Với sự phát triển trong đời sống văn hoá, các lễ hội đang trở thành những hoạt động gắn kết cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, trước sự gia tăng về số lượng và quy mô cũng đã cho thấy những lỗ hổng trong công tác quản lý.
Ngổn ngang vướng mắc
Theo số liệu thống kê, ở Việt Nam hiện nay có khoảng 8.000 lễ hội ở nhiều quy mô khác nhau. Ở đó mỗi lễ hội đều có sức hấp dẫn đặc biệt lôi cuốn đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia. Chính vì nhu cầu phát triển nên việc thương mại hoá tại lễ hội cũng đang được nhiều địa phương hướng đến. Tuy nhiên, việc thương mại hoá cũng tạo ra vô vàn những biến tướng. Trong đó có việc quá chạy theo đồng tiền mà bất chấp những hậu quả tiêu cực có thể tác động đến lễ hội. Không khó để thấy đã từng có nhiều người lợi dụng lễ hội để kiếm lợi bằng cách kinh doanh các loại hình dịch vụ “ăn theo” như ăn, nghỉ, bán hàng với giá đắt, thực hiện những dịch vụ thiếu lành mạnh… Thực trạng này không chỉ tồn tại ở các lễ hội có qui mô lớn, mà còn len lỏi đến lễ hội ở các vùng quê.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Thương mại hóa lễ hội chưa chắc đã trở thành vấn đề đối với việc quản lý lễ hội nếu nó không vượt ngưỡng một cách thái quá. Không nên đấu thầu lễ hội mà chỉ có thể cho đấu thầu dịch vụ phục vụ lễ hội, theo những nguyên tắc nhất định để dịch vụ không làm mất đi ý nghĩa văn hóa của lễ hội. Chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, lễ hội, khuyến khích các địa phương lấy di tích nuôi di tích, lấy lễ hội nuôi lễ hội là đúng. Tuy nhiên, huy động nguồn lực kinh tế từ mọi thành phần trong xã hội không đồng nghĩa với việc các lễ hội truyền thống bị biến dạng, không giữ được bản sắc vốn có của nó.
Không chỉ khó trong “dung hoà” vấn đề thương mại hoá, những “bê bối” của một số lễ hội hiện nay cũng đã cho thấy sự lúng túng trong công tác chỉ đạo quản lý hướng dẫn của địa phương. Việc tổ chức lễ hội nghiêng về lợi ích kinh tế, khiến ý nghĩa văn hóa tinh thần mờ nhạt. Bên cạnh đó, do tác động của mặt trái kinh tế thị trường đã dẫn đến nhận thức sai lệch về mục đích tổ chức lễ hội, coi di tích và lễ hội là nguồn lợi riêng của địa phương nên tập trung khai thác giá trị kinh tế, thương mại hóa các loại hình hoạt động dịch vụ, làm giảm giá trị truyền thống của lễ hội. Đặc biệt, việc phân cấp quản lý lễ hội và di tích chưa thống nhất khi có nhiều chủ thể cùng tham gia quản lý. Hiện nay có nơi do UBND huyện, thị xã tổ chức và quản lý lễ hội; có nơi giao cho UBND xã, phường tổ chức và quản lý; có nơi do Ban quản lý chuyên môn, công ty kinh doanh khai thác các hoạt động vận chuyển và dịch vụ. Chính bất cập này mà cứ đến mùa lễ hội, các cơ quan quản lý và địa phương lại “đau đầu”. Lễ hội quy mô càng lớn thì nỗi lo lại càng nhiều.
Quy tắc ứng xử trong lễ hội
Có thể nói, câu chuyện quản lý lễ hội luôn là “bài toán” hóc búa cho những nhà quản lý. Trong làn sóng dịch bệnh phức tạp, khó lường, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa tại các di tích, lễ hội càng được các địa phương chú trọng, đẩy mạnh. Không gian dành cho các hoạt động phần hội sôi nổi như những mùa lễ hội trước đây hầu như tạm dừng không tổ chức. Các hoạt động thực hành nghi lễ truyền thống, thể hiện tri ân công đức tổ tiên được duy trì tại hầu hết các lễ hội trong cả nước như Chùa Hương, Yên Tử, Đền Trần... hay một số lễ hội từng là “điểm nóng” một vài năm trước như hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ), hội Phết Bàn Giản (Vĩnh Phúc), lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc)...
Trước bối cảnh xã hội ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại và văn minh hơn, càng cần đặt ra vấn đề xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tích cực, phù hợp với sự biến đổi văn hóa mà không làm mất giá trị tích cực của di sản lễ hội văn hóa.
Nhìn nhận về vấn đề này, theo PGS.TS Trần Hữu Sơn cho rằng, không nên có quan điểm cứng nhắc, lấy các nguyên lý tổ chức lễ hội truyền thống làm khuôn mẫu cho việc tổ chức các lễ hội, tổ chức các sự kiện như hiện tại. Cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò chủ thể của cộng đồng người dân tổ chức lễ hội. Người dân phải được tham gia các quá trình tổ chức lễ hội, phải được trao quyền tổ chức lễ hội hiệu quả. Đồng thời cũng không coi nhẹ việc quản lý của nhà nước đối với lễ hội. Mô hình quản lý và tổ chức lễ hội do cộng đồng tự quản và có sự giám sát của nhà nước ở cơ sở. Do đó, cần phải xây dựng những quy tắc ứng xử văn hoá trong lễ hội.
PGS.TS Trần Hữu Sơn cũng cho rằng, tiêu chí về xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong lễ hội rất cần thiết đối với du khách tham gia lễ hội, với Ban Quản lý di tích và với người dân bản địa. Quy tắc ứng xử là những điều đặt ra để mong muốn các thực hành văn hóa được diễn ra tốt đẹp. Một cách chủ động nhất thì đây là các kịch bản đặt ra để nhằm hạn chế những ảnh hưởng xấu. Trong hoạt động lễ hội, đó cũng là quan hệ ứng xử văn hóa của cộng đồng. “Vấn đề tuyên truyền, hướng dẫn quy tắc ứng xử lễ hội cần phải được làm thường xuyên, nhưng cũng chú trọng những thời điểm trọng tâm, trọng điểm. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và ứng xử văn hóa với các lễ hội hiện nay”- ông Sơn nói.