỹ lưỡng đối tác, soạn thảo hợp đồng rõ ràng và chi tiết, có phương thức thanh toán an toàn, bảo hiểm hàng hóa, theo dõi và cập nhật thông tin thị trường một cách thường xuyên” - ông Huy khuyến nghị.

Ứng phó với bẫy ngoại thương

Qua kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ cho DN trong và ngoài nước về pháp lý, luật sư Bùi Văn Thành - Trọng tài viên VIAC cho biết, biểu đồ xuất nhập khẩu thường không ổn định do đây là ngành nghề dễ chịu tác động bởi biến động thị trường. Chính vì vậy, để giao dịch được hiệu quả, DN phải rất “nhạy cảm” với những thay đổi mới, những tình huống mới có thể phát sinh, đặc biệt liên quan đến pháp lý.

Ông Thành cũng cho rằng, DN cần hiểu rõ tính chất, đặc điểm của hợp đồng ngoại thương, hợp đồng được điều chỉnh bởi văn bản quy phạm pháp luật nào, có tiềm ẩn rủi ro về chính trị, văn hóa hay không. Bên cạnh đó, DN cần tiến hành rà soát, đánh giá về năng lực chủ thể giao kết, điều kiện giao dịch, quy định pháp luật của nước sở tại để chủ động ứng phó với những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Đối với hoạt động giải quyết tranh chấp, các yếu tố quan trọng khi quản lý tranh chấp trong giao dịch ngoại thương chính là luật áp dụng và cơ quan giải quyết tranh chấp. Để không chịu thiệt thòi khi phát sinh tranh chấp, DN cần hết sức cẩn trọng khi soạn thảo các điều khoản quy định những nội dung trên.

Liên quan đến việc tận dụng các cam kết, hiệp định liên quan đến xuất nhập khẩu nhằm thuận lợi hóa giao dịch giữa DN Việt với đối tác quốc tế, ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh TPHCM cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, các FTA cùng lúc cũng đặt ra nhiều áp lực cho DN, buộc DN phải nhanh chóng thay đổi, bắt kịp các tiêu chuẩn mới nếu muốn trụ vững. Theo ông Nam, các thị trường lớn sẽ tăng cường siết chặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn về hàng hóa, đòi hỏi DN phải có chiến lược, phương án thay đổi quy trình sản xuất, nhập nguyên liệu, “xanh hóa” nhanh chóng để hoạt động giao thương không bị ngưng trệ, đồng thời tìm kiếm được nhiều cơ hội tại các thị trường mới.

Bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) cho rằng, đứng trước xu hướng phát triển chung của toàn cầu, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách để chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, quá trình này cũng cần gắn liền với sự tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật, tuân thủ tiêu chuẩn được đặt ra từ các thị trường mà doanh nghiệp tiến hành xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thách thức từ các FTA