Sau 10 phút thái hành chuẩn bị cho bữa tối, nam thanh niên bắt đầu có dấu hiệu sưng nề mặt, hai mắt không thể mở, tức ngực, khó thở, tình trạng ngày càng nghiêm trọng.
Ngày 22/4, bác sĩ Sùng Đức Long, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết, ngày 5/4 tiếp nhận nam bệnh nhân 25 tuổi, trú tại Phú Thọ, bị sốc phản vệ nặng sau khi thái một củ hành.
Người nhà bệnh nhân cho hay, sau 10 phút thái hành chuẩn bị cho bữa tối, người này bắt đầu có dấu hiệu sưng nề mặt, hai mắt không thể mở, tức ngực, khó thở, tình trạng ngày càng nghiêm trọng.
Các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng và lập tức cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ. Sau khi tiêm Adrenaline đường bắp (thuốc chống sốc phản vệ), nam thanh niên có dấu hiệu giảm khó thở, nhưng mặt, hai mắt vẫn sưng nề.
Khoảng 20 phút sau, bệnh nhân dần ổn định và chuyển điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu. Sau 2 tuần, sức khoẻ nam thanh niên bình thường, và đã xuất viện.
Để phòng sốc phản vệ, trước khi đang tiêm một thuốc nào đó, nếu bạn cảm thấy bất thường như bồn chồn, hốt hoảng, tê lưỡi, ngứa da... hãy nói ngay với bác sĩ để ngừng tiêm và kịp thời xử trí phản vệ.
Khi ăn đồ ăn lạ, nên thử một lượng nhỏ và theo dõi phản ứng của cơ thể. Chờ sau 24 giờ mới nên ăn lại nếu không thấy hiện tượng gì bất thường
Nếu bạn có dị ứng với côn trùng đốt, phải cẩn thận khi gần chúng. Mặc quần dài và áo dài tay, không đi chân trần lên cỏ, tránh các màu sáng, không dùng nước hoa, không mở soda bên ngoài nhà. Bình tĩnh khi gần loại côn trùng đó.
Nếu bạn dị ứng với thức ăn hãy đọc cẩn thận nhãn. Quá trình chế biến có thể thay đổi, bạn cần kiểm tra định kỳ nhãn hiệu các thứ mà bạn thường ăn. Khi bạn đi ăn ở tiệm, tìm hiểu cách chế biến và các thành phần có trong món ăn. Một tí thức ăn mà bạn dị ứng có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng.
Bác sĩ Sùng Đức Long cho biết, sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.
Khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm... người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời", bác sĩ Long khuyến cáo.
Theo Infonet, một bác sĩ tại BV Đa khoa Xanh Pôn cho biết, trường hợp thái củ hành cũng có thể xảy ra phản ứng sốc phản vệ nhưng rất hiếm. Từ trước tới nay các trường hợp xảy ra sốc phản vệ chủ yếu xảy ra ở những thực phẩm chứa nhiều protein như hải sản, nhộng, trứng kiến, thịt, lạc… Còn sốc phản vệ ở thực vật ít hơn.
Tuy nhiên, cơ địa dị ứng thì vẫn có thể xảy ra sốc phản vệ ví dụ có những người dị ứng với thành phần củ hành tây thì khi thái củ hành cũng có thể dị ứng mẩn đỏ, nặng thì sốc phản vệ.
Có rất nhiều trường hợp sốc phản vệ do dị ứng phấn hoa nếu gặp các loại hoa như hoa ly, hoa sữa.
Tình trạng sốc phản vệ thường bắt đầu từ những vấn đề liên quan đến hệ thống miễn dịch. Cơ thể sẽ tạo ra một loại protein, có tên là immunoglobulin E hoặc IgE để chống lại các chất gây dị ứng.
Tuy nhiên, việc phản ứng quá mức của hệ miễn dịch đối với những chất vô hại, chẳng hạn như một số thực phẩm nhất định sẽ gây ra các chuỗi phản ứng hóa học và kích hoạt hiện tượng dị ứng xảy ra.
