Hàng loạt “quan tham” ở Thanh Hoá vừa bị phát hiện khi đương nhiệm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô, tham nhũng, gây thất thoát tiền của Nhà nước, làm suy giảm niềm tin và gây bức xúc trong nhân dân. Vì đồng tiền, nhiều cán bộ không thể vượt qua cám dỗ để rồi phải trả cái giá quá đắt.
Hàng loạt cán bộ xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa dính vòng lao lý do mắc sai phạm trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Khi đồng tiền làm “mờ mắt”
Hơn ai hết, những người giữ trọng trách quan trọng trong các cơ quan, đơn vị là người hiểu biết pháp luật, thực hiện nhiệm vụ, chức trách đúng quy định của pháp luật. Song có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức bị lực hấp dẫn làm “mờ mắt”, họ đã bất chấp, sẵn sàng đánh đổi sự nghiệp chính trị để lấy những đồng tiền “bẩn”.
Nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hoá cho biết: Trong năm qua, từ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nội bộ tại các quỹ tín dụng nhân dân, phát hiện 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng. Cụ thể, tại Quỹ tín dụng nhân dân Thái Khuyến Trường, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn; Quỹ tín dụng xã Quý Lộc, huyện Yên Định; Quỹ tín dụng xã Hoằng Tiến và xã Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hoá, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước phát hiện tổng số tiền cần xử lý lên tới hơn 20,8 tỷ đồng. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang xem xét, xử lý vụ việc theo quy định.
Bên cạnh đó, các tổ chức thanh tra, Thanh tra tỉnh Thanh Hoá tăng cường công tác thanh tra phục vụ nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, phát hiện sai phạm trên 96,3 tỷ đồng, 9.083m2 đất, kiến nghị thu hồi 38,7 tỷ đồng, nhưng đến nay mới thu hồi được 32,5 tỷ đồng. Từ thanh, kiểm tra cũng phát hiện nhiều sai phạm trong công tác tổ chức dẫn đến việc phải xử lý kỷ luật đối với 17 cán bộ, công chức. Có tới 7 trường hợp bị kỷ luật cảnh cáo, như trường hợp của ông Lê Như Tuấn khi còn đương nhiệm giữ chức Giám đốc Sở NNPTNT đã bất chấp quy chế; ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm cán bộ sai trái.
Thanh tra về ngân sách, đất đai tại xã Quý Lộc, cơ quan chức năng phát hiện nguyên cán bộ địa chính xã có hành vi tham nhũng. Về vụ việc này, ông Lưu Vũ Lâm - Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết: UBND huyện đã có văn bản chuyển cơ quan điều tra Công an huyện Yên Định thụ lý, giải quyết. Từ những thông tin nói trên, lý giải cho việc vì sao số lượng công dân khiếu kiện, tố cáo ngày càng gia tăng. Trong năm 2018, cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh Thanh Hoá đã tiếp 8.788 lượt công dân khiếu nại, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã trả lại cho công dân gần 1,2 tỷ đồng và 26.736m2 đất, thu hồi cho Nhà nước 600m2 đất và 313 triệu đồng.
Nhiều người dính vòng lao lý
Báo Đại Đoàn Kết từng phản ánh về những sai phạm tại xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia. Sau đó, cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc, đưa ra xét xử vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” đối với 8 bị cáo. Những người này mắc sai phạm trong công tác giải phóng mặt bằng, gây thất thoát cho Nhà nước 5,1 tỷ đồng.
Tại Trường THPT dân tộc nội trú huyện Ngọc Lặc, nguyên kế toán Trịnh Xuân Hồng thực hiện các hành vi sai phạm, chiếm đoạt gần 160 triệu đồng; Phạm Văn Sinh - nguyên Hiệu trưởng gây thất thoát 151,2 triệu đồng. Hiện nay cơ quan chức năng chuẩn bị đưa ra xét xử vụ án “tham ô tài sản” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với cán bộ nêu trên. Bà Nguyễn Thị Hồng - nguyên cán bộ chính sách xã Trung Thành, huyện Nông Cống đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đưa 19 trường hợp không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo vào danh sách đề nghị hưởng thẻ bảo hiểm y tế trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 50,8 triệu đồng.
Hàng loạt cán bộ ở nhiều địa phương khác mắc sai phạm hiện đang bị cơ quan Công an điều tra tiến hành thụ lý, như: Ông Đặng Văn Lương - cán bộ địa chính; ông Phạm Văn Khá - nguyên Chủ tịch UBND xã Hà Ninh, huyện Hà Trung tạo dựng hồ sơ xét nguồn gốc, đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định của Luật Đất đai cho người dân. Năm 2017, ông Lê Ngọc Thiên - cán bộ Phòng TNMT huyện Thường Xuân; ông Nguyễn Đình Hưng - thành viên tổ kiểm kê giải phóng mặt bằng dự án thuỷ điện Xuân Minh, đã chiếm đoạt 150 triệu đồng tiền giải phóng mặt bằng của gia đình bà Vi Thị Biên.
Một số cán bộ xã Đông Lĩnh, TP Thanh Hoá lợi dụng chức vụ, quyền hạn có hành vi lập chứng từ khống chi phí quản lý, bảo vệ rừng không đúng thực tế để thanh quyết toán tiền ngân sách sử dụng kinh phí chi không đúng chế độ, sai mục đích, bước đầu xác định tổng số tiền thiệt hại là 334,5 triệu đồng.
Nghiêm trọng hơn thế, nhiều cán bộ xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương đã bắt tay nhau bán trái phép 73 lô đất. Mặc dù không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng ý cho việc bán đất, nhưng từ năm 2004 - 2014, UBND xã Quảng Lộc do ông Trần Văn Phú làm Chủ tịch, ông Lê Duy Tuyên - cán bộ địa chính, ông Nguyễn Trọng Luật - cán bộ ngân sách, Nguyễn Đình Nhung - thủ quỹ ngân sách vẫn bất chấp quy định, bán hàng chục lô đất trái phép. Tổng thiệt hại theo tố cáo khoảng trên 1,3 tỷ đồng. Hiện nay, cơ quan CSĐT Công an huyện Quảng Xương đang tiến hành thụ lý.
Cũng tại xã Quảng Lộc, năm 2016-2017, trong quá trình thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng quy hoạch điểm dân cư để đấu giá quyền sử dụng đất, UBND xã Quảng Lộc tiếp tục mắc sai phạm: Lập hồ sơ khống với tổng diện tích 2.194m2 cho 10 hộ dân không có đất để nhận 272,8 triệu đồng tiền bồi thường. Lập hồ sơ bồi thường với diện tích tăng thêm 6.746m2 cho 45 hộ để nhận số tiền bồi thường gần 759 triệu đồng...