Thành phố nghĩa tình trong trang sách

NGUYỄN VĂN HỌC 02/05/2023 05:58

Vùng đất Sài Gòn - Gia Định - TPHCM là nơi an cư và hiện thực hóa ước mơ của bao người. Cũng từ thành phố nghĩa tình này, bao áng văn chương đã xuất hiện, góp phần làm đời sống văn chương cả nước trở nên sôi động hơn. Và hơn hết, trong mỗi cuốn sách, các tác giả có dịp tri ân thành phố mà mình yêu quý.

Tranh của họa sĩ Phạm Công Tâm trong cuốn “Cảnh sắc phố thị Sài Gòn - Chợ Lớn”.

Đa dạng phong cách

TPHCM đã trở thành niềm cảm hứng cho nhiều người sáng tác văn chương, nghệ thuật. Không chỉ bởi đây là thành phố mang tên Bác, mà còn là một địa chỉ gắn với những đại chiến công trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Bởi thế, thực tế đã có rất nhiều nghiên cứu, phân tích, tác phẩm văn chương về thành phố qua nhiều năm tháng, tạo nên những phong cách, giọng điệu khác nhau. Từ đó độc giả có cái nhìn sâu sắc hơn, toàn diện hơn về lịch sử, phát triển của thành phố.

Nhiều cây bút lão thành coi thành phố là đối tượng nghiên cứu, đối tượng để giãi bày cảm xúc cá nhân như nhà văn Sơn Nam với “Giới thiệu Sài Gòn xưa”, “Ấn tượng Sài Gòn 300 năm”, “Đất Gia Định xưa - Bến Nghé xưa & Người Sài Gòn”; Bình Nguyên Lộc với “Những bước lang thang trên hè phố”; Vương Hồng Sển với “Sài Gòn năm xưa”; Lê Văn Nghĩa với “Sài Gòn - Chuyện xưa mà chưa cũ”, “Sài Gòn - Dòng sông tuổi thơ”…

Thông qua tác phẩm “Đất Gia Định xưa - Bến Nghé xưa & Người Sài Gòn” của nhà văn Sơn Nam, người đọc sẽ có điều kiện để hiểu biết thêm về vùng đất gọi là Gia Định xưa (cụ thể là cả Nam Bộ), từ đó hiểu thêm sự hình thành của Bến Nghé (vùng đất Gia Định nay là TPHCM) và tính cách của người dân nơi đây, gần như là đại diện tính cách của người Nam Bộ trong quá trình phát triển, xây dựng từ khi mở đất đến nay.

Tác phẩm “Những bước lang thang trên hè phố” của Bình Nguyên Lộc xuất bản lần đầu vào năm 1966, từ đó đến nay đã được tái bản nhiều lần. Điều hấp dẫn bạn đọc là tác giả đã tập trung viết về những điều giản dị, gần gũi. Từ những hàng me đến sông Ông Lãnh. Từ ngôi mả cũ bên đường đến những con phố. Thông qua những bài viết của mình, Bình Nguyên Lộc dựng lên một thành phố có thiên nhiên, lịch sử và văn hiến. Đó là một thành phố đang trong tiến trình đô thị hóa với những vận động ào ạt trên đà phát triển của những người đang sống. Nhưng đồng thời, nó cũng thể hiện, báo hiệu sự tồn tại khác, tồn tại của những người đã khuất.

Bạn đọc cả nước cũng từng ấn tượng với nhiều tác phẩm giàu tình cảm của nhà báo - nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy qua những đầu sách nghiên cứu lịch sử báo chí hoặc viết về thành phố xưa, như: “Báo quấc ngữ ở Sài Gòn cuối thế kỷ 19”, “Chữ quốc ngữ 130 năm thăng trầm”, “Mười tám thôn vườn trầu”… Sau đó, tiếp tục mạch chảy của đời sống, nhiều tác giả khác đã viết và cho xuất bản sách như: “Sài Gòn một thuở - Dân ông Tạ đó” của Cù Mai Công, “Sài Gòn - một sợi tơ lòng” của Lê Hoàng Hựu... Bạn đọc cũng thích văn phong của nhà báo Phạm Công Luận.

Sau khi xuất bản những cuốn sách “hot” như “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”, “Những lối về ấu thơ”, anh như trở thành người chuyên nghiên cứu, viết về thành phố với những tác phẩm như “Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm”, “Những bức tranh phù thế”, “Sài Gòn phong vị báo Xuân xưa”…

Vừa rồi, cuốn sách “Sài Gòn hay ta” với những trang viết sống động và giàu cảm xúc, khi lãng mạn khi hóm hỉnh của Bình Bồng Bột về Sài Gòn, hòa với sắc màu rực rỡ tươi mới trong những bức tranh của Thăng Fly, đã khắc họa thật trìu mến một thành phố của đại lộ thênh thang và ngõ hẻm lắt léo, của nỗi hoài niệm quá khứ và cuộc chuyển mình hiện đại, của cái bất biến và sự đổi thay, nhưng trên tất cả, là của những con người ấm áp khiến ta tin vào điều tử tế trong cuộc sống.

Đề tài không bao giờ vơi cạn

Chia sẻ với những bạn trẻ viết văn hiện đang sống và làm việc tại TPHCM, được biết vẫn còn rất nhiều bạn trẻ đang viết về thành phố thân yêu. Nhỏ nhất là những tản văn, bài thơ, truyện ngắn, lớn hơn là tập nghiên cứu, tiểu thuyết, ký sự về thành phố với nhiều góc cạnh khác nhau, trong đó có những vấn đề của đời sống hôm nay, khơi gợi cảm hứng sáng tạo, cảm hứng sống tốt, chung tay xây dựng cuộc sống nghĩa tình, no ấm.

Nhà văn Tống Phước Bảo mới đây đã xuất bản tập tản văn “Sài Gòn còn thương thì về” gồm 19 tản văn, 8 truyện ngắn viết về mảnh đất đã “ấp yêu” tác giả hơn 30 năm. Tống Phước Bảo tâm sự: “Khi viết về Sài Gòn - TPHCM, tôi nghĩ đơn giản mình chỉ mới sống có hơn 30 năm với mảnh đất này, nên cần viết một cách nhẩn nha nhất để góp nhặt sao cho Sài Gòn của mình, của lăng kính một người trẻ, phải sinh động, chân thật và thời cuộc nhất.

Chẳng thể ôm trọn thành phố vào một cuốn sách, thì mình viết từ từ, cuốn này một khía cạnh, có thể cuốn sau lại một lát cắt khác. Trong mỗi trang viết của các nhà văn hóa, nhà văn, nhà nghiên cứu, thành phố trở nên đẹp và lung linh hơn. Thành phố cũng là nguồn cảm hứng, khơi gợi đề tài viết không bao giờ vơi cạn”.

Tống Phước Bảo cũng chia sẻ rằng, khi chọn viết bất cứ điều gì về TPHCM, anh cũng chắt lọc kĩ. Bởi từ cả trăm năm qua, rất nhiều người đã viết, nên anh không muốn đem đến một sự rập khuôn. Anh muốn một đô thị chân thật nhất. Bảo chọn đi vào các số phận, mảnh đời, câu chuyện hay chỉ một lát cắt bình dân ấy để mang đến cho độc giả những câu chữ mộc mạc, dung dị nhưng đó mới là một thành phố còn đang lẩn khuất cần khơi gợi. “Ở mảnh đất này, mỗi một con người mang trên mình một câu chuyện. Mỗi một câu chuyện đều có sứ mệnh của nó. Là người viết, tôi nghĩ mình chẳng thể làm gì ngoại trừ viết thật nhất, để độc giả mình có thể hình dung đầy đủ và trọn vẹn nhất”, Tống Phước Bảo nhấn mạnh.

Họa sĩ Trần Thùy Linh, người gốc Hà Nội, 10 năm qua đã chuyển vào sống tại TPHCM cũng đã được gây cảm hứng để viết về vẽ. Chị đã xuất bản tập tản văn “Sài Gòn những mùa yêu”. Trần Thùy Linh định nghĩa về siêu đô thị này rất khác lạ. Đó là một đại đô thị xộc xệch, chộn rộn, ấy vậy nhưng trong mỗi ngóc ngách của nó, cứ ẩn hiện những màu sắc tuyệt mỹ mà càng ngắm, càng khám phá lại càng thích thú.

Dường như cái duyên với thành phố này bắt đầu từ công việc đầu tiên của chị ở thành phố - hướng dẫn viên du lịch. Môi trường đã tạo cho chị nhiều cơ hội để tìm hiểu nhiều hơn về thành phố, về con người và đặc biệt về những câu chuyện xung quanh việc hình thành và phát triển của thành phố được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông. Trần Thùy Linh chia sẻ: “Tôi sẽ vẫn viết về thành phố theo cách của mình, với cái nhìn của người ngày hôm nay, yêu và muốn gắn bó với thành phố”.

Thực tế, ở Hà Nội có dòng văn chương về ẩm thực. Cụ thể như phở Hà Nội đã đi vào văn chương của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Thạch Lam…; thì ở TPHCM, những món ăn đặc trưng của vùng đất này cũng đã bước vào văn chương. Như các tác phẩm “Ăn để nhớ” của nhà báo Kim Em; Lê Đắc Hoàng Hựu với “Lược sử truyền miệng thức uống Sài Thành” và “Hệ nàng cơm nàng bún”; Trần Tiến Dũng với “Sài Gòn chở cơm đi ăn phở”; Ngữ Yên với “Sài Gòn, Ồ bỗng ngon ghê”...

Thứ đơn giản nhất là bánh mỳ, cũng đã trở thành một đề tài để nhiều tác giả khai thác. Như nhà văn Lê Văn Nghĩa mê bánh mì đến độ ông đưa món ăn này vào khá nhiều cuốn sách của mình: “Hạt bụi bên nhau”, “Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài, và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy”, “Mùa Hè năm Petrus”... Bánh mì trong các tác phẩm của Lê Văn Nghĩa không đơn giản chỉ là món ăn mà còn thể hiện nét văn hóa đặc trưng của người dân đô thị này.

Nhà văn Võ Chí Nhất chia sẻ, ở mỗi thành phố đều có những nét đẹp, sự khơi gợi cảm hứng riêng cho sáng tác văn chương. Người trẻ có điều kiện sống trong thành phố, viết về thành phố cũng là cách tri ân thành phố, làm lan tỏa những vẻ đẹp của thành phố. Đồng quan điểm ấy, nhà thơ Lê Minh Quốc cho biết thêm: “Sài Gòn - TPHCM là đề tài luôn cuốn hút các thế hệ cầm bút. Một thành phố với lịch sử hơn 320 năm, còn rất trẻ so với nhiều đô thị cổ hàng ngàn năm nhưng ẩn chứa nhiều tầng văn hóa phong phú. Đó là điều các cây bút cần khai thác”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thành phố nghĩa tình trong trang sách