Theo qui định của luật, khi làm báo cáo ĐTM (báo cáo đánh giá tác động môi trường) của các dự án phát triển kinh tế xã - hội, phải thực hiện việc tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án. Tuy nhiên, trong thực tế những năm qua, việc tham vấn cộng đồng hầu như chưa được thực hiện nghiêm túc.
Vị trí dự kiến xây Nhà máy thủy điện Đakrông 4 hiện đã ngừng triển khai.
Mang tính hình thức
Theo Viện Môi trường và Phát triển bền vững, đây là nguyên tắc chung đã được chấp nhận trên toàn thế giới, trước lúc trình thẩm định, báo cáo ĐTM của dự án đầu tư phải được tham vấn cộng đồng. Hiện Luật Bảo vệ Môi trường của Việt Nam cũng chấp nhận nguyên tắc đó.
Tuy nhiên, trong kết quả khảo sát của Viện Môi trường và Phát triển bền vững được tiến hành với 4 dự án Đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, Nạo vét luồng sông Mã Thanh Hóa, Mỏ đá vôi, đá sét Chà Và, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn. Thì cả 4 dự án đều không đề cập đến việc tham vấn các tổ chức nghề nghiệp hay các tổ chức chuyên môn về vấn đề ô nhiễm môi trường hay các tổ chức xã hội khác.
Báo cáo ĐTM có đầy đủ các văn bản thể hiện đã thực hiện tham vấn cộng đồng theo đúng quy định tại thời điểm lập báo cáo. Nhưng thông tin dự án được gửi tới các địa phương quá ngắn gọn, không phản ánh đầy đủ tính chất của dự án, nên rất khó cho người dân địa phương để đưa ra ý kiến cụ thể.
Thời gian chủ dự án ký công văn đề nghị UBND, MTTQ/hoặc các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương cho ý kiến trả lời đến thời gian các tổ chức trên ký văn bản trả lời chỉ trong có vài ngày, thậm chí chỉ 2-3 ngày.
Hiện nay, các chuyên gia của Viện Môi trường và Phát triển bền vững cho rằng việc thực hiện tham vấn cộng đồng chủ yếu mang tính hình thức. Các thông tin cung cấp cho địa phương không đầy đủ, gây khó khăn cho người dân địa phương khi đưa ra ý kiến.
Các ý kiến của người dân địa phương không thực sự được phản ánh trong báo cáo ĐTM; không phản ánh chính xác tâm tư nguyện vọng của người dân.
Theo các chuyên gia, cho đến nay ở Việt Nam chưa có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể nào về tham gia của cộng đồng trong báo cáo ĐTM của các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, chủ dự án và tư vấn ĐTM gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức tham vấn cộng đồng có hiệu quả.
Minh bạch dự án
Các chuyên gia hiến kế: Để tăng cường sự tham gia của công chúng trong ĐTM, trước hết cần tăng cường quyền được tiếp cận và minh bạch thông tin về dự án và ĐTM của dự án. Chủ thể cần cung cấp và tiếp nhận thông tin từ dự án và báo cáo ĐTM phải đảm bảo Luật Tiếp cận Thông tin 2016, trong đó những thông tin cần cung cấp cho các bên tham gia gồm các văn bản pháp lý liên quan đến đầu tư dự án, các thông tin cơ bản về dự án, dự báo tác động của các hoạt động trong 3 giai đoạn của dự án.
Có thể tổ chức các buổi họp dân (cấp phường/xã), gửi email và công văn theo đường bưu điện, phát hành các thông cáo chung...
PGS.TS Trần Yêm (Viện Môi trường và Phát triển bền vững) kiến nghị: Cần tăng cường sự tham gia giám sát của công chúng trong cả 3 giai đoạn của dự án. Trong đó, phân rõ các bên liên quan nào có thể tham gia giám sát môi trường cấp xã, phường. Giám sát môi trường giai đoạn nào của dự án? Cần thực hiện dân chủ cơ sở (dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra) được cụ thể hóa trong cơ chế để nâng cao hiệu quả tham vấn công chúng trong ĐTM. Trong đó tiếp cận thông tin; đối thoại và thảo luận; giám sát quá trình thực hiện dự án và ĐTM của dự án là những vấn đề cơ bản nhất để đảm bảo được sự tham gia hiệu quả của công chúng trong ĐTM các dự án.
Phải tính đến yếu tố hủy hoại môi trường của lưu vực thủy điện
“Các dự án thủy điện có điểm mạnh nhưng cũng có điểm yếu. Trước khi lập kế hoạch dự án cần căn cứ trên cơ sở mạnh yếu để có lựa chọn đúng đắn chính xác cho từng địa bàn khu vực. Đối với thủy điện nhỏ, có nhiều ưu điểm như dễ làm, dễ quản lý, dễ khai thác. Nhược điểm là địa bàn của thủy điện nhỏ thay đổi rất nhanh. Ví dụ độ bồi lắng của các hồ lớn như hồ Hòa Bình, Sơn La, nếu quản lý tốt có thể khai thác lên đến 100 năm, thậm chí 110, 130 năm. Nhưng với thủy điện nhỏ, chẳng hạn ở miền núi của ta chỉ có tuổi thọ ngắn khoảng 10 năm, 15 năm, 20 năm là nó mất tác dụng hoặc tác dụng kém đi.
Phải tính được dự án sẽ tồn tại bao lâu rất cụ thể sau đó mới quyết định đầu tư hợp lý hay không hợp lý. Tất nhiên nếu có biện pháp đầu tư thêm thì có thể kéo dài “tuổi thọ” của thủy điện nhỏ. Nhưng phải tính đến những biện pháp chống lại nhân tố phá hoại môi trường của lưu vực thủy điện, phải chống bào mòn, bồi lắng cát bụi, suy thoái động thực vật...” - GS. TS Lê Thạc Cán -Viện Môi trường và Phát triển bền vững.