Một số khuyến cáo khi sử dụng hành tây:
Bên cạnh những lợi ích của hành tây đối với sức khỏe, nếu ăn không đúng cách hoặc với một số người có bệnh 'đại kỵ' với hành tây, ăn loại củ này có thể khiến bệnh trầm trọng hơn hoặc gây hại cho cơ thể.
Lợi ích của hành tây đối với sức khỏe
Chữa viêm họng: Từ lâu, hành tây được coi là vị thuốc dân gian dùng để trị ho rất hiệu quả. Đặc biệt là ở các nước phương Tây, do nhiệt độ thấp, nhiều người dễ bị viêm họng, sưng họng dẫn đến ho. Khi bị ho, có thể dùng hành tây thái lát mỏng, ướp với 1 thìa cà phê đường trong vòng 30-60 phút. Sau đó lấy hỗn hợp này xay hoặt giã lấy nước cốt, uống 2-3 lần/ngày, mỗi lần 1 thìa cà phê. Cách này sẽ giúp người bệnh đánh bật cơn ho nhanh chóng.
Giảm cảm: Hành tây cắt nhỏ cho vào nấu chín, uống lúc còn nóng, hoặc cho vào cháo ăn nóng, giúp mồ hôi và giải nhiệt nhanh. Ngoài ra, khi bị cảm lạnh, cắt vài lát hành tây bỏ vào trà rồi uống khi còn nóng sẽ nhanh khỏi bệnh hơn.
Tăng cường hệ miễn dịch: Vì có chứa phytochemical nên hành tây có khả năng kích thích tăng cường vitamin C trong cơ thể. Nhờ đó mà hệ thống miễn dịch của bạn sẽ được tăng cường và có khả năng chống lại các độc tố gây bệnh. Bên cạnh đó, hành tây còn chứa nhiều chất dinh dưỡng khác như kẽm, vitamin C, quercetin, flavonoid. Đây là những chất rất tốt cho cơ thể, giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh và là chất chống oxy hóa tuyệt vời, giúp cơ thể chống lại virus gây bệnh.
Các bệnh hen suyễn: Đối với những bệnh nhân hen suyễn và viêm phế quản mạn, công dụng của hành tây là không hề nhỏ. Thành phần của nó chứa các chất chống viêm và ức chế Histamin – một chất hóa học chính gây bệnh hen, có tác dụng tốt trên bệnh nhân hen, giảm một nửa nguy cơ tái phát của các cơn hen.
Những thực phẩm kỵ hành tây
Rong biển: Hành tây khá dồi dào Axit oxalic, khi ăn hoặc nấu chung với rong biển chứa nhiều Canxi, I-ốt sẽ tạo thành Canxi-Oxalate, tăng nguy cơ hình thành sỏi trong thận. Nên đừng nấu hành tây với rong biển.
Cá: Cá chứa nhiều dưỡng chất, rất giàu protein, cực tốt cho sức khỏe nhưng khi kết hợp với hành tây, chất có trong hành tây làm cho protein của cá bị kết tủa, lắng đọng ở dạ dày, không những làm giảm lượng Protein, dưỡng chất trong cả 2 loại thực phẩm mà còn gây ra hiện tượng khó tiêu, đầy bụng.
Mật ong: Người nội trợ khi nấu ăn hoặc làm đồ uống dinh dưỡng với hành tây, tuyệt đối không cho thêm mật ong vào món ăn, đồ uống. Bởi sự kết hợp tưởng chừng vô hại này có thể tạo ra chất gây tổn thương cho vùng mắt, nếu ăn lượng lớn, người dùng có thể bị mù. Cho nên, để bảo vệ mắt, khi chế biến món ăn, món nào đã dùng mật ong thì không dùng thêm hành tây và ngược lại.
Tôm: Kết hợp tôm với hành tây sẽ tạo ra Canxi-Oxalate, chất này tích tụ lâu dài sẽ gây bệnh sỏi thận. Do đó, khi nấu ăn, bạn nên chú ý không nấu chung tôm với hành tây.
Một số trường hợp nên hạn chế ăn hành tây
Người đau mắt đỏ: Theo đông y, đau mắt đỏ do can phong nhiệt. Vì vậy người bệnh nên kiêng các gia vị cay, nóng như hành tây. Loại gia vị này sẽ gây cảm giác nóng cho mắt hoặc tình trạng đỏ hơn.
