Tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa sáng 14/9 cho biết: Tính đến 8h ngày 14/9, còn 3 phương tiện tàu thuyền với 33 ngư dân xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa đang đánh bắt thủy hải sản tại vùng biển Vịnh Bắc bộ, cơ quan chức năng vẫn chưa liên lạc được.
Số lao động này làm việc trên các tàu TH 91799 TS của ông Lê Văn Lực, tàu TH 91645 TS của ông Lê Văn Sòng và tàu TH 91646 TS của ông Lê Văn Còng, cả ba con tàu trên đều có công suất 811CV, trên mỗi tàu có 11 lao động làm việc.
Hiện chính quyền địa phương và gia đình đang tìm cách liên lạc với 3 tàu trên để kêu gọi vào nơi tránh trú trước khi bão vào.
Ngoài 3 tàu kể trên, toàn tỉnh Thanh Hóa có 7.409 phương tiện nghề cá với 27.190 lao động, trong đó có 6.177 phương tiện với 20.232 lao động đã vào nơi neo đậu an toàn tại các bến, bãi, âu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tính riêng ở Thanh Hóa tới thời điểm này vẫn còn 1.232 phương tiện với 6.958 lao động đang hoạt động trên biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận. Các phương tiện này đều đã liên hệ được với gia đình và chính quyền địa phương, đồng thời đang vào nơi tránh trú bão.
Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu vận tải và tàu du lịch), tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn; tuyệt đối không để người ở lại trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo các đài thông tin báo bão thông báo vị trí, hướng di chuyển, diễn biến của cơn bão số 10; kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương vào nơi tránh trú an toàn, đồng thời nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi.
Khẩn trương thu hoạch các trà lúa chín sớm.
Nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão số 10 có thể đổ bộ vào Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch các trà lúa chín sớm để hạn chế thiệt hại với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".