Ngày 26/4, Uỷ ban Dân tộc cùng UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thảo tham vấn hoàn thiện Đề án “Xác định thành phần, tên gọi một số dân tộc và xây dựng danh mục các dân tộc Việt Nam”.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết: Địa phương có nền văn hoá được kết tinh từ sự giao thoa văn hoá giữa 3 dân tộc anh em: Kinh, Khmer và Hoa, đời sống văn hoá tâm linh của người dân Bạc Liêu cũng khá phong phú. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh có truyền thống đoàn kết từ lâu đời, hình thành, phát triển trong quá trình chống chọi với thiên nhiên và đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Đại bộ phận các DTTS trong tỉnh có tinh thần yêu nước, yêu quê hương, có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh cho biết, Hội thảo là một trong những nội dung quan trọng để hoàn thiện Đề án “Xác định thành phần, tên gọi một số dân tộc và xây dựng danh mục các dân tộc Việt Nam”.
Theo đó, vào năm 1979, Chính phủ đã ủy nhiệm cho Tổng cục Thống kê ban hành “Danh mục các dân tộc Việt Nam” dựa trên cơ sở điều tra, nghiên cứu của Viện Dân tộc học và được sự thống nhất giữa Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cùng UBDT. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực tế tại cơ sở, đặc biệt là theo thời gian đã bộc lộ nhiều vấn đề cần chỉnh lý. Cụ thể UBDT đã nhận được nhiều ý kiến, văn bản góp ý của các bộ, ban, ngành, các địa phương, đồng bào DTTS,… về những vấn đề, những vướng mắc liên quan đến tên gọi, cách viết các thành phần dân tộc trong giấy tờ tùy thân của công dân; tên gọi, thành phần dân tộc được áp dụng tại các địa phương chưa có sự thống nhất…
Trước những vấn đề bất cập trên, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 giao cho UBDT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án “Xác định thành phần, tên gọi một số dân tộc và xây dựng Danh mục các dân tộc Việt Nam” trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Hội thảo nhằm lấy ý kiến của các các nhà nghiên cứu, những người làm công tác dân tộc tại các địa phương, người có uy tín, già làng, trưởng bản,… để đi đến thống nhất chung cho cách viết và tên gọi một số dân tộc.