Phụ nữ mang thai bị xung huyết: Phụ nữ mang thai bị ngứa da hoặc xung huyết, bị bệnh liên quan đến mắt không nên ăn hành tây. Ngoài ra, cũng không nên ăn quá nhiều để tránh bị đầy hơi và trung tiện nhiều. Một số người dị ứng với hành có thể xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, khó thở, chảy nước mũi, phát ban, tiêu chảy, shock phản vệ (trong trường hợp nặng)…
Phát hiện nhanh, xử trí đúng và cách dự phòng khi gặp sốc phản vệ
Theo các chuyên gia y tế, phản vệ (anaphylaxis) là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa tính mạng. Nó có thể xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút tiếp xúc với chất (dị nguyên) mà bạn bị dị ứng, ví dụ như: củ lạc, nọc độc khi bị ong đốt.
Một loạt các chất hóa học trung gian được giải phóng bởi hệ thống miễn dịch trong phản vệ có thể đẩy bạn vào tình trạng sốc gọi là sốc phản vệ (anaphylactic shock): tụt huyết áp, co thắt khí-phế quản, khó thở. Các dấu hiệu và triệu chứng của phản vệ bao gồm: mạch nhanh và yếu, ban đỏ trên da, và buồn nôn và nôn. Nguyên nhân thường gặp của phản vệ bao gồm: một số loại thực phẩm, một số loại thuốc, nọc độc của côn trùng, và cao su.
Người bị phản vệ cần được đưa tới khoa cấp cứu gần nhất ngay lập tức và cần được tiêm epinephrine (adrenaline). Nếu phản vệ không được điều trị ngay thì có thể dẫn tới hôn mê hoặc thậm chí tử vong.
Các nguyên nhân gây phản vệ thường gặp bao gồm:
- Một số loại thuốc, đặc biệt là penicillin...
- Thực phẩm, chẳng hạn như: củ lạc, các loại hạt (quả óc chó, trái hồ đào, hạnh nhân, hạt điều), lúa mì (ở trẻ em), động vật có vỏ cứng (sò, ốc), sữa và trứng...
- Côn trùng đốt: ong (ong vàng, ong bắp cày, ong vò vẽ lớn) và kiến lửa...
Triệu chứng
Triệu chứng của phản vệ thường xuất hiện trong vòng vài phút tiếp xúc với dị nguyên. Tuy nhiên, đôi khi phản vệ có thể xảy ra 30 phút hoặc lâu hơn sau khi tiếp xúc. Triệu chứng của phản vệ bao gồm:
- Phản ứng da: da nổi mề đay ngứa, và da đỏ rực hoặc tái nhợt (gần như luôn luôn biểu hiện với phản vệ)
- Cảm giác ấm/bốc hỏa
- Cảm giác nghẹn cổ họng
- Co thắt đường thở và lưỡi hoặc họng sưng nề có thể gây thở khò khè và khó thở
- Mạch nhanh và yếu
- Buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
Khi nào thì đi khám bác sĩ
Gọi cấp cứu ngay lập tức (gọi bác sĩ hoặc gọi số điện thoại cấp cứu 115) nếu bạn, con bạn hoặc một ai đó mà bạn ở bên cạnh… có phản ứng dị ứng nặng.
Nếu người đang bị phản vệ có mang theo dụng cụ tiêm epinephrine tự động (epinephrine autoinjector), ví dụ như EpiPen hoặc EpiPen Jr, thì bạn hãy tiêm ngay lập tức cho họ. Ngay cả khi các triệu chứng phản vệ đã được cải thiện sau khi tiêm epinephrine cấp cứu, bạn vẫn cần đưa ngay họ tới khoa cấp cứu gần nhất để theo dõi, điều trị và đảm bảo rằng các triệu chứng phản vệ không xuất hiện trở lại.
Hẹn khám bác sĩ nếu bạn hoặc con bạn đã từng có phản ứng dị ứng nặng hoặc bất cứ dấu hiệu và triệu chứng nào của phản vệ trước đây.
Việc chẩn đoán và quản lý lâu dài phản vệ rất phức tạp, vì vậy bạn có thể sẽ cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa về miễn dịch và dị ứng.