Phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng, tuy nhiên, phát triển quá nhanh và quá nóng lại dẫn đến những bất cập trong khâu truyền tải.
Vấn đề này được đặt ra tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sáng 17/9 tại Hà Nội.
Chỉ trong vòng hai năm trở lại đây, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về phát triển năng lượng tái tạo. Với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành, Việt Nam trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng với tốc độ chóng mặt thời gian qua của các dự án điện mặt trời đang đặt ra những thách thức lớn về sự phát triển đồng bộ của hệ thống lưới điện, cơ chế giá điện…
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, thời gian qua đã nỗ lực để làm giảm áp lực “thừa công suất” của các dự án điện mặt trời. Tuy nhiên, EVN cũng thừa nhận, hiện điện mặt trời phát triển nhanh và cục bộ tại một số địa phương đã và đang gây khó khăn trong truyền tải công suất. Cùng với đó, công suất phát của nguồn điện này không ổn định, khó dự báo chính xác sản lượng và chỉ phát huy hiệu quả vào ban ngày, khiến hệ thống điện phải có dự phòng điều tần lớn.
Từ thực tế này, ông Lê Hải Đăng, Trưởng ban Chiến lược phát triển, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất, thời gian tới Nhà nước cần đẩy nhanh, bổ sung quy hoạch và thực hiện đầu tư mạnh vào lưới truyền tải điện. Ngoài ra, ngành điện cần phải tiến hành thuê tư vấn nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cần có ứng với các mức độ tăng dần của tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hệ thống điện; ứng dụng AGC (tự động điều chỉnh công suất) để khai thác tối đa công suất phát các nguồn năng lượng tái tạo theo khả năng tải của đường dây.
Ông Trần Anh Tuấn, Thư ký Hiệp hội Năng lượng thế giới , cho rằng tiến trình phát triển các dạng năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, hydrogen…) là xu thế tất yếu của thời đại, nhằm tạo ra các nguồn năng lượng sạch, giá rẻ, ổn định và bảo vệ môi trường.
Theo khảo sát, hiện nay trên thế giới đã có hơn 100 nước chọn biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, bao gồm các lĩnh vực tiết kiệm điện trong sản xuất và trong sinh hoạt; đổi mới công nghệ trong sản xuất để tiết kiệm điện; áp dụng kỹ thuật số/blockchain trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện.
“Việc lưu trữ năng lượng sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho ngành năng lượng vào năm 2040” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Đinh Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN cho rằng, thế giới ngày nay đang đặt ra yêu cầu lớn về chuyển dịch năng lượng bền vững, do nguồn năng lượng sơ cấp suy giảm cũng như nguy cơ về ô nhiễm môi trường. Nhiều nhà máy nhiệt điện than tại nhiều quốc gia đã phải xem xét lại, cùng với việc hướng tới đa dạng hóa nguồn năng lượng để tránh phụ thuộc vào một nguồn năng lượng chính.
“Những năm gần đây ở Việt Nam đã có sự chuyển dịch rất lớn và rõ về cơ cấu nguồn năng lượng. Những nguồn nguyên liệu hóa thạch suy giảm mạnh đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và điện sinh khối. Tại Việt Nam, các dự án điện gió và mặt trời phát triển rất mạnh với hàng loạt các dự án được đưa vào khai thác đã hỗ trợ tích cực cho các dự án năng lượng khác đang chậm tiến độ”, ông Phúc nói.