Một thống kê mới đây cho thấy, xét về thành tích tại World Cup, đội tuyển futsal Việt Nam xếp thứ ba châu Á, chỉ sau Iran, Thái Lan, ngang với Nhật Bản và trên rất nhiều nền bóng đá khác.
Thành tích này của chúng ta xếp trên rất nhiều anh hào của bóng đá châu Á, gồm Australia (mới chỉ một lần vào vòng bảng World Cup vào năm 2016), Uzbekistan (một lần vào vòng 1/8 năm 2012), Saudi Arabia (một lần góp mặt tại vòng bảng năm 1989).
Ngoài ra, danh sách các nền bóng đá lớn xếp dưới futsal Việt Nam ở đấu trường World Cup còn có Trung Quốc (chưa lần nào vượt qua vòng bảng, tại ba kỳ giải các năm 1992, 1996 và 2008), Kuwait (một lần dự vòng bảng năm 2012).
Riêng những đội gồm Hàn Quốc, UAE, Qatar, Iraq, Syria, Bahrain, Oman, Jordan, dù là các đội có truyền thống trong môn bóng đá sân cỏ 11 người, nhưng họ không mấy phát triển môn futsal.
Hàn Quốc và UAE chưa lần nào dự World Cup futsal, dù từng tham dự các VCK World Cup sân cỏ. Iraq cũng chưa bao giờ dự World Cup futsal, dù Iraq từng vô địch bóng đá châu Á sân 11 người (năm 2007).
Trong khi đó, đội hạng 7 thế giới hiện nay là Kazakhstan mới một lần vào đến vòng bảng World Cup hồi năm 2000, nếu chỉ tính thời điểm đội này còn sinh hoạt chung với bóng đá châu Á (từ sau năm 2002, Kazakhstan chuyển sang sinh hoạt với Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA).
Thành tích tốt thứ nhì châu lục là Thái Lan. Đội bóng đất Chùa Vàng có ba lần lọt vào vòng 1/8 World Cup, vào các năm 2012 (trên sân nhà), 2016 và 2021. Số lần vào vòng 1/8 của Thái Lan nhiều hơn đội tuyển futsal Việt Nam một lần.
Hai đội Việt Nam và Nhật Bản đồng hạng ba về mặt thành tích tại World Cup, trong số các đội thuộc châu Á.
Những lần vào vòng 1/8 của tuyển futsal Việt Nam là tại World Cup futsal 2016 và 2021. Về phía Nhật Bản, họ cũng chỉ mới có hai lần vào vòng 1/8, vào các năm 2012 và 2021, dù về số lần tham dự VCK World Cup, Nhật Bản nhiều hơn hẳn tuyển futsal Việt Nam: 5 so với hai.
Thành tích cụ thể của các đội tuyển futsal tại châu Á, qua các kỳ World Cup
Saudi Arabia: World Cup 1989 (vòng bảng)
Nhật Bản: 1989 (vòng bảng), 2004 (vòng bảng), 2008 (vòng bảng), 2012 (vòng 1/8), 2021 (vòng 1/8).
Hong Kong (Trung Quốc): 1992 (chủ nhà của VCK, bị loại sau vòng bảng).
Iran: 1992 (hạng tư), 1996 (vòng bảng), 2000 (vòng bảng), 2004 (vòng bảng), 2008 (tứ kết), 2012 (vòng 1/8), 2016 (hạng ba), 2021 (vòng 1/8).
Trung Quốc: 1992 (vòng bảng), 1996 (vòng bảng), 2008 (vòng bảng).
Malaysia: 1996 (vòng bảng).
Kazakhstan: 2000 (vòng bảng).
Thái Lan: 2000 (vòng bảng), 2004 (vòng bảng), 2008 (vòng bảng), 2012 (chủ nhà của VCK, vào đến vòng 1/8), 2016 (vòng 1/8), 2021 (vòng 1/8).
Đài Loan (Trung Quốc): 2004 (chủ nhà của VCK, bị loại sau vòng bảng).
Kuwait: 2012 (vòng bảng).
Uzbekistan: 2016 (vòng bảng), 2021(vòng 1/8).
Australia: 2016 (vòng bảng).
Việt Nam: 2016 (vòng 1/8), 2021 (vòng 1/8).