Hôm nay (6/12), một nửa học sinh khối 12 của các trường THPT và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên toàn thành phố Hà Nội trở lại trường học trực tiếp. Một nửa học sinh khối 12 vẫn học trực tuyến cùng với khối lớp 10, 11 thay vì đến trường như thông báo trước đó.
Hỏa tốc điều chỉnh kế hoạch
Trưa 5/12, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có công văn hỏa tốc gửi UBND các quận, huyện thị xã, phòng GDĐT, hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc trung tâm GDNN - GDTX về việc điều chỉnh tổ chức dạy học trực tiếp cho HS.
Cụ thể, các trường, trung tâm ở 30 quận huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 cho phép HS trở lại trường học tập từ ngày 6/12. Trong đó, chỉ HS khối 12 đi học trực tiếp kết hợp trực tuyến theo phương án 50% số HS khối 12 đi học trực tiếp thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu; các ngày còn lại học trực tuyến. 50% số HS lớp 12 đi học trực tiếp thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy; các ngày còn lại học trực tuyến.
Đối với các huyện, thị xã: Học sinh lớp 9 THCS tiếp tục học trực tiếp như kế hoạch trước đó. Học sinh cấp tiểu học, các lớp 6, 7, 8 cấp THCS; lớp 10, 11 THPT và các trung tâm GDTX - GDNN tiếp tục học trực tuyến; khối mầm non nghỉ tại nhà. Đối với các quận: Học sinh cấp tiểu học, THCS và lớp 10, 11 trường THPT, các trung tâm GDNN - GDTX tiếp tục học trực tuyến, khối mầm non nghỉ tại nhà.
Theo Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương, nguyên nhân của việc điều chỉnh này là do tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố tiếp tục có diễn biến phức tạp, số ca F0 tăng đột biến so với trước; trong đó có nhiều ca cộng đồng (có ngày lên đến 800 ca), tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn cho HS trở lại trường học. Thực hiện chỉ đạo của thành phố Hà Nội, sau khi xem xét thận trọng; xin ý kiến các quận, huyện, thị xã, Sở đã đi đến quyết định này với mục tiêu đặt an toàn sức khỏe của HS lên trên hết.
Trước đó, Hà Nội đã bỏ quy định 14 ngày không có F0 mới được mở cửa trường học và cho phép các trường THPT trở lại của Hà Nội từ 6/12 với cả HS khối 10, 11 và 12. Tuy nhiên, hàng loạt trường đã cân nhắc và trưng cầu ý kiến phụ huynh, xin phép được lùi lịch học trực tiếp, như Trường THPT Lương Thế Vinh, Trường Marie Curie, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, ĐH Ngoại ngữ, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm…
Đối với quyết định mới nhất của Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Nguyễn Xuân Khang cho biết, ông hoàn toàn đồng tình với việc thận trọng mở cửa trường học trong thời điểm hiện nay, nhất là các trường trong nội thành. Về phía trường mình, theo ông Khang theo kết quả khảo sát ngày 4/12, đa số phụ huynh đều muốn các con tiếp tục học trực tuyến ở nhà một thời gian nữa. Và nhà trường đã đưa ra quyết định khó khăn là tiếp tục học trực tuyến - giải pháp phù hợp nhất trong thời điểm hiện tại.
Bà Trần Tú Anh (Thanh Trì, Hà Nội) có con đang học lớp 10 Trường THPT Việt Nam - Ba Lan cho biết, mấy ngày qua gia đình thấp thỏm không yên vì thông báo đi học trở lại của cô con gái lớn. Nếu cách đây khoảng 1 tháng, gia đình rất vui mừng nhưng nay theo dõi tin tức hàng ngày, thấy số ca cộng đồng tăng lên, lại thấy băn khoăn. “Các con chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine, đi học thế này khó mà an tâm được, nên nhiều phụ huynh trong lớp tôi cũng bày tỏ với cô chủ nhiệm là chưa muốn cho con đến trường. Rất may là Sở GDĐT đã có quyết định kịp thời” - bà Anh nói.
Gần 69% trẻ từ 12-17 tuổi ở Hà Nội đã tiêm vaccine ngừa Covid-19
Tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 12-14 tuổi ở Hà Nội là hơn 49%, con số này với trẻ 15-17 tuổi là gần 93%. Hà Nội là một trong 49 tỉnh/thành triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính tới 18h ngày 4/12, Thủ đô đã tiêm được khoảng 12,2 triệu mũi vaccine ngừa Covid-19. Trong đó, hơn 6,1 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 1 mũi (đạt 94,22% dân số trên 18 tuổi và 71,2% tổng dân số); hơn 5,54 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi.
Về kết quả tiêm cho trẻ 15-17 tuổi, từ 23/11 đến nay, 30 quận/huyện/thị xã của Hà Nội đã tiêm được 286.153 mũi/307.799 trẻ (đạt gần 93%). Với trẻ 12-14 tuổi, có 193.141 trẻ đã được tiêm mũi 1, đạt hơn 49% trong số trẻ trong lứa tuổi này. Theo kế hoạch, Hà Nội cần tiêm vaccine cho gần 702.000 trẻ từ 12-17 tuổi. Đến nay đã có gần 69% trẻ trong lứa tuổi này được tiêm vaccine. M.K.
Phân luồng, chia ca, đảm bảo giãn cách
Các trường mở cửa phải đảm bảo đáp ứng bộ tiêu chí an toàn gồm 16 điều, trong đó yêu cầu: Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, y tế tại trường học; Vệ sinh, khử trùng trường, lớp, đồ dùng học tập và phương tiện đưa đón; Bổ sung kịp thời xà phòng, dung dịch sát khuẩn và các vật dụng phòng dịch cần thiết...
Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GDĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, tất cả trường học trên địa bàn quận đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để đón HS trở lại trường. Với quyết định mới nhất là chỉ một nửa HS khối 12 đến trường học trực tiếp mỗi ngày, công tác phân luồng, giãn cách, bố trí lớp học càng dễ dàng hơn đối với các nhà trường. Đồng thời, qua nhiều đợt tập huấn công tác đảm bảo an toàn khi đón HS trở lại trường, xử lí khi xuất hiện F0 trong lớp học,... đến thời điểm này mỗi trường đều đã xây dựng kế hoạch, phương án riêng để dạy học trực tiếp an toàn.
Bà Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, trường đã thực hiện tổng vệ sinh và khử khuẩn bằng dung dịch Cloramin B tất cả phòng học, sân trường, khuôn viên nhà trường… Giáo viên chủ nhiệm đã họp với phụ huynh để thống nhất về các phương án đảm bảo an toàn cho HS như đo thân nhiệt trước khi tới trường, tuân thủ 5K… và được phụ huynh cùng HS hoàn toàn ủng hộ. Với phương án học trực tiếp chỉ 1/2 HS khối 12 rất thuận lợi cho việc tổ chức phân luồng, đảm bảo giãn cách lớp học cũng như hạn chế tiếp xúc giữa HS các lớp với nhau.
Kịch bản chi tiết khi các trường có F0
Nhằm đảm bảo an toàn khi đón HS trở lại trường, Hà Nội đã có Hướng dẫn liên ngành (Sở Y tế và Sở GDĐT) về phương án phòng, chống dịch Covid-19 khi có trường hợp mắc Covid-19 trong lớp học; nghi ngờ mắc Covid-19 hoặc tiếp xúc gần. Cụ thể, các phương án bao gồm khi phát hiện F0 tại trường học, khi F0 là học sinh, cán bộ, giáo viên ngoài giờ học, khi có trường hợp nghi mắc Covid-19 tại trường học, khi có trường hợp F1, F2 tại trường học.
Với nguyên tắc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các kịch bản ứng phó được hướng dẫn chi tiết về việc phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp F0, nghi ngờ mắc F0, F1, F2; hạn chế đến mức tối đa dịch lây lan trong trường học và cộng đồng
Như vậy, có thể thấy quyết định mở cửa trường học được xem xét thận trọng dựa trên mức độ dịch, độ phủ vaccine với HS và kinh nghiệm mở cửa các trường trước đó. Từ 23/11, Hà Nội đã tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 15-17 tuổi, trong đó phần lớn là học sinh THPT. Đến nay, tỷ lệ tiêm đạt hơn 90%.
Từ 8/11, khoảng 4.000 HS khối 9 của huyện Ba Vì được trở lại trường học trực tiếp. Sau đó hai tuần, 18 huyện còn lại cũng cho khối 9 trở lại trường với tổng số 36.000 HS không ghi nhận ca nhiễm trong trường học. Đây là kinh nghiệm quý để thành phố tiếp tục mở rộng địa bàn, quy mô các khối, lớp trở lại học trực tiếp.
PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Để đảm bảo an toàn cho trẻ, cần có sự phối hợp đồng bộ
Việc học sinh phải học trực tuyến không chỉ ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức mà còn ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của các em. Với việc nhiều trẻ em đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Hà Nội, để các em quay lại trường là hợp lý.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa phụ huynh, nhà trường và các lực lượng y tế. Ví dụ, phụ huynh cần đảm bảo theo dõi sức khỏe của trẻ trước khi đưa con đến trường, nếu có triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 cần báo ngay cho lực lượng y tế và thông báo với nhà trường. Đồng thời, nhà trường cũng cần xây dựng nội quy an toàn phòng, chống dịch, thông báo cho học sinh và cha mẹ học sinh biết và được dán ở mọi lớp học. Nhà trường phải kiểm thân nhiệt, giám sát việc đeo khẩu trang. Lực lượng y tế luôn có người trực tại trường học. Việc phối hợp và đảm bảo thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch do các cơ quan chứng năng đưa ra là vô cùng quan trọng. Tránh tâm lý chủ quan, lơ là phòng, chống dịch.
PGS. TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội: Không thể đóng cửa trường học mãi
Trải qua nhiều tháng nghỉ dịch Covid-19 không được đến trường, điều mong mỏi lớn nhất của học sinh, sinh viên lúc này có lẽ là trường học mở cửa để được đi học trở lại. Đây là nhu cầu chính đáng. Bên cạnh đó, không thể chung sống an toàn với Covid-19 bằng cách đóng cửa trường học, bởi học sinh ở nhà cũng vẫn có thể bị mắc Covid-19.
Trong trường hợp có học sinh mắc Covid-19, nhà trường sẽ sàng lọc, cách ly lớp đó và tạm thời dừng học trực tiếp chuyển sang học trực tuyến. Trong thời gian này, trường cần tuân thủ quy định không cho các lớp giao lưu, học sinh các lớp hạn chế tiếp xúc với nhau.
Đối với trẻ em không thể có ngay vaccine để triển khai tiêm hết, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tuy nhiên, thành phố cũng nên mở rộng đối tượng đến trường như học sinh cấp 1, 2, sau đó đến cấp mầm non.
Đức Trân (ghi)