Viêm da cơ địa là bệnh da mạn tính thường hay gặp ở cả trẻ em và người lớn. Thời tiết chuyển lạnh cũng là lúc bệnh nhân viêm da cơ địa dễ tái phát nhiều lần. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng khó chữa dứt điểm, gây nên sự khó chịu, phiền toái cho người bệnh.
Theo các bác sĩ da liễu, viêm da cơ địa là một bệnh dị ứng khiến da người bệnh đỏ và ngứa. Bệnh xảy ra ở hầu hết các đối tượng, kể cả người lớn và trẻ nhỏ. Khi ngứa bệnh nhân càng gãi thì càng làm bệnh trở nên nặng hơn, thậm chí các vết thương có nguy cơ bị nhiễm trùng.
Ở trẻ dưới 2 tuổi, viêm da cơ địa biểu hiện ở những tổn thương hay gặp ở mặt, đôi khi gặp ở thân mình, cẳng chân, bàn chân, cánh tay và bàn tay. Ở những lớn tuổi hơn, bệnh hay gặp ở vùng nếp gấp như khuỷu, gối, cổ... Bên cạnh đó, viêm da cơ địa ở người lớn thường là diễn biến mạn tính. Các triệu chứng bao gồm da dày thâm, ranh giới rõ, lichen hoá, các vết nứt đau...
Thời tiết miền Bắc trở lạnh và khô liên tục trong thời gian gần đây là điều kiện thuận lợi để viêm da cơ địa tái phát. Hiện nay, chưa có nghiên cứu nào xác định chính xác nguyên nhân gây ra viêm da cơ địa. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể là các nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ và khiến bệnh trở nên nặng hơn như: ô nhiễm môi trường, dị ứng hoá chất, thực phẩm, thời tiết...
Có nhiều thuốc điều trị viêm da cơ địa, tùy theo độ tuổi, giai đoạn và mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc hợp lý bao gồm: Kháng viêm, kháng histamin (chống ngứa), thuốc bôi khử khuẩn và diệt khuẩn tại chỗ (có thể kèm có corticoid chống viêm) như sunfadiazin bạc, diretlex...
Tuy nhiên, các bác sĩ nhấn mạnh, việc sử dụng thuốc cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc bôi bên ngoài để tránh những biến chứng không mong muốn.
Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ, với làn da mỏng, yếu, nếu thoa thuốc không đúng chỉ định sẽ gây ra tình trạng teo da tại vùng bôi thuốc, thậm chí có thể gây viêm, nhiễm trùng...
Một số lưu ý cần thiết:
- Tăng cường dưỡng ẩm: Kem dưỡng ẩm có tác dụng chống khô da và hạn chế đưỡc tình trạng ngứa ngáy, khó chịu và hạn chế bệnh tái phát. Nên sử dụng kem dưỡng ẩm hàng ngày và dùng lâu dài sau khi triệu chứng đã được cải thiện.
- Lựa chọn quần áo: Với làn da nhạy cảm hơn bình thường, bệnh nhân viêm da cơ địa nên lựa chọn những loại quần áo mềm mại, thoải mái, thấm mồ hôi tốt. Hạn chế những bộ quần áo chật và cứng.
- Tránh tiếp xúc với các yếu tố dễ gây kích ứng như: lông gia súc, gia cầm, bụi nhà, phấn hoa, khói thuốc lá...
- Không nên tắm với nước quá nóng vì sẽ làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da, dễ gây kích ứng và khó chịu,...
- Người bệnh không nên tự ra hiệu thuốc mua các loại thuốc bôi để điều trị viêm da cơ địa hoặc điều trị theo các đơn thuốc đã được kê trước đó, bệnh nhân phải được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa.
- Ăn uống: Lựa chọn thêm các loại thực phẩm kháng viêm để bổ sung vào thực đơn hàng ngày. Những thực phẩm kháng viêm có thể kể đến là: Cá, đồ lên men, trái cây, rau củ...