Tinh hoa Việt

Thái Duy, một cuộc đời dâng hiến

TRẦN KIM HOA 29/04/2024 10:56

Nhà báo Thái Duy (tức nhà văn Trần Đình Vân) - nguyên phóng viên báo Cứu Quốc - Giải Phóng - Đại Đoàn Kết, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, tác giả của “Sống như Anh”, “Khoán chui hay là chết?”… đã qua đời ngày 14/4/2024, thọ 99 tuổi. Tinh hoa Việt xin giới thiệu bài viết về nhà báo Thái Duy của nhà thơ - nhà báo Trần Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

thai-duy-4.jpg
Nhà báo Thái Duy (1926-2024). Ảnh: Quang Vinh.

Sinh tại Bắc Giang năm 1926, nhà báo Thái Duy, tên khai sinh Trần Duy Tấn, bút danh khi cầm bút làm báo là Thái Duy, khi viết văn là Trần Đình Vân.

Ông bén duyên nghề báo từ cuối thập niên 40 của thế kỷ trước, từ đó gắn bó với các tờ báo của Mặt trận như báo Cứu Quốc, báo Giải Phóng và sau này là báo Đại Đoàn Kết cho đến khi giã từ nhân gian vào ngày 14/4/2024, thọ 99 tuổi.

Những năm 2015 - 2017, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị hoàn thiện các thủ tục tiến tới thành lập, các công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật báo chí tiến hành rầm rộ trên địa bàn cả nước.

Khi gặp các nhà báo thế hệ chống Mỹ phía Nam, chúng tôi luôn được các cô, các bác nhắc đến nhà báo lão thành Thái Duy, tác giả “Sống như Anh” và sau này là “Khoán chui hay là chết” với một tình cảm yêu quý và hết sức trân trọng.

Đặc biệt, chúng tôi cảm nhận được sự hiện diện của một thế hệ làm báo trường kỳ từ chống Pháp đến chống Mỹ, lúc đó hầu hết đã ở tuổi trên dưới 90 như Thái Duy, Hà Đăng, Nguyễn Khắc Tiếp, Phạm Phú Bằng, Võ Thế Ái, Phan Quang, Trần Kiên, Lý Thị Trung… không chỉ dành trọn đời mình cho cách mạng mà còn tiếp tục là tấm gương sáng về nhân cách và tài năng cho lớp lớp người cầm bút hôm nay soi mình học tập.

Tại diễn đàn sự kiện “Gặp gỡ một số nhà báo tuổi 90” do Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức ngay trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2017, bằng giọng sang sảng, nhà báo Thái Duy đã khiến Ban Tổ chức và công chúng bất ngờ bởi niềm đam mê báo chí và những mối bận tâm thời cuộc gắn với nghề viết, gắn với xã hội. Ông nhắc tới loạt bài đăng nhiều kỳ trên báo Cứu Quốc về vụ án Trần Dụ Châu, ông nói về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực mà nhà báo không thể đứng ngoài.

Khiêm tốn và vô cùng kiệm lời về bản thân, ông không hề nhắc về chặng đường làm báo lăn xả trong các chiến dịch lớn bé và có mặt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ của mình những năm trước năm 1954 với tư cách phóng viên mặt trận của báo Cứu Quốc. Rồi những năm chống Mỹ, để lại vợ trẻ con thơ, từ Hà Nội ông đeo ba lô hành quân bộ ròng rã ba tháng trời mới vào được đến Tây Ninh để tham gia sáng lập và làm báo Giải phóng tại chiến trường phía Nam.

Tại đây, cuộc sống kham khổ, cái chết luôn cận kề, những trận ốm tưởng sẽ vĩnh viễn không đứng dậy được, nhưng từng bài báo, từng số báo Giải phóng đã cùng ông và các đồng nghiệp, đồng chí của mình đi qua chiến tranh và đến với ngày toàn thắng.

Dịp kỷ niệm 60 năm thành lập báo Giải Phóng, Bảo tàng Báo chí Việt Nam được sự hỗ trợ của Hội Nhà báo TPHCM, dự kiến tổ chức trưng bày chuyên đề ngay tại Thư viện Tổng hợp thành phố, mời cụ Thái Duy bay vào gặp gỡ các đồng đội dưới tán rừng Tây Ninh năm xưa, tuy nhiên kế hoạch không thành vì sau đó dịch Covid-19 bắt đầu lây lan.

Một điều không thể không nói ở đây, báo Giải Phóng với những đóng góp và hy sinh vô cùng to lớn 11 năm liền ở tuyến lửa (1964-1975), hiện đang được nhiều ban ngành và cá nhân đề xuất phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (dù quá trễ tràng), cũng tựa như Thái Duy và các nhà báo, liệt sĩ kiên cường trong đội ngũ nhà báo - chiến sĩ ngày ấy, đã cống hiến hết mình cho đất nước và đang lặng lẽ từng người bước vào cõi trời xanh mây trắng, không kịp đợi ngày tờ báo được đổi bằng tuổi trẻ và máu xương của họ được tôn vinh hay được ghi nhận xứng đáng…

Nhà báo Thái Duy kể: Từ thuở niên thiếu, ông đã được đọc rất nhiều báo, trong đó có báo Cứu Quốc, do cha ông đặt mua. Từ đọc báo đến đam mê viết báo. Ông đã đánh liều viết bài rồi gửi cho báo Cứu Quốc nhiều lần nhưng mãi vẫn không được đăng. Không nản lòng, ông vẫn cứ viết và gửi liên tục. Chính vì sự kiên trì đó, ông đã thuyết phục được nhà văn Nam Cao, lúc đó là Thư ký tòa soạn báo. Đến năm 1949, ông được tuyển vào làm phóng viên báo Cứu Quốc.

Một kỷ niệm về Bác Hồ với báo Cứu Quốc thời ở Việt Bắc mà có lẽ, chỉ nhà báo Thái Duy là còn nhớ để kể lại cho chúng tôi. Đó là câu chuyện báo Cứu Quốc dựng được một căn nhà làm hội trường rất to, anh em rất phấn khởi, ngày khánh thành vinh dự được đón Bác đến thăm. Bác đến, thấy vậy liền nghiêm khắc nhắc nhở Ban biên tập: Kháng chiến còn dài, yếu tố bí mật phải đặt lên hàng đầu. Cơ quan báo chí phải gương mẫu giản dị và tiết kiệm về mọi mặt. Tuân lời Bác, báo Cứu Quốc đã trở về với nếp sinh hoạt cần kiệm, thắt lưng buộc bụng của cuộc sống kháng chiến bây giờ.

Năm 1965, Thái Duy được cấp trên phân công nhiệm vụ trong 15 ngày phải gặp và ghi chép lại những chuyện kể về liệt sĩ anh hùng Nguyễn Văn Trỗi của vợ anh là chị Phan Thị Quyên. Bản thảo “Những lần gặp gỡ cuối cùng” viết xong, may mắn được đi máy bay từ Nông Pênh về Hà Nội, do nhờ được một phóng viên Liên Xô chuyển hộ. Bác Hồ đã trực tiếp đọc và chỉ đạo in thành sách.

Tại chiến trường, tác giả Trần Đình Vân - Thái Duy nghe được tác phẩm của mình được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam và vì lý do giữ bí mật nên không nêu tên tác giả, ngay cả tên gọi cũng được đổi là “Sống như Anh”, mãi sau ông mới biết, cuốn sách đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng sửa tên.

Rồi “Sống như Anh” đã được xuất bản nhiều nơi trên thế giới, trở thành một hiện tượng xuất bản chưa từng lặp lại ở nước ta với hơn 300 ngàn bản in ngay ở lần xuất bản đầu tiên ở Nhà xuất bản Văn học.

Giá trị thời đại chất chứa trong từng con chữ đã làm nên sức sống và độ phủ sóng mãnh liệt của một cuốn sách suốt những năm tháng ấy.

Sau tháng 4/1975, đất nước thống nhất, Thái Duy rời chiến trường và trở về với cuộc sống mới dù không ngày đêm sống chết bom đạn, nhưng lại dấy lên những suy tư, trăn trở, đòi hỏi ngòi bút trong tay ông tiếp tục phải dấn thân, tiếp tục phải lên tiếng.

Bám ruộng, bám đồng, chứng kiến thực tế sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Phú, Hải Phòng, Thái Bình, chia sẻ với người nông dân những nỗi ấm ức, đăng cay, đồng hành cùng sự nghiệp Đổi mới trong nông nghiệp từ khoán 100 đến khoán 10, Thái Duy viết hàng trăm bài nảy lửa về “khoán chui” như: Một cuộc cách mạng; Phá thế độc canh ở Thái Bình; Cơ chế mới - Con người mới; Ngọn gió Hải Phòng; Từ Hải Phòng đến một vùng lúa đồng bằng; Về thăm cái nôi của phong trào khoán lúa; Khoán sản phẩm: Một phong trào nhanh mạnh, rộng khắp nông thôn; “Khoán chui” hay là chết… đăng trên báo Đại Đoàn Kết và nhiều tờ báo khác lúc bấy giờ.

Nhà báo Hữu Thọ khi viết bài về cuộc đấu tranh quyết liệt mà một đội ngũ nhà báo chúng ta đã xông lên tuyến đầu này, từng nhận xét: “Nhà báo hăng hái, xông pha trận mạc, viết nhiều nhất trong số chúng tôi chính là Thái Duy”.

Không chỉ góp phần phát hiện, khẳng định cách làm mới trong nông nghiệp, Thái Duy tích cực hưởng ứng chuyên mục “Nói và Làm” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, kịp thời phản ánh thực trạng lộng quyền ở một số địa phương, những sai phạm trong quy hoạch, hay vấn nạn tham ô: Một ung nhọt đã bị vỡ; Quan liêu – Kẻ thù nguy hiểm; Tham ô đã quá trầm trọng... Ông tiếp tục là một tên tuổi tiên phong trong hành trình phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho mãi đến sau này.

Khi làm phim về nhà báo Thái Duy, dù rất muốn phim có thêm một số cảnh quay ở quê nhà Bắc Giang nơi ông bắt đầu những bài báo đầu tiên với niềm đam mê nghề báo, nhưng nghĩ đến tuổi 98 của ông mà chúng tôi lại run. Dù thế ông vẫn quyết định lên ô tô cùng chúng tôi. Phải nói đó là một quyết định táo bạo.

Và đó chính là chuyến về quê cuối cùng của Thái Duy. Nhờ vậy mà phim đã ghi lại được những bước chân cuối đời của nhà văn lão thành trên cánh đồng quê hương, thu vào ống kính được cuộc trò chuyện thân tình của nhà báo “khoán chui” năm xưa với người nông dân hôm nay giữa cánh đồng lúa mênh mông, những hình ảnh quý giá gợi lại một thời xông xáo của Thái Duy những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước về với bà con để viết về khoán nông nghiệp, của một nhà báo trọn đời vì dân.

Tháng 8/2023, ông tự mình bắt xe đến dự cuộc duyệt phim, rồi cùng con cháu đến dự lễ ra mắt phim và cũng là lần nhà báo Thái Duy có cuộc trò chuyện, chụp ảnh cuối cùng với các nhà báo lớp sau, các đồng nghiệp trẻ tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Suốt 7 năm liền theo ông để tích lũy từng khuôn hình cho bộ phim “Nhà báo Thái Duy: Sống và Viết”, tại cuộc gặp gỡ cuối cùng đó chúng tôi mới được biết ông vào Đảng từ năm 1950, và biết thêm câu chuyện khi còn là phóng viên trẻ của báo Cứu Quốc, do cảm phục ông Thái Dũng, người chỉ huy dũng cảm của Trung đoàn 308 mà từ đó ông đã ký vào mỗi bài viết đăng trên báo của mình bút danh “Thái Duy”.

Nhà báo 99 tuổi trước khi nằm xuống với đất lành vẫn kiên trì khẳng định lý tưởng làm báo vốn đã được ông gìn giữ, bảo vệ suốt 75 năm cầm bút của mình: “Làm báo là phải tôn trọng sự thật và nói đúng sự thật”. Bằng cả đời mình, Thái Duy đã cống hiến trọn vẹn cho lý tưởng ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thái Duy, một cuộc đời dâng hiến