Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, hiện nay diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ.
PV: Là nước nhiệt đới có lợi về rau quả, song thực tế tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm rau quả hữu cơ còn khiêm tốn, theo ông đâu là nguyên nhân?
TS NGUYỄN ĐĂNG NGHĨA: Nước ta là một nước nhiệt đới có chiều dài vĩ độ khác nhau nên có cả những vùng bán nhiệt đới vì vậy rất phong phú về chủng loại rau (ăn lá, ăn quả và ăn củ). Mặt khác, nông dân rất cần cù nên sản lượng rau cũng khá lớn. Nhưng rau hữu cơ phục vụ xuất khẩu lại khiêm tốn, nguyên nhân do chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu của bên cần nhập khẩu về tiêu chuẩn chất lượng và mẫu mã. Rau hữu cơ của Việt Nam còn thiếu chứng chỉ nông sản hữu cơ của OMRI, USDA…
Thực tế cho thấy, dù là được có thế mạnh nông sản song chúng ta chưa có quy hoạch về sản xuất hữu cơ, chưa có các cơ chế chính sách riêng hỗ trợ cho sản xuất hữu cơ mà lồng ghép thực hiện trong các chương trình, dự án khác như chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản; cũng chưa có nhiều tổ chức kiểm tra chứng nhận sản xuất hữu cơ, phần lớn việc chứng nhận hữu cơ phải thuê các tổ chức nước ngoài nên chi phí cao, khó thực hiện, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ hoặc các hộ dân. Một vấn đề nữa là hiện nay chưa có bộ quy chuẩn và tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại sản phẩm. Tiêu chuẩn quốc gia hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2015 chưa thật sự đi vào cuộc sống thì đã phải chuẩn bị để thay thế bằng Tiêu chuẩn quốc gia mới. Do đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang đứng trước thách thức về thu nhập của người sản xuất, sự phức tạp về quá trình sản xuất và giám sát.
Nhu cầu nhập khẩu sản phẩm hữu cơ trên thế giới rất lớn, làm thế nào để chúng ta mở rộng thị phần xuất khẩu thưa ông?
- Theo tôi sản xuất nông nghiệp hữu cơ không còn là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề chính sách. Do vậy, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đến nông nghiệp hữu cơ cần sớm ban hành các chính sách cụ thể, khả thi để hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ phát triển. Cụ thể, cần quy hoạch và bảo vệ khu vực đất đai, nguồn nước chưa hoặc ít bị ô nhiễm và còn phù hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hóa. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; phải minh bạch và hài hòa các quyền lợi cho những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia trong chuỗi.
Không chỉ xuất khẩu, với thị trường trong nước dường như sản phẩm hữu cơ vẫn chưa thực sự tạo dựng được niềm tin cho người tiêu dùng. Theo ông, đâu là lý do?
- Đúng vậy, vì chúng ta chưa có một “trọng tài” công minh đủ uy tín và hợp pháp để bảo hộ sản phẩm hữu cơ cho người người nông dân và người tiêu dùng tin tưởng. Hơn nữa, chưa có cơ quan của Việt Nam cấp chứng chỉ nông sản hữu cơ có uy tín. Người tiêu dùng còn thiếu thông tin và kiến thức về nông sản hữu cơ. Bên cạnh đó, người sản xuất sản phẩm hữu cơ không được đông viên và khuyến khích bằng giá cả. Đây là những nhân tố cản trở sự phát triển của sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngay tại thị trường nội địa.
Trân trọng cảm ơn ông!