Một lượng hàng hóa lớn liên quan đến mỹ phẩm, quần áo, rượu… vẫn được đưa về Việt Nam tiêu thụ thông qua đường xách tay. Những món đồ này đang né được nhiều loại thuế
Cần siết chặt quản lý với hàng xách tay để tránh thất thoát thuế.
Với các lời quảng cáo hàng được lấy ở mối tin tưởng, số lượng có hạn thay vì nhập khẩu ồ ạt, bao bì ghi toàn tiếng nước ngoài với giá bán phải chăng, hàng xách tay đánh trúng tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng Việt Nam và ngày có nhiều biến tướng. Thị trường hàng xách tay ngày càng phát triển, vượt mức kiểm soát của cơ quan quản lý. Chưa bao giờ, hàng xách tay lại thịnh hành như hiện nay, đặc biệt là vào dịp cuối năm, lễ Tết. Thị trường hàng hóa tiêu dùng tràn ngập hàng xách tay mà người tiêu dùng khó có thể biết đâu là giả, đâu là thật.
Theo một đầu nậu chuyên buôn hàng xách tay tiết lộ, các mặt hàng này về Việt Nam chủ yếu qua đường hàng không như: Qua đội ngũ tiếp viên hàng không xách tay theo mỗi chuyến bay từ nước ngoài về, qua công ty vận chuyển chuyên nghiệp bằng đường hàng không và qua tay các đầu nậu đi nước ngoài theo diện đi du lịch. Với những hình thức này, hàng tỷ đồng hàng hóa đã được vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ mà không bị mất một loại thuế nào.
Cụ thể theo Khoản 1, Điều 6 Nghị định 08/2015/NĐ-CP các đối tượng phải làm thủ tục hải quan bao gồm: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý, đá quý, văn hóa phẩm, di vật, cổ vật, bảo vật, bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; các vật phẩm khác xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh trong địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan.
Như vậy, hàng xách tay thuộc vào những hàng hóa phải làm thủ tục hải quan. Trong khi đó tại điểm Điểm c, Điều 7 quy định về Hàng hóa nhập lậu thì: Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan là hàng hóa nhập lậu. Như vậy có thể khẳng định rằng, kinh doanh hàng xách tay chính là kinh doanh hàng hóa trốn thuế, nhập lậu.
Theo kinh nghiệm của dân buôn hàng xách tay, họ không bao giờ gửi hàng về bằng đường bưu điện, vì không “né” được thuế, mà thủ tục lại rườm rà và thời gian vận chuyển lâu. Còn vận chuyển bằng đường biển rủi ro bị phát hiện hàng trốn thuế sẽ cao hơn đường hàng không.
Siết chặt đầu ra
Trong văn bản gửi cục thuế các địa phương, Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý thuế với các cơ sở kinh doanh hàng hóa xách tay là các loại thực phẩm, mỹ phẩm, chất kích thích để chủ động nắm thông tin, xác định các trường hợp rủi ro, xử lý kịp thời. Dù chưa có số liệu thống kê, nhưng theo các chuyên gia với tốc độ phát triển của hàng xách tay hiện nay, mỗi năm ngành thuế có thể thất thu hàng trăm tỷ đồng.
Để ngăn chặn tình trạng này, trong tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ nội dung báo chí phản ánh việc hàng hóa xách tay là các loại thực phẩm, mỹ phẩm, chất kích thích chưa qua kiểm định nhưng được bày bán công khai trên thị trường với số lượng rất lớn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và gây thất thu ngân sách; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Trong khi đó theo quan điểm Bộ Tài chính, hiện có một số vướng mắc cũng như khó khăn trong công tác quản lý mặt hàng bay này như hành khách không khai báo đầy đủ, chính xác số lượng, giá trị hàng hóa để gian lận và trốn thuế. Bộ Tài chính đề nghị liên bộ Công thương, Y tế, Nông nghiệp, Khoa học Công nghệ, Công An và Ban chỉ đạo 389 quốc gia cùng vào cuộc.
Ngoài việc tăng cường giám sát, nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý số, tuyên truyền cho người tiêu dùng Việt thay đổi quan điểm về hàng xách tay… cần tính đến việc sửa đổi chính sách, quy định cụ thể các mặt hàng được miễn thuế theo quy định. Đồng thời, các lực lượng chức năng, quản lý thị trường, thanh tra, y tế, cơ quan công an… cần tăng cường quản lý kiểm ra và xử phạt các trường hợp hàng hóa gắn mác xách tay bày bán trên thị trường…