Giới chuyên gia nhận định, một trong những yếu tố có ý nghĩa nhất của thanh toán không dùng tiền mặt đó là sự công khai, minh bạch. Đặc biệt, thanh toán không dùng tiền mặt có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống rửa tiền, giảm sự bành trướng của hoạt động tín dụng phi chính thức, là cơ sở để tăng thu thuế với ngân sách nhà nước.
Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức giao dịch phổ biến trên thế giới và đang được triển khai rộng rãi ở Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thanh toán không dùng tiền mặt góp phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống rửa tiền, giảm sự bành trướng của hoạt động tín dụng phi chính thức, là cơ sở để tăng thu thuế với ngân sách nhà nước.
Nhiều dịch vụ thanh toán mới
Thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch là một trong những phương thức truyền thống. Tuy nhiên, khi nền kinh tế ngày càng phát triển, việc thanh toán theo phương thức này khó đáp ứng được nhu cầu của toàn bộ nền kinh tế và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc nghiên cứu, đề xuất, ứng dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là một trong những giải pháp ưu việt, cần được áp dụng rộng khắp.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động, chỉ thị triển khai, đặc biệt là rà soát và chỉnh sửa hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho hoạt động hệ thống ngân hàng ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số.
Đến nay, hệ sinh thái số và thanh toán số của hệ thống ngân hàng đã được thiết lập và kết nối với các dịch vụ ở các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, mang lại nhiều dịch vụ tiện ích cho người dân. Hoạt động thanh toán trong nền kinh tế được diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt; các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tăng trưởng tương đối tốt.
Kết quả TTKDTM trong 10 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020: giao dịch qua POS tăng tương ứng 14,25% và 12,6% về số lượng và giá trị giao dịch; qua kênh Internet tăng tương ứng 49,39% và 29,14%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 72,67% và 85,09%; thanh toán qua kênh QR code tăng tương ứng 54,24% và 120,64% với hơn 90.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR code...
Hiện nay, nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, QR Code, Ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai.
Còn theo Nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng của Visa năm 2021, 85% người tiêu dùng trên khắp Đông Nam Á chấp nhận một số phương thức thanh toán kỹ thuật số bao gồm thẻ, thẻ không tiếp xúc, thanh toán di động, ví điện tử và thanh toán bằng mã QR.
Gần 2/3 người tiêu dùng ở Đông Nam Á (64%) cũng đã cố gắng không dùng tiền mặt, đặc biệt là người tiêu dùng ở Việt Nam (84%), Thái Lan (82%) và Philippines (79%).
Những số liệu này cho thấy, phương thức TTKDTM đang trở nên gần gũi hơn với người dân.
Chị Hoàng Thu Hà (CT2, Khu đô thị Văn Khê, Hà Nội), chia sẻ, hơn 2 năm nay khi đi siêu thị mua đồ hay đặt hàng trực tuyến tại shopee chị đều thanh toán bằng thẻ. “Thực ra cầm tiền mặt nhiều khi bất tiện, cứ phải khư khư giữ ví sợ đánh rơi. Chưa kể cầm nhiều thì lại tiêu nhiều. Do vậy, trừ khi phải đi chợ mua rau hay vài thứ lặt vặt tôi mới dùng tiền mặt” - chị Hà chia sẻ.
Anh Nguyễn Hồng Thái (Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) cũng cho biết, hơn 1 năm từ khi bùng dịch Covid-19 anh chủ yếu mua sắm online, đồng nghĩa với việc thanh toán online nhiều hơn.
TTKDTM được sử dụng khá phổ biến trên các nền tảng thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee... Tỉ lệ thanh toán không tiền mặt trên sàn thương mại điện tử Lazada cũng tăng khá mạnh.
Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, tỉ lệ TTKDTM cũng tăng cao. Giám đốc hoạch định tài chính Aeon Việt Nam Lưu Hồng Phước thông tin: Tỉ lệ TTKDTM của Aeon Việt Nam tăng dần qua các năm, hiện đạt gần 50%. Việc tăng tốc chuyển đổi số, đẩy mạnh TTKDTM nằm trong chiến lược phát triển dài hạn của Aeon Việt Nam, đồng thời cũng phù hợp xu hướng chung, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh hiện tại.
Chủ tịch Công ty TNHH bán lẻ BRG Nguyễn Thái Dũng cũng cho biết: Tập đoàn BRG đang tập trung đầu tư để chuỗi hệ thống siêu thị, các cửa hàng triển khai nhiều giải pháp thanh toán, tạo thuận lợi cho khách hàng làm quen với các hình thức không dùng tiền mặt.
Chủ động xây dựng hệ sinh thái
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1813 phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2015. Đề án đặt mục tiêu đưa TTKDTM thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị, từng bước phát triển ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; nâng cấp phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ thanh toán... với các chỉ tiêu cụ thể như: Giá trị TTKDTM gấp 25 lần GDP; 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch;…
Tại hội thảo với chủ đề “Ngày không tiền mặt” diễn ra vào trung tuần tháng 12 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng nhấn mạnh: Một trong những yếu tố có ý nghĩa nhất của TTKDTM đó là sự công khai, minh bạch. Điều này liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, ngăn ngừa những hành vi không đúng quy định của pháp luật.
“Nếu chúng ta thực hiện tốt việc này, không chỉ uy tín quốc gia được nâng lên mà những định hướng, chiến lược trong các lĩnh vực khác chúng ta cũng thực hiện được” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Lê Thị Thanh, trường Đại học Tài chính - Quản trị kinh doanh phân tích, khi chi tiêu bằng tiền mặt, cơ quan quản lý sẽ rất khó khăn trong việc xác định tính xác thực của các giao dịch. Có thể xảy ra tình trạng giao dịch khống nhằm mục đích trốn thuế, gian lận thuế của doanh nghiệp. Trong khi thanh toán không tiền mặt có thể khắc phục được hạn chế này.
Vị chuyên gia này chỉ rõ, TTKDTM ngày càng chiếm ưu thế vì độ an toàn cao, nếu bị mất thẻ tín dụng, chủ thẻ chỉ cần báo khoá thẻ là thẻ sẽ không thực hiện được giao dịch, còn với tiền mặt thì điều này rất bất lợi. Đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 phương thức thanh toán không tiền mặt có thể được xem là một phương thức an toàn, giúp người sử dụng quản lý được chi tiêu. Hiện các ngân hàng đều có ứng dụng để khách hàng có thể truy cập và theo dõi các khoản thu chi bất cứ lúc nào.
Đề TTKDTM phát triển, theo bà Thanh cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống rửa tiền trong thanh toán điện tử, trung gian thanh toán, đảm bảo hoạt động an ninh an toàn, hiệu quả. Giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn; giám sát hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đảm bảo hoạt động đúng quy định.
PGS.TS Hoài Linh, Viện Ngân hàng - Tài chính, trường Đại học Kinh tế quốc dân khẳng định, khi chi tiêu bằng thẻ, có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản; tiền gửi vào và rút ra nhanh khỏi tài khoản; doanh số giao dịch lớn trong ngày nhưng số dư tài khoản rất nhỏ hoặc bằng không sẽ bị phát hiện ngay và trở thành những giao dịch bất thường.
Hay như các giao dịch chuyển tiền có giá trị nhỏ từ nhiều tài khoản khác nhau về một tài khoản hoặc ngược lại trong một thời gian ngắn cũng không thể giấu được. Do vậy, TTKDTM sẽ kiểm soát được dòng tiền đến, dòng tiền đi một cách chính xác, cơ quan điều tra cần có thể can thiệp để ngăn chặn các hành vi không minh bạch.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng: Khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt
NHNN đã nghiên cứu, ban hành quy định tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa như: Hướng dẫn mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử trực tuyến (eKYC); thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và đã cấp phép cho 3 nhà mạng viễn thông gồm Viettel, VNPT và MobiFone triển khai thí điểm; nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, QR Code, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai.
NHNN sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; trong đó đặc biệt chú trọng đến những nơi có tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt cao và hạn chế trong việc tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
TS Cấn Văn Lực: Tính an toàn vẫn là mối lo ngại
Tội phạm tấn công mạng ngày càng gia tăng với mức độ tinh vi khó lường. Trong khi đó ý thức phòng tránh của người dân và các đơn vị chấp nhận TTKDTM còn hạn chế. Hơn nữa việc xử lý, giải quyết những thiệt hại của khách hàng, người sử dụng dịch vụ đã xảy ra trong thời gian qua chưa thực sự rõ ràng càng khiến người dân ngần ngại hơn. Đặc biệt ở khu vực nông thôn, vẫn còn những hạn chế như mất điện, gián đoạn, nghẽn đường truyền viễn thông hoặc do công tác chăm sóc khách hàng chưa kịp thời. Bên cạnh đó, môi trường pháp lý về lĩnh vực TTKDTM còn chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ, các chính sách và điều kiện hỗ trợ phát triển dịch vụ thanh toán điện tử còn thiếu. Vì vậy, đây vẫn là mối lo ngại cần phải sớm được khắc phục.