Gần đây lực lượng công tác trong lĩnh vực y tế trường học đang gặp nhiều khó khăn do nguồn thu nhập thấp. Việc giảm chế độ, chính sách đối với đội ngũ này cũng khiến nhiều trường học gặp khó khăn để “giữ chân” những người tâm huyết gắn bó công tác ở cơ sở.
Bác sĩ Huỳnh Trung Tuần (SN 1968) - nhân viên y tế Trường Tiểu học Trưng Trắc (quận 11, TPHCM) đã có thâm niên 29 năm công tác tại vị trí nhân viên y tế trường học. Theo bác sĩ Tuần, vai trò của những “chiến sĩ mặc áo blue” ở trường học trong những năm qua phải “đứng mũi chịu sào” để bảo đảm sức khỏe cho đội ngũ giáo viên, học sinh, nhân viên, kể cả phụ huynh và người dân lân cận.
“Nhân viên y tế phải có mặt tại trường từ 6 giờ sáng để kiểm tra thực phẩm nguồn nhập vào, ký xác nhận thực phẩm đảm bảo an toàn mới tiến hành chế biến cho học sinh bán trú ăn trong ngày. Ngoài ra, trực y tế xử lý tất cả các ca bệnh, các vụ tai nạn xảy ra, phòng, chống bệnh tật học đường và nhân viên y tế cũng là người rời khỏi trường sau cùng để đảm bảo an toàn trường học” - bác sĩ Tuần chia sẻ, đồng thời cho biết, vào đợt dịch covid-19 vừa qua, nhiều nhân viên y tế trường học thực hiện nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch, tham gia tất cả các việc phòng, chống dịch Covid-19 toàn dân. Khi học sinh trở lại trường, nhân viên y tế tiếp tục gánh tất cả các việc phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường như: test, cách ly ca bệnh, khử khuẩn môi trường và lớp học...
Công tác tại huyện giáp biên giới đến nay đã được 8 năm, y sĩ Nguyễn Thanh Tâm (SN 1994) - nhân viên y tế Trường Tiểu học Thuận Nghĩa Hòa (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) cho biết, anh được giao trực tiếp phụ trách về công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho tất cả giáo viên, học sinh của Nhà trường. Ngoài trực tiếp xử trí ban đầu các ca bệnh nặng xảy ra tại trường, trong những năm qua các nhân viên y tế cùng san sẻ để vượt qua khó khăn. Cũng theo anh Tâm, do ở trường học chỉ có một nhân viên y tế nên áp lực rất lớn, nhất là giai đoạn dịch bệnh. Các em học sinh gặp các vấn đề sức khỏe cùng lúc. Lúc này, các nhân viên y tế là người phải tiếp xúc trực tiếp với học sinh. Do đó, tiếp xúc với tất cả các loại dịch bệnh lây nhiễm, khiến khả năng phơi nhiễm rất cao, nguy cơ cao lây nhiễm cho bản thân và cho gia đình.
Là một bộ phận không thể thiếu của y tế cơ sở, thế nhưng trong những năm qua lực lượng y tế trường học đang gặp nhiều khó khăn do nguồn thu nhập thấp. Y sĩ điều dưỡng Ngô Thị Út (SN 1986), nhân viên y tế trường THCS Phú Thọ (quận 11, TPHCM) cho biết, dù lĩnh vực công tác rất khó khăn, với đồng lương ít ỏi, thế nhưng vì lương tâm nghề nghiệp và các “mầm non tương lai”, chúng tôi đã gắn bó 15 năm nay ở trường mà không chút phàn nàn, nề hà công việc khó khăn. “Chúng tôi mong ngành y tế, giáo dục cũng như các bộ, ngành liên quan xem xét để có chế chế độ phụ cấp đầy đủ theo bậc lương như nhân viên y tế cơ sở cho đội ngũ nhân viên y tế trường học hiện nay để họ yên tâm công tác, cống hiến cho nhà trường và xã hội” - chị Út nói.
Cùng ý kiến này, điều dưỡng Phạm Thị Minh Quyên (SN 1983) - nhân viên y tế trường mầm non Hoa Hồng 1 (tỉnh Bình Dương) tâm tư: “Bản thân tôi là một nhân viên y tế có 12 năm công tác ở cơ sở trường học. Từ khi vào ngành, chúng tôi luôn nỗ lực hết mình để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, giáo viên yên tâm công tác. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất được tỉnh quan tâm về tất cả các chế độ phụ cấp ưu đãi theo quy định”. Thế nhưng theo chị Quyên, hiện tại nhiều nhân viên y tế ở các tỉnh vẫn chưa được hưởng phụ cấp, có nơi được hưởng nhưng cũng chỉ được 10%. “Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn các cấp lãnh đạo trung ương và từng địa phương cần quan tâm hơn nữa cho y tế trường học, đảm bảo được hưởng đồng đều 20% phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định chung” - chị Quyên kiến nghị.