Nằm cách TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) khoảng 10km về hướng Nam, làng gốm Bàu Trúc trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, bởi nghệ thuật chế tác gốm của người Chăm, bởi đời sống hiền hòa của vùng quê xanh biếc. Thế nhưng, bên trong làng nghề nghìn năm tuổi vẫn là nỗi đau đáu của các nghệ nhân…
Gửi tâm hồn vào từng nét hoa văn
Làng gốm Bàu Trúc được xem là một trong những làng gốm cổ xưa và có tuổi đời lâu nhất tại khu vực Đông Nam Á vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Ngày chúng tôi về thăm làng, gặp nghệ nhân Đàng Thị Tám đang ngồi tỉ mẩn tạo nét hoa văn cho chiếc bình gốm chuẩn bị đưa ra nung.
Người phụ nữ Chăm ấy nay đã bước qua tuổi “thất thập”, từng được tôn vinh là người đẹp tiêu biểu, tài sắc vẹn toàn của làng nghề gốm truyền thống Bàu Trúc. Cả đời làm gốm, bà Tám tự hào là nghệ nhân duy nhất đại diện làng gốm Bàu Trúc tháp tùng đoàn lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận sang Vương quốc Ma-rốc và tận tay trao tặng sản phẩm gốm Bàu Trúc đến các thành viên Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Từ thời trẻ, bà Tám được mẹ dạy nghề làm gốm với mong muốn lưu truyền, gìn giữ được tinh hoa nghề truyền thống, cũng là đảm bảo cuộc sống gia đình no ấm. Bà Tám kể, để làm gốm, người làng lấy đất sét từ cánh đồng Hamu Tanu Halan (ruộng gò đất sét), cách làng khoảng 3km về hướng Tây. Ngày trước, cứ sau mùa gặt dân làng lại ra cánh đồng bên bờ sông Quao để lấy đất về làm gốm. Khi lúa sạ xanh đồng, làng cũng mịt mù khói nung...
Gốm Chăm có một điểm khác biệt là cả làng đều nặn gốm bằng tay, xoay bằng chân nhưng mỗi người có một cách chế tác riêng, mang tính độc bản. Tất cả các sản phẩm mặc dù chế tác thủ công nhưng có tính nghệ thuật cao với sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng nét chạm khắc. Hoa văn trang trí trên gốm Bàu Trúc là những đường chạm khắc hay đắp nổi, người thợ hầu như không cần bản vẽ, họ tự do phóng khoáng gửi tâm hồn mình vào trong từng nét hoa văn…
Ở Bàu Trúc, người làm gốm thường tự hào giới thiệu với khách du lịch là gốm ở đây có pha vàng. Khi người ta giơ một sản phẩm gốm ra ánh sáng, sẽ thấy trong da gốm lấp lánh những đốm vàng nhạt. Nhiều vị khách ngạc nhiên vô cùng. Tuy nhiên, sau khi nghe các nghệ nhân giải thích, người ta mới ồ lên. Thì ra, đó là những sản phẩm gốm không làm thuần từ đất sét, mà khi chuẩn bị nguyên liệu, đất sét đã được pha với 1 phần cát non, loại cát chứa rất nhiều sa khoáng, khi pha vào đất sét và nung ở nhiệt độ 600 - 800 độ C, các khoáng chất khác sẽ cháy hết, chỉ còn vàng non dạng sa khoáng bám lại thành gốm.
Thật mừng, bà Tám bảo 4 cô con gái của bà đều theo nghề. Đàng Thị Như Ý, Đàng Thị Uyên Diễm, Đàng Thị Ngọc Ngà, Đàng Thị Như Bình đã kế thừa được gần như trọn vẹn các kỹ thuật làm gốm từ mẹ. Kinh nghiệm truyền thống cùng đam mê khiến họ không ngừng sáng tạo, nâng tầm nghệ thuật cho gốm.
Tuy nhiên, điều đau đáu của nghệ nhân Đàng Thị Tám là nếu thiếu các giải pháp căn cơ mang tính đồng bộ lâu dài thì nghề làm gốm làng Bàu Trúc có nguy cơ thất truyền. Bởi lẽ các bạn trẻ bây giờ không muốn khó nhọc đạp đất, nặn gốm vất vả như thế hệ ông bà xưa. Ngoài ra, kỹ thuật nung gốm lộ thiên truyền thống với rơm rạ, vỏ trấu, củi hiện nay không còn phù hợp...
Đau đáu giữ nghề
Cách nhà nghệ nhân Đàng Thị Tám chừng vài phút đi bộ là cơ sở gốm của nghệ nhân Đàng Thị Hoa. Bà Hoa cũng là nghệ nhân tiêu biểu, gắn bó ruột thịt với gốm, chứng kiến nhiều những thăng trầm của nghề. Bà Hoa kể, nghề làm gốm trước kia chủ yếu do phụ nữ làm, còn đàn ông làm những việc nặng nhọc hơn là đào đất, nung gốm và gánh gốm hoặc chở đi bán. Mỗi người con gái trong làng khi lớn lên đều được mẹ hướng dẫn làm nghề, truyền hết kinh nghiệm, bí kíp...
“Nếu các làng gốm khác hiện nay áp dụng công nghệ vào sản xuất, dùng bàn xoay để nặn, sử dụng men để trang trí hay dùng công nghệ nung trong lò sử dụng điện, ga thì người Bàu Trúc vẫn duy trì cách làm gốm truyền thống gần nghìn năm nay. Củi và rơm vẫn là 2 nguyên liệu chính để đốt lò. Gốm khi chín, muốn tạo màu, người thợ sẽ ủ trấu để làm khói vào gốm... Một sản phẩm gốm làm ra vô cùng kỳ công” - bà Hoa kể.
Hiện vùng nguyên liệu đất sét làm gốm sẽ được các nông hộ canh tác mỗi năm 2-3 vụ lúa. Sau mùa gặt, những người chuyên khai thác mới có thể chở đất về làng bán cho người sản xuất gốm. “Nhà tôi phải sản xuất cầm chừng vì thiếu đất. Bà con làm gốm ai cũng lo bởi nguồn nguyên liệu đang ngày càng khan hiếm. Nếu chính quyền địa phương không có biện pháp quy hoạch khai thác đất làm gốm thì tương lai nghề sẽ rất khó khăn. Ngoài ra, giờ cũng không thể làm theo cách truyền thống, quy trình nung gốm lộ thiên đã không còn phù hợp” - bà Hoa trăn trở.
Hợp tác xã (HTX) gốm Chăm Bàu Trúc có 45 thành viên là cánh chim đầu đàn trong nghề sản xuất, tiêu thụ gốm ở tỉnh Ninh Thuận. Ông Phú Hữu Minh Thuận - Giám đốc HTX cho biết: Từ khi nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”, làng nghề thu hút rất đông du khách đến tham quan, mua sắm sản phẩm. Đặc biệt vào những dịp lễ tết, mỗi ngày HTX đón trên 3.000 lượt khách; doanh thu tăng gấp 2 lần so với trước. Nhờ đó, thu nhập của các hộ thành viên nâng cao, bảo đảm đời sống gia đình. Đây cũng là một hướng đi mới để gìn giữ và phát triển nghề gốm của Bàu Trúc.
“Tuy nhiên, điều đáng lo của HTX gốm là ngoài nguồn đất sét thiếu hụt thì phương pháp nung lộ thiên không đáp ứng được chất lượng sản phẩm gốm trang trí sân vườn, khu du lịch, xuất khẩu. Vì chất lượng nung ngoài trời chỉ đạt khoảng 800 độ C, cho ra sản phẩm trang trí trong nhà. Đối với các sản phẩm chất lượng cao trang trí sân vườn và tiến tới hợp tác xuất khẩu đòi hỏi phải nung trong lò đạt 1.200 độ C, “sành hóa” mới chịu được tác động mưa nắng của thời tiết” - ông Thuần chia sẻ thêm.
Mang nỗi niềm của các nghệ nhân, chúng tôi tìm gặp bà Đàng Sinh Ái Chi - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân. Bà Ái Chi là người con làng gốm Bàu Trúc, nên rất thấu hiểu những khó khăn của làng nghề. “Chúng tôi cũng rất chú trọng đến công tác tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của người dân để cùng chính quyền và các ban, ngành chung tay bảo tồn di sản làng nghề gốm cổ. Đặc biệt là việc đầu tư thay đổi phương pháp sản xuất gốm theo hướng truyền thống kết hợp hiện đại để cho ra những sản phẩm gốm đẹp, chất lượng. Cùng với đó, đẩy mạnh quảng bá làng nghề theo hướng du lịch homestay nhằm tăng thu nhập cho bà con, qua đó góp phần gìn giữ tinh hoa nghề truyền thống và đưa làng nghề gốm Bàu Trúc phát triển nhanh, bền vững” - bà Ái Chi cho biết.
Gốm Chăm Bàu Trúc truyền thống có màu sắc vàng đỏ, đỏ hồng, xen lẫn những vệt nâu, đen xám - đó là những màu đặc trưng kết tinh từ đất, nước qua lửa nung. Đây cũng được coi là tính “độc bản”, không có sản phẩm nào giống nhau. Ngoài ra, người thợ gốm vẫn có thể tạo màu cho sản phẩm bằng các loại vỏ cây, nhưng tuyệt đối không dùng men màu công nghiệp.
(còn nữa)