Trong chuỗi các hoạt động tháng 3 “Màu áo xanh”, kỉ niệm 86 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ngày 26/3, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra hoạt động “Thanh niên với tình yêu biển đảo quê hương”. Đây cũng là dịp để lắng nghe những chia sẻ, những câu chuyện kỷ niệm về Trường Sa – một phần máu thịt của Tổ quốc.
Quang cảnh buổi giao lưu.
Kỷ niệm Trường Sa
Với chủ đề “Trường Sa nơi ta đến” các tác phẩm ảnh được trưng bày tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam do nhà báo Mỹ Trà “nháy” lại những khoảnh khắc trong chuyến ra với Trường Sa của Tổ quốc. Đến với buổi Triển lãm này tác giả mong muốn lan tỏa tinh thần biển đảo đến với các đồng bào dân tộc, các em học sinh, sinh viên, thế hệ tương lai của đất nước. Mong rằng đến với Trường Sa sẽ không còn là những chuyến đi xa xôi nữa mà sẽ trở thành một chuyến du lịch đến với dải đất yêu thương của dân tộc. Và Trường Sa cũng sẽ trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới.
Chia sẻ về những tác phẩm của mình tại triển lãm, nhà báo Mỹ Trà bồi hồi, trong gần 20 năm làm nghề, niềm ao ước được một lần đến với Trường Sa nó luôn thôi thúc trong tim tôi. Một cơ duyên đã đến khi mà tôi được cơ quan Đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu ra đảo Trường Sa. Tôi đã cầm máy được 20 năm, chuyến đi là một chuyến đi bão táp vì gặp bão nhưng thẫm đẫm tình quân dân. Tuy nhiên tôi đã chứng kiến một cảnh tượng mà tôi cho là mình may mắn, đó là khoảnh khắc mà cầu vồng nối liền đất với con tàu, tôi sững người khi có một đồng chí hướng mắt về phía con tàu, ở giữa con tàu lại là ngọn hải đăng chủ quyền đất nước. Chiếc cầu vồng xuất hiện nối liền ánh mắt chiến sĩ với con tàu. Có lẽ đó là một sự ưu tiên nào đó là trời đất đã dành cho tôi. Khoảnh khắc ấy có lẽ không bao giờ xuất hiện lại và không thể sắp đặt được”.
Hay nhà báo Mai Lan là “cây bút” viết rất nhiều về Trường Sa lại là những kỉ niệm khó quên về cuộc chiến trong lòng mỗi người. Ở đó, món quà mang về trong 2 lần được ra Trường Sa của chị là những nỗi niềm của các chiến sỹ hải quân gói gém cẩn thận phía sau nụ cười rám nắng. Phía sau nụ cười ấy là những câu chuyện buồn lắm. Như nỗi day dứt có lẽ sẽ mang theo cả đời của một người lính khi anh không thể về chịu tang bố mẹ. Như sự đau đớn đến tột cùng của người sĩ quan trẻ khi nghe tin đứa con mà mình chưa nhìn thấy mặt không còn... Là nhiều lắm những mơ ước được bù đắp cho gia đình, bạn bè, người thân yêu khi trở về...
“Vâng, nhưng có nhiều người đã không trở về, vĩnh viễn là vậy. Chúng ta nói nhiều về kẻ thù và cuộc chiến nào đó trong ngày hôm nay, nhưng có lẽ cuộc chiến lớn nhất vẫn nằm trong lòng mỗi người. Ở đó chúng ta có quyền lựa chọn hoặc ấm êm hoặc đau đớn cho bản thân mình. Còn với người lính ngoài kia tôi từng gặp, tôi biết họ lựa chọn sự ấm êm cho gia đình, dù biết đằng sau nó là sự đánh đổi. Chính vì vậy, trên những hòn đảo nhỏ bé ấy, tất cả những người lính tôi gặp đều mang một khuôn mặt, một ý chí và những nỗi niềm ... giống nhau. Tôi không thể nhớ hết tên họ, nên tôi gọi họ là Tổ quốc” nhà báo Mai Lan chia sẻ.
Hoàng Sa, Trường Sa là máu, là thịt
Cũng tại chương trình những người có dịp được ra Trường Sa đã cùng những câu chuyện họ được chứng kiến và trải nghiệm. Ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cũng cho biết: “Đến tháng 4/2012 tôi mới được có một cái trải nghiệm như chị Mỹ Trà, chị Mai Lan hồi đó được đến Trường Sa. Mặt đất của Tổ quốc nơi nào cũng thiêng liêng, nơi nào cũng yêu dấu, nhưng với Hoàng Sa, Trường Sa thì trở nên máu thịt” “Đêm không ngủ Trường Sa, đêm trở gió. Gió hồng hoang ào ạt phía Hoàng Sa. Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc. Ấp cờ đỏ lên tim mắt lệ nhòa” Ông Nguyễn Thế Kỷ đã đọc những câu thơ mình sáng tác đầy tự hào về Hoàng Sa, Trường Sa tại chương trình. Với những ông những người lính đã ngã xuống nơi đảo nổi, đảo chìm. Những hiện thực của đời sống, của những chiến sĩ Trường Sa thì có những hiện thực trần trụi ngay cả cái chết.
“Ở Trường Sa trong điều kiện hòa bình, dân và những chiến sĩ đã ngã xuống. Sự hi sinh của các anh không bao giờ uổng và tiếp thêm lá cờ cho chiến thắng của quân đội ta, lá cờ đỏ sao vàng Tổ quốc. Hôm nay trong dịp nhân kỉ niệm 86 năm ngày thành lập Đảng Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, chúng ta nói về Hoàng Sa, Trường Sa, tôi cho rằng đây là một chủ đề hay nhất và thiêng liêng nhất trong dịp này”, Ông Đặng Minh Hải, chuẩn Đô đốc, Phó chính ủy Quân chủng Hải quân,Quân đội Nhân dân Việt Nam chia sẻ.
Buổi giao lưu thực sự đã lan tỏa được tình yêu Hoàng Sa, Trường Sa trong lòng những người tới dự. Chúng ta càng yêu mến thêm biển đảo quê hương, càng tự hào thêm về các chiến sĩ, những người dân ngày đêm bám biển canh giữ tấc đất đảo xa của nước nhà.