Cũng như mọi năm, năm nay, tổng kết năm học lại “mưa” giấy khen, “mưa” danh hiệu khi mà tỷ lệ học sinh giỏi ở các lớp, các trường vô cùng lớn. Nếu đúng, đó là thành tích. Nếu sai, thì đó lại là thành tích không hoàn hảo.
Tất cả cũng từ bệnh thành tích mà ra. Những con số màu hồng về tỷ lệ học sinh giỏi như thể đánh lừa xã hội khi mà nhiều bậc phụ huynh đón kết quả học tập quá xuất sắc của con nhưng lại tỏ ra nghi ngại, băn khoăn. Hơn ai hết, họ hiểu lực học của con em mình. Nhưng đáng tiếc đó là số ít. Còn lại đa số phụ huynh phấn khởi.
Vì sao lại có tình trạng “mưa” thành tích trong nhà trường. Bởi vì giáo viên các lớp đua nhau, các trường đua nhau, các phòng giáo dục, các sở giáo dục đua nhau. Không còn trường hợp học sinh lưu ban, dốt mấy cũng cố đẩy lên. Từ đó, số học sinh giỏi, học sinh khá áp đảo học sinh học lực trung bình. Như vậy vừa làm vui lòng các bậc phụ huynh, vừa làm đẹp thành tích của lớp, của trường, của ngành.
Với quá nhiều học sinh giỏi, nhưng sao xã hội vẫn lo lắng? Về nguyên tắc, môi trường giáo dục tốt thì học sinh mới học giỏi. Nhưng sao thành tích cao như vậy mà bạo lực học đường lại ở mức báo động? Số liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra cho thấy, mỗi năm toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau cả trong lẫn ngoài trường học. Trung bình có khoảng 5 vụ bạo lực/ngày. Cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì bạo lực học đường. Có vụ đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng đến mức phải khởi tố vụ án. Thật đau xót khi một học sinh lớp 8 (trường Trung Mầu, Hà Nội) bị bạn cùng học hành hung đến nỗi trầm cảm, phải đi điều trị tâm thần. Em đã nhiều lần tự hủy hoại cuộc sống của mình bằng cách tự rạch tay, lao đầu vào tường, dí dây điện vào người… ngay cả khi đang điều trị trong bệnh viện.
Với học sinh thành tích “ảo” sẽ tạo ra những thế hệ học sinh ảo tưởng về bản thân. Kết quả học tập hoàn hảo được chính các thầy cô ghi nhận khiến các em tự mãn, không cần phải cố gắng, từ đó làm thui chột ý thức phấn đấu vươn lên, điều vô cùng cần thiết ở lứa tuổi của các em. Theo giới tâm lý học, những thành tích hoàn hảo đó còn khiến nhiều em tự cho mình là những “ông trời con”, không biết phân định đúng sai, thiếu kiểm soát, dẫn đến những hành vi rất đáng tiếc.
Như vậy, từ việc được coi là thành tích hoàn hảo nhưng nguồn cơn là từ bệnh thành tích nên lại thành ra “thành tích không hoàn hảo”. Thật đáng trách!
Tuy nhiên, nói đi thì cũng cần nói lại, đó là bệnh thành tích trong giáo dục cũng bị chính người trong cuộc phản ứng. Thời gian qua, không ít giáo viên trực tiếp đứng lớp đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cách trị căn bệnh này. Một số ý kiến cho rằng, muốn thế thì cần bãi bỏ việc khen thưởng giáo viên được trường đánh giá là đạt hiệu quả giảng dạy cao khi có nhiều học sinh khá giỏi, lớp không có học sinh yếu. Có nghĩa là cần dẹp từ gốc thành tích ảo, điểm ảo.
Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công bố nội dung Dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Nhưng liệu có đủ sức răn đe khi chỉ xử phạt bằng tiền từ 8 - 15 triệu đồng đối với hành vi sửa chữa học bạ, sổ điểm, phiếu điểm, làm sai lệch kết quả học tập của người học (Điều 30 của Dự thảo)? Không ít giáo viên thực sự là những tấm gương sáng, họ không chấp nhận nâng khống điểm cho học sinh để làm đẹp hồ sơ giảng dạy của họ và còn để đẹp lòng các cấp lãnh đạo, quản lý. Nhưng trước sức ép thành tích mang tính hệ thống, không phải ai có thể giữ được lập trường.
Sáng 5/9/2022, dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Chúng ta đừng vì bệnh thành tích, áp đặt mà làm tổn thương con trẻ”.
Cũng còn không bao lâu nữa một năm học mới lại bắt đầu. Thiết nghĩ, để khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục như chỉ đạo của Thủ tướng, trước hết và sâu xa là phải đề cao tính trung thực, tôn trọng những giá trị cốt lõi muôn đời của giáo dục, “trồng người”.