Thành lập đội phản ứng nhanh về đột quỵ

Thu Huyền 11/03/2017 13:20

Tới đây, các trường hợp bệnh nhân đột quỵ sẽ có cơ hội được cứu chữa nhanh chóng, tăng khả năng hồi phục nhờ việc thành lập đội phản ứng nhanh về đột quỵ với Đội đột quỵ, Đơn vị đột quỵ, Khoa đột quỵ, Trung tâm đột quỵ.

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 47/2016/TT-BYT quy định việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh đột quỵ trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thông tư quy định, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tùy theo điều kiện thực tế tổ chức một trong các hình thức khám chữa bệnh đột quỵ sau: Đội đột quỵ; Đơn vị đột quỵ; Khoa đột quỵ; Trung tâm đột quỵ.

Theo đó, đội đột quỵ là đội phản ứng nhanh về đột quỵ do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành lập, có chức năng tiếp nhận, đánh giá nhanh, phân loại, xử trí cấp cứu ban đầu và hỗ trợ vận chuyển người bệnh đột quỵ.

Đơn vị đột quỵ là bộ phận thuộc khoa lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện các chức năng như của đội đột quỵ và cấp cứu, chẩn đoán, điều trị tích cực, phục hồi chức năng, dự phòng đột quỵ cho người bệnh.

Khoa đột quỵ là khoa lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện các chức năng như của đơn vị đột quỵ và điều trị nội khoa toàn diện cho người bệnh đột quỵ.

Trung tâm đột quỵ là đơn vị lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thực hiện chức năng như của khoa đột quỵ và điều trị ngoại khoa cho người bệnh đột quỵ.

Đội đột quỵ, đơn vị đột quỵ, khoa đột quỵ và trung tâm đột quỵ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải bảo đảm hoạt động liên tục 24/24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần. Tùy theo điều kiện thực tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức một trong các hình thức khám chữa bệnh đột quỵ sau: 1- Đội đột quỵ; 2- Đơn vị đột quỵ; 3- Khoa đột quỵ; 4- Trung tâm đột quỵ.

Người bệnh đột quỵ được coi là trường hợp cấp cứu. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ưu tiên tập trung mọi điều kiện về nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất để xử trí cấp cứu kịp thời, chẩn đoán nhanh, điều trị và phục hồi chức năng sớm cho người bệnh đột quỵ. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-3.

Tại Việt Nam, đột quỵ đứng thứ ba về nguyên nhân gây tử vong sau bệnh lý tim mạch, ung thư và dẫn đầu trong các nguyên nhân gây nên tàn tật. Thường khi trời trở lạnh, số bệnh nhân nhập viện do biến chứng cao huyết áp tăng rõ rệt. Một nghiên cứu cho thấy, có gần 70% người bệnh không biết mình bị cao huyết áp cho đến khi đột ngột bị tai biến mạch não, liệt, hôn mê. Thống kê của Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam cho thấy, mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc mới đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong, khoảng 30% có thể bị liệt. Càng tái phát nhiều, tỷ lệ tử vong càng lớn.

Thông thường, đột quỵ thường gặp ở những người tuổi từ 50 trở lên. Tuy nhiên, căn bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa, trong đó số lượng nam giới cao gấp nhiều lần nữ.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, đột quỵ có thể phòng ngừa được nếu vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên; giữ chế độ ăn uống đúng mức để tránh béo phì; hạn chế rượu, bia; tránh hút thuốc lá. Thời tiết các tỉnh miền Bắc đang trở lạnh, người có tiền sử cao huyết áp, người cao tuổi buổi sáng khi tỉnh giấc, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 -5 phút để cơ thể dần thích nghi.

Theo các bác sỹ, thời gian vàng đưa các bệnh nhân đột quỵ đến các cơ sở y tế chuyên sâu là 4,5-6 giờ đầu. Do đó việc nhận biết sớm những dấu hiệu của đột quỵ và sơ cứu đúng cách sẽ giúp bệnh nhân tăng tỉ lệ hồi phục, giảm tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành lập đội phản ứng nhanh về đột quỵ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO