Theo tổ chức tư vấn nhân sự JobTest, để chọn được một ngành nghề phù hợp trong tương lai, nghề nghiệp đó cần được hội tụ các yếu tố như: Sở thích, năng lực, nhu cầu xã hội, sức khỏe, ngoại hình, gia đình và các yếu tố khác. Trong đó, ba yếu tố đầu tiên là rất quan trọng trong việc cân nhắc chọn ngành nghề để theo học và trau dồi tri thức, kỹ năng. Hiểu về ngành nghề cũng như hiểu chính mình sẽ giúp mỗi người có được định hướng nghề nghiệp đúng đắn cũng như tìm được công việc phù hợp, đúng mơ ước.
Không nên bắt đầu khi đã là sinh viên ngồi trên giảng đường đại học hay đã tham gia vào các khóa học nghề, công tác hướng nghiệp nên được khởi động càng sớm càng tốt trong các nhà trường phổ thông, thậm chí là ngay từ bậc mẫu giáo theo các hình thức tiếp cận khác nhau.
Trong đó, hướng nghiệp không chỉ đơn giản dừng lại ở việc chọn nghề, chọn trường mà còn gồm cả quá trình lên kế hoạch, đặt mục tiêu và những điều cần làm khi xác định lựa chọn hướng đi này. Thế nhưng thực trạng định hướng nghề nghiệp của đại bộ phận học sinh, sinh viên hiện nay chỉ dừng lại ở bước đầu mà bỏ qua việc trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng và vốn sống. Hệ quả là nhiều học sinh, sinh viên phân vân chọn sai ngành học và tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành, cần đào tạo lại từ đầu không ít.
Một trong những yếu tố chưa được quan tâm nhiều khi người trẻ chọn nghề hiện nay đó là khả năng thích ứng nghề nghiệp. Lý do thì nhiều nhưng chủ yếu là vì tuổi trẻ, các em chưa va chạm thực tế công việc và trải nghiệm xã hội vẫn còn ít nên rất khó để các em trả lời được câu hỏi mình có phù hợp với nghề A hay nghề B không?
Nhưng nếu như có được bức tranh càng chi tiết, rõ ràng về nghề nghiệp mình định theo đuổi thì chắc chắn khả năng chọn sai nghề của người trẻ sẽ càng ít đi. Đơn cử, với nghề sửa chữa máy móc, tính nhẫn nại, kiên trì chắc chắn không thể thiếu. Khám bệnh cho con người, có thể còn được người bệnh chỉ cho đau ở đâu còn một chiếc xe máy hỏng, người thợ chỉ có thể tự tìm kiếm bộ phận hỏng. Nếu là người có kinh nghiệm, chỉ nhìn hoặc kiểm tra một vài chi tiết là đã có thể “bắt bệnh”. Nhưng với những người mới bắt đầu, chặng đường không khỏi gian nan…
Hiện nay, nhiều trường ĐH hoặc các cơ sở tuyển sinh có một số bài test trắc nghiệm sở thích định hướng nghề nghiệp của thí sinh. Nhà trường, các thầy cô giáo có thể tổng hợp từ các nguồn đáng tin cậy, sau đó giới thiệu đến học sinh của mình tham gia làm bài kiểm tra để đánh giá khả năng thích ứng với nghề nghiệp đó.
Tất nhiên, ngoài yếu tố phù hợp bẩm sinh, nhiều chuyên gia cũng nhận định một phần quan trọng của khả năng thích ứng là đến từ thái độ: Bạn sẵn sàng thay đổi như thế nào? Kể cả không khả năng thích ứng bẩm sinh, chúng ta vẫn có phát triển khả năng thích ứng bằng ý chí, thái độ của mình. Từng ngày, sự thay đổi trong thái độ của bản thân sẽ khiến mỗi người trở nên tốt hơn trong việc thích ứng với những thay đổi mà chúng ta sẽ phải đối mặt.