Bờ sông bị sạt lở, diện tích đất canh tác bị thu hẹp, nguy cơ mất an toàn tính mạng người dân, tài nguyên đất, nước bị thất thoát… là thực trạng do nạn khai thác cát trái phép đang diễn ra tại bờ tả và hữu sông Chu, đoạn qua xã Tân Châu, Thiệu Hợp, Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa).
Sạt lở ở nhiều địa phương
Dẫn chúng tôi ra bờ sông phía hữu ngạn sông Chu, đoạn qua xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa, ông Trần Văn Choang, 70 tuổi - người dân thôn 3 không khỏi xót xa khi chỉ từ năm 2015 đến nay, bãi dâu ông thầu từ UBND xã có diện tích hơn 2,5 ha đã bị dòng nước cuốn trôi.
“Khoảng hơn 6 năm trước, khu vực này là bãi dâu ven sông, nhà tôi trồng ngô, mía, lạc… đến tận gần giữa sông. Nhưng bây giờ bãi dâu chỉ còn là một dải nước mênh mông, tất cả như chưa hề tồn tại. Từ khi không còn đất canh tác, gia đình trở nên khó khăn hơn khi mất đi một nguồn thu nhập”- ông Choang cho biết.
Theo ông Choang cũng như người dân ở thôn 3, thôn 4 xã Tân Châu, nguyên nhân bờ bãi sạt lở nghiêm trọng như hiện nay do tác động của nhiều yếu tố như mưa lũ, dòng chảy thay đổi, nhưng cái chính vẫn là do tình trạng khai thác cát trái phép. Trong 5 năm trở lại đây, các tàu cát liên tục kéo vòi vào sát bờ để hút khiến nhiều héc ta đất canh tác của bà con trôi theo dòng nước, trong khi đó, chính quyền xã thì vẫn đang loay hoay xử lý. Cũng trong tình cảnh tương tự là khu vực bờ sông Chu, đoạn thôn Trấn Long, xã Thiệu Hợp. Ghi nhận cho thấy, gần 100 m2 đất ven sông bị sạt nham nhở với các vết sạt lở còn rất mới, đất bờ rạn nứt, nhiều vị trí tạo thành hàm ếch. Các điểm tạo vách cao từ 3-5 m, có dấu hiệu tiếp tục sạt lở.
Theo người dân ở đây, nguyên nhân chính vẫn là do hoạt động khai thác cát trái phép trên dòng sông , trong đó có nhiều cá nhân, đơn vị lợi dụng để hút trộm cát ngoài vị trí mỏ, gây ra tình trạng sạt lở này. Tiếp đó là tại xã Thiệu Thịnh, một dải bờ sông dài hàng trăm mét đi qua thôn Liên Thịnh, Thống Nhất cũng đang đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Trong nhiều năm qua, khu vực bãi bồi của người dân đã bị nước sông ăn sâu vào từ 30-50 m khiến người dân bị mất đất và hoa màu. Theo quan sát, cả một vùng bãi bồi phía tả ngạn dòng sông đã bị biến mất, thay vào đó là một vòng cung sạt lở rộng lớn, ăn sâu vào phía chân đê.
Cần mạnh tay với “cát tặc”
Tìm hiểu được biết, trên địa bàn huyện Thiệu Hóa hiện nay có các mỏ cát gồm: Mỏ cát số 2 chuyển đổi của Công ty Thanh Tâm; mỏ cát số 4 của Công ty Minh Thịnh; mỏ cát số 5 của Công ty CP Ngọc Tâm Bình; mỏ cát số 8 của Công ty Phong Thủy; mỏ cát số 62 của Công ty Vĩnh An; mỏ cát số 66 của Công ty CP Tập đoàn XD Miền Trung và mỏ cát của Công ty Đức Thúy. Trong năm 2020, Tổ công tác liên ngành của UBND huyện Thiệu Hóa đã phát hiện và xử phạt 6 trường hợp vi phạm khai thác khoáng sản liên quan đến các mỏ cát nêu trên.
Theo ông Nguyễn Trọng Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Châu, trong khoảng 2 năm qua, UBND xã và các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, sở ngành liên quan đã lập biên bản, xử lý khoảng 8 vụ khai thác cát trái phép trên địa bàn.
“Trước diễn biến phức tạp của việc khai thác cát trái phép, địa phương đã phải lập chốt kiểm soát ngay sát bờ sông với 3 tổ canh gác gồm 3 người/tổ trực chốt 24/24h mỗi ngày. Với kinh phí mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng dành cho các tổ trực, hiện địa phương cũng đang rất khó khăn khi nguồn hỗ trợ thì không có, mà việc chống cát tặc vẫn phải làm để đảm bảo an toàn sản xuất cho bà con”- ông Quân nói.
Ông Vũ Đình Tâm, Chủ tịch UBND xã Thiệu Thịnh cho biết: Trong khoảng 5 năm qua, địa phương mất khoảng 4-5ha đất bờ bãi do sạt lở. Về nguyên nhân, ông Tâm cho rằng có nhiều lý do như mưa lũ, thay đổi dòng chảy, hút cát trái phép… Do có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, các thuyền hút cát chủ yếu hoạt động về nửa đêm, rạng sáng nên rất khó phát hiện. Hiện tại, xã đang duy trì 3 tổ trực với tổng cộng 12 người, trực chốt 24/24 và quan sát qua hệ thống camera để đề phòng “cát tặc” xâm nhập. “Bản thân tôi cũng như anh em trong xã đều phải xác định, công tác chống “cát tặc” là nhiệm vụ quan trọng để bảo vệ bờ bãi và an toàn sản xuất cho người dân. Thời gian tới, rất mong được huyện và các sở, ban, ngành của tỉnh quan tâm thêm để hỗ trợ cho các tổ công tác cũng như bố trí xây dựng các tuyến kè tại các điểm trọng yếu để khắc phục tình trạng sạt lở”- ông Tâm chia sẻ.