Thấp thỏm đưa con đến trường

Mạnh Thìn 08/03/2022 11:12

Thấp thỏm, lo lắng, bất an là tâm trạng chung của đại đa số phụ huynh tại Đồng Nai sau khi số ca nhiễm Covid-19 liên quan học sinh và giáo viên đang tăng chóng mặt.

Lo lắng đủ đường

6h15 sáng, chị Phạm Trinh ở phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa tất bật chuẩn bị cho con gái mình những đồ dùng cần thiết để đến lớp. Tuy nhiên, đây là “lớp tạm” tại nhà một cô giáo, vì trường đã cho học sinh chuyển sang học Online do có nhiều ca mắc Covid-19. Chị cùng một số phụ huynh khác bàn bạc nhờ một cô giáo trong trường kèm thêm kiến thức. “Nài nỉ lắm thì một cô giáo mới đồng ý nhận kèm được 7 cháu để bổ sung kiến thức. Phụ huynh ai cũng có công việc cả. Để các cháu ở nhà học Online chúng tôi cũng không an tâm. Mấy tháng liên tục học trực tuyến, các cháu bị hỏng kiến thức rất nhiều”, chị Trinh chia sẻ.

Trường THCS Hiệp Hòa (TP Biên Hòa) đóng cửa chuyển sang học online sau 2 tuần học sinh học trực tiếp. (Ảnh: Mạnh Thìn).

Còn với anh Thế Anh ở phường Bửu Long, TP Biên Hòa cũng rất vất vả mới tìm được người trông nom và kèm cặp cậu con trai đang học lớp 2. Anh Thế Anh cho biết, “Vừa đi học trực tiếp được hai tuần, cháu nhà tôi nó rất háo hức. Tuy nhiên do ca mắc Covid-19 tăng cao, nhà trường thông báo phải chuyển sang học trực tuyến. Khổ nhất là hai vợ chồng đều là công chức nhà nước, không thể ở cạnh cháu liên tục để chăm sóc, dạy học. Vất vả lắm vợ chồng tôi mới tìm được chỗ gửi để kèm cặp cháu, hướng dẫn cháu tiếp thu kiến thức khi học online”.

Nhiều phụ huynh ở TP Biên Hòa tất tả tìm cô giáo để gửi con sau khi nhà trường chuyển sang học trực tuyến. (Ảnh: Mạnh Thìn).

Không giống như chị Trinh hay anh Thế Anh phải chạy đôn chạy đáo tìm chỗ gửi con, chị Quỳnh Hương ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa thì đứng ngồi không yên khi lớp con chị theo học có đến 15 cháu là F0. Do lớp có sỉ số đến 52 cháu nên vẫn học bình thường (Theo quy định, nhà trường căn cứ vào số lượng F0, F1 trong một lớp để linh hoạt quyết định việc tiếp tục hoặc dừng học trực tiếp).

Chị cho biết, thời điểm này rất bất an và thấp thỏm, không biết F0 sẽ tìm đến con mình khi nào. Mỗi lần chở con đến trường, chị đều dặn dò con phải thực hiện nghiêm 5K. Dặn dò là một chuyện nhưng theo chị Hương, các cháu còn nhỏ nên ý thức kỷ luật chưa cao. Ngoài ra các cháu chưa được tiêm vaccine ngừa Covid-19, nguy cơ lây nhiễm bệnh là khó tránh khỏi. “Lớp con tôi theo học, có 15 cháu mắc Covid-19, khi các cháu về nhà, cha mẹ phải chăm sóc, thế nên nhiều phụ huynh cũng “dính” luôn và trở thành F0”, chị Hương lo lắng.

Nhiều phụ huynh đang có con học trực tiếp tại trường đều chung tâm trạng lo lắng, bất an khi gần như ngày nào cũng có tin nhắn thông báo có ca nhiễm Covid-19 trong lớp học.Hiện tình hình dịch bệnh phức tạp, ngày nào cũng có học sinh, giáo viên nhiễm Covid-19, qua theo dõi thông tin, tôi thấy một số trường quyết định cho học sinh quay lại học trực tuyến là rất hợp lý”, chị Hương nói.

Trao đổi với phóng viên, tuy phần lớn phụ huynh đều đồng tình với việc một số trường chuyển trạng thái sang học trực tuyến khi số ca mắc Covid-19 tăng cao. Nhưng điều khiến họ lo lắng là việc “lỗ hổng” kiến thức ngày càng dày thêm khi học trực tuyến. Việc chuyển sang học trực tuyến khiến nhiều phụ huynh phải “săn” giáo viên để “gửi” con theo học để tránh việc hụt kiến thức. Nhiều phụ huynh có con nhiễm Covid-19 phải nghỉ làm, ở nhà chăm sóc con, từ đây, nguy cơ lây nhiễm thứ phát cũng hình thành theo. Lo lắng đủ đường cũng là tình trạng chung hiện nay của nhiều phụ huynh tại Đồng Nai.

Linh hoạt phương án

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ ngày 14/2-6/3 toàn tỉnh Đồng Nai có trên 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng gần 16.500 học sinh, trẻ em dương tính với SARS-CoV-2. Tính đến thời điểm ngày 3/3, toàn tỉnh có 30 trường học ngưng việc dạy trực tiếp, trong đó có 20 trường (bao gồm các cấp học) chuyển sang dạy trực tuyến, 10 trường mầm non, mẫu giáo ngưng cho trẻ đến lớp, chủ yếu tập trung ở TP Biên Hòa và huyện Trảng Bom.

Trước nguy cơ bùng phát dịch trong trường học, Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Đồng Nai liên tục những ngày qua đã theo sát, kiểm tra tình hình cụ thể ở từng cấp học, qua đó linh hoạt triển khai các phương án đã xây dựng trước đó.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai Võ Ngọc Thạch (bên phải) kiểm tra, trao đổi với một giáo viên về công tác phòng chống dịch của nhà trường.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online, ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Đồng Nai cho biết: “Việc số ca F0 tăng cao trong giáo viên, học sinh là điều đã dự báo trước. Ngành tiếp tục chỉ đạo các trường trên địa bàn tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp theo chỉ đạo, hướng dẫn của liên ngành Y tế, GD-ĐT; Thường xuyên rà soát, bổ sung, củng cố điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng chống dịch Covid-19 trong các trường học nhằm ứng phó linh hoạt, kịp thời trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bảo đảm an toàn về sức khỏe cho giáo viên, trẻ em, học sinh”.

Cũng theo ông Thạch, một vấn đề không kém phần quan trọng chính là việc trấn an tâm lý của phụ huynh. Việc lo lắng bất an trong điều kiện dịch bệnh như thế này là điều không thể tránh khỏi. “Chúng tôi cũng chỉ đạo các trường học phải tăng cường khâu phối hợp với gia đình trẻ em, học sinh để theo dõi thường xuyên về sức khỏe; tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ học sinh về học tập, tâm lý, chăm sóc sức khỏe, bảo đảm dinh dưỡng và tăng cường các hoạt động vận động thể lực giúp các em thích nghi, ổn định việc học tập và rèn luyện trong bối cảnh dịch bệnh. Cùng với đó là quan tâm và có biện pháp hỗ trợ về vật chất và tinh thần đối với trẻ em, học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn” ông Thạch nói.

Học sinh một trường tiểu học ở Đồng Nai chờ test nhanh Covid-19 trước khi vào lớp.

Theo ghi nhận, đa số phụ huynh đều đề xuất cần tăng cường hơn nữa các giải pháp phòng dịch trong nhà trường để việc học tập của các em không bị gián đoạn. Cùng với đó là linh hoạt đưa các giải pháp lựa chọn hình thức dạy học hợp lý tùy theo cấp độ, mức độ dịch ở mỗi địa phương, nhà trường. Vấn đề ở đây là làm sao để vừa bảo đảm chương trình học cho các em, vừa gắn với an toàn phòng, chống dịch hiệu quả. Từ đó, phụ huynh cũng sẽ an tâm hơn, không còn lo lắng, bất an khi cho con đến trường.

Đồng Nai:

100% mẫu bệnh phẩm dương tính với Covid-19 lấy ngẫu nhiên cho kết quả đều là biến thể Omicron.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ.

Ngày 8/3, thông tin với phóng viên Đại Đoàn Kết, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, trước đó, ngày 22/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã lấy ngẫu nhiên 10 mẫu bệnh phẩm dương tính với Covid-19 trong cộng đồng ở các địa phương khác nhau trong tỉnh để gửi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh giải trình tự gene xác định biến thể của virus SARS-CoV-2. Ngày 5/3, Viện Pasteur thông báo kết quả cho thấy, cả 10 mẫu bệnh phẩm nói trên đều là biến thể Omicron. “Như vậy, chủng virus đang lây lan tại Đồng Nai hiện chủ yếu là biến thể Omicron. Ngành Y tế dự báo tốc độ lây lan dịch bệnh sẽ cao trong thời gian tới. Vì vậy người dân cần nâng cao ý thức hơn nữa trong việc phòng chống dịch. Đặc biệt, khoảng hơn hai tuần nay, số ca mắc Covid-19 tăng cao, chủ yếu là ở ngành giáo dục. Lo nhất là học sinh ở lứa tuổi chưa được tiêm vaccine”, ông Vũ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thấp thỏm đưa con đến trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO