Thái Nguyên: Xử lý khai thác khoáng sản trái phép thiếu mạch lạc tại huyện Đồng Hỷ

Hoàng Sa 20/05/2021 14:00

Việc khai thác khoáng sản trái phép của Công ty cổ phần luyện kim đen Thái Nguyên (Cty luyện kim đen) được ghi nhận diễn ra gần một năm nay tại địa bàn xã Cây Thị (huyện Đồng Hỷ). Tuy nhiên, cho đến nay cấp chính quyền huyện Đồng Hỷ vẫn chưa thể xử lý được.

Tháng 9/2020, UBND xã Cây Thị có báo cáo UBND huyện Đồng Hỷ và xác định Cty luyện kim đen khai thác quặng sắt trái phép tại vị trí cuối cánh đồng Trại Cau (giáp mỏ sắt Thác Lạc 3, đã đóng cửa mỏ) trên đất nông nghiệp đã được đại diện người của Cty luyện kim đen mua lại của người dân.

Sau đó, việc xử lý vi phạm lại được xác định với cá nhân là ông Nguyễn Văn Hựu (SN 1966; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Trú tại: Xóm Hóa, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) vị phạm “đào múc đất làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất” với diện tích vi phạm 438 m2; áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính số tiền 3,5 triệu đồng.

Hoạt động vi phạm diễn ra gần điểm mỏ (Trại Cau, Thác Lạc) của Chi nhánh Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên (Cty gang thép Thái Nguyên). Mọi hoạt động vi phạm như đào múc, vận chuyển,... đều phụ thuộc vào điểm mỏ của Cty gang thép Thái Nguyên.

Theo phản ánh, ông Hựu là người của Cty luyện kim đen đã đứng ra mua đất của người dân để khai thác; việc khai thác còn lấn rộng vào phần đất công. Cơ quan báo chí đã phản ánh, trên thực tế, diện tích khai thác trái phép rộng hàng hecta, sâu hàng chục mét, với hàng ngàn tấn quặng đã được khai thác; hoạt động vận tuyển, vận chuyển vẫn diễn ra rầm rập. Vậy nhưng, biên bản ghi nhận và xử lý lại thể hiện vi phạm là cá nhân ông Hựu với diện tích chỉ hơn 438 m2, xử phạt hành chính 3,5 triệu đồng, yêu cầu san lấp mặt bằng mà không xác định cụ thể hình thể của điểm vi phạm, khối lượng số quặng khai thác trái phép là bao nhiêu để áp dụng hình thức xử lý chính xác hơn theo luật định.

Chính quyền cấp xã xử lý vào báo cáo vậy, nhưng ngay cả cấp chính quyền huyện Đồng Hỷ cũng vào cuộc và xử lý một cách thiếu trách nhiệm. Trong buổi làm việc vào ngày 23/4/2021 tại Văn phòng chi nhánh Cty Cổ phần gang thép Thái Nguyên (mỏ sắt Trại Cau) do Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ - Ông Nguyễn Thế Hoàn chủ trì cùng đại diện UBND thị trấn Trại Cau, UBND xã Cây Thị, Chi nhánh Cty gang thép Thái Nguyên và ông Nguyễn Văn Hựu cũng chỉ thể hiện phương cách giải quyết mang tính “tượng trưng”.

Trong buổi làm việc này, đại diện UBND thị trấn Trại Cau đề nghị phải san lấp lại hố đào sâu tại vị trí đất thuộc xã Cây Thị giáp ranh với suối Thác Lạc và mỏ sắt Thác Lạc để đảm bảo an toàn, tránh sạt lở diện tích đất canh tác, an toàn cho người và gia súc. Đại diện phía Cty gang thép Thái Nguyên thì cho rằng việc đào múc và đổ sang phần mỏ Thác Lạc lãnh đạo mỏ không được biết. Hiện nay, mỏ đang thực hiện đóng cửa mỏ theo Luật Khoáng sản nên Cty gang thép Thái Nguyên yêu cầu thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Bộ TN&MT phải giữ nguyên hiện trạng, không được đào múc hoặc san lấp nên không đồng ý.

Trên cơ sở các ý kiến, ông Hoàn đã có kết luận với những “yêu cầu” và “đề nghị” với các thành phần liên quan bố trí lực lượng giám sát chặt chẽ việc san lấp hoàn trả mặt bằng của ông Hựu không để phát sinh hành vi khai thác khoáng sản trái phép dưới bất kỳ hình thức nào trong khu vực. Thời gian thực hiện việc san lấp hoàn trả mặt bằng và vị trí lòng suối Thác Lạc hoàn thành trước ngày 15/5/2021.

Tuy nhiện, trong buổi làm việc vào ngày 18/5/2021, đại diện UBND huyện Đồng Hỷ - Ông Phạm Văn Bảy (Trưởng phòng TN&MT) cho biết việc xử lý san lấp chưa được thực hiện. Trước những vấn đề được đặt ra:

Tại sao Cty gang thép Thái Nguyên đã thực hiện đóng cửa mỏ mà tại vị trí mỏ vẫn diễn ra hoạt động sàng tuyển, vận chuyển; ông Hựu được cho là người thuộc Cty luyện kim đen đứng ra khai thác nhưng việc xử lý lại chỉ áp dụng với cá nhân ông Hựu, vậy Cty luyện kim đen có trách nhiệm gì trong việc vi phạm này; tại sao ngay cả việc xác định vị phạm cũng chỉ dựa trên một biên bản báo cáo thiếu xác thực (không xác định rõ và chính xác hình thể vi phạm như các điểm vị phạm, chiều dài, rộng, sâu và khối lượng tài nguyên đã được đào múc bao nhiêu, sử dụng ra sao,...) so với thực tế hiện trường để áp dụng đúng trong xử lý mức độ vi phạm?

Trả lời về những vấn đề này, ông Bẩy lý giải: Cty gang thép Thái Nguyên đã đóng cửa mỏ nhưng vẫn có hợp đồng với hai công ty nữa là Cty Nhẫn và Cty luyện kim đen. Hoạt động và hợp đồng của họ như thế nào thì ông không nắm được và cũng không nắm được việc sàng tuyển và vận chuyển ra sao. Cty Nhẫn không có điểm mỏ, tất cả những điểm mỏ Cty luyện kim đen đều đã đóng cửa và dừng khai thác; việc ông Hựu có phải là người của Cty luyện kim đen đứng ra khai thác thì cơ quan chức năng chưa biết, sẽ xem xét lại, hiện chỉ xác định và xử lý cá nhân ông Hựu. Việc kiểm tra chỉ được thực hiện khi có ý kiến phản ánh, bên cạnh đó còn có đoàn liên ngành chứ không chỉ riêng mức thẩm quyền, trách nhiệm của Phòng TN&MT. UBND huyện sẽ tiếp nhận ý kiến phản ánh, kiểm tra lại và thông tin.

Trao đổi với PV qua điện thoại, Giám đốc Cty luyện kim đen xác nhận ông Hựu là cán bộ của công ty.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thái Nguyên: Xử lý khai thác khoáng sản trái phép thiếu mạch lạc tại huyện Đồng Hỷ